Tượng đài Điện Biên Phủ được đúc tại làng nghề... mây tre!

Tượng đài Điện Biên Phủ được đúc tại làng nghề... mây tre!
TP - Vụ án liên quan đến những sai phạm tại dự án tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đang được điều tra. Nhóm PV TP đã vào cuộc và phát hiện đằng sau công trình tai tiếng này là những câu chuyện khó tin làm day dứt lòng người.

Ông Nguyễn Văn Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến đến nay còn giữ nguyên cảm xúc phấn khởi khi Cty TNHH Đoàn Kết được giao thực hiện tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Niềm vui đó không chỉ xuất phát từ hợp đồng đúc tượng trị giá cả chục tỷ đồng sẽ làm tăng nguồn thu đáng kể cho địa phương mà hơn thế, công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng- công trình tôn vinh lịch sử, tôn vinh chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

Biết tin Cty Đoàn Kết đúc tượng, nhiều cụ già thôn trong, làng ngoài đạp xe lên cơ sở đúc của Cty để chiêm ngưỡng tượng đài. Ngày tượng được xuất xưởng để vận chuyển lên Điện Biên, nhân dân trong thôn mất vài buổi dọn dẹp đường sá, cành cây để xe chở tượng rộng đường đi.

Giữa tháng 6 vừa qua, ông Tảo nhận tin dữ là Công an về bắt Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Giám đốc Cty Đoàn Kết. Bất ngờ, buồn, và mơ hồ về một sự thật, dân địa phương có người nói  Hạnh dại dột, chết oan, có người lại bảo rằng đấy là kết cục  tất yếu.

Nguyễn Trọng Hạnh sinh năm 1959 (theo lệnh bắt tạm giam), quê ở xóm Tân Hưng, làng Cát Đằng, xã Yên Tiến. Trụ sở của Cty và cũng là nơi đặt xưởng đúc nằm tại xóm Hoa Lư, thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến. Điều bất ngờ là xã Yên Tiến không phải là xã có nghề đúc đồng và tuyệt nhiên cả thôn Thượng Đồng và Cát Đằng cũng chẳng có gì dính líu đến nghề đúc đồng truyền thống.

Ông Tảo cho biết, xã có nghề truyền thống là nghề làm mây, tre, nứa tróc, nghề sơn dầu. Trong xã có đến 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực truyền thống của địa phương.

Đoàn Kết là một trong hai doanh nghiệp vừa kinh doanh mặt hàng truyền thống vừa kiêm “đúc đồng-  truyền thống”. Ngay cả tại Yên Tiến, Cty Đoàn Kết cũng chỉ được “xếp chiếu dưới”- hạng ba.

Lý do Cty Đoàn Kết nhận được hợp đồng lớn theo như giải thích của Giám đốc Cty Đoàn Kết- Nguyễn Trọng Khiết (bố của Phó Giám đốc Hạnh) là do Hạnh có hiểu biết về kiến trúc, mỹ thuật và là cộng tác viên lâu năm của Cty Mỹ thuật T.Ư (?).

Nói đến nghề đúc đồng truyền thống Ý Yên phải nói đến làng Tống Xá, xã Yên Xá, Ý Yên và một phần thị trấn Lâm. Theo lời kể của các nghệ nhân địa phương thì nghề đúc đã hiện diện tại làng nghề từ 900 năm nay mà ông tổ nghề là cụ Khổng Minh Không.

Đền thờ cụ tại địa phương đã được cấp bằng di tích quốc gia. Hiện, Yên Xá có đến cả ngàn thợ đúc lành nghề và có đến hàng chục thợ đúc đạt trình độ nghệ nhân. Dân gian có câu: “Ai về Nam Định, Ý Yên.

Nhớ về Yên Xá mà xem đúc đồng”. Chỉ tiếc rằng, những nghệ nhân đích thực của nghề đúc Yên Xá không được làm chủ kỹ thuật cho công trình quan trọng này.

Ông giám đốc “mù tịt” nghề đúc! 

Ông Nguyễn Trọng Khiết, Giám đốc Cty Đoàn Kết thú nhận rằng, ông không hề biết gì về nghề đúc đồng cũng như về đồng. Tại Cty, mảng đúc đồng ông giao cả cho Hạnh.

Có thể vì lý do đó, nên Hạnh, tuy là Phó Giám đốc Cty nhưng mới đây đã bị bắt. Còn ông Khiết, Giám đốc Cty đã bị Công an gọi hỏi 20 lần nhưng vẫn bình an.

Năm 1988, tại xã Yên Tiến, tổ hợp với cái tên Đoàn Kết ra đời chuyên kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực mây tre đan và về sau có kiêm thêm ngành đúc.

Đến năm 2001, tức là trước khi ký được hợp đồng đúc tượng đài Điện Biên Phủ một năm, tổ hợp này đã nâng cấp thành Cty gia đình với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực kinh doanh cũ, Cty  bổ sung ngành đúc. Trong đó, ông Khiết có vốn đóng góp là 2 tỷ đồng và giữ chức Giám đốc, Hạnh có vốn góp 4 tỷ đồng, giữ chức Phó Giám đốc, vợ Hạnh là Đỗ Thị Thuần, góp 1,6 tỷ đồng. Hai người con rể của ông Khiết mỗi người góp 1,2 tỷ đồng. 

Ông Khiết cho biết, doanh thu của Cty qua các năm cụ thể: Năm 2002 đạt khoảng 7 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng đúc đồng chiếm khoảng 1,5 tỷ đồng. Năm 2003, doanh thu tăng lên 18,5 tỷ đồng, năm 2004 đạt 9 tỷ đồng, năm 2006 vừa qua đạt 2 tỷ đồng.

Để phát triển nghề đúc tại Cty, Nguyễn Trọng Hạnh đã tuyển 20 thợ đúc trong đó có một “ thợ đầu cánh”- thợ cứng ở tuổi 40. Khi nhận được dự án lớn, Cty huy động thêm cả trăm nhân công từ Thanh Hóa ra làm. “Tuy nhiên, thợ của Cty đảm đương những phần việc chính, phần kỹ thuật cao”- Ông Khiết giải thích.

Qua thị xã Ninh Bình rẽ về QL10 khoảng 8 km là đến xã Yên Tiến. Hỏi thăm đến Cty Đoàn Kết người dân nào cũng sẵn sàng chỉ đường bởi lẽ Cty Đoàn Kết nổi tiếng bởi đã đúc tượng đài Điện Biên Phủ và nay lại nổi tiếng khi Phó Giám đốc Cty mới bị bắt. Trụ sở Cty và cũng là xưởng đúc rộng 5.000m2.

Tại đó, có ngôi nhà 2 tầng giả cổ khá bề thế. Tầng một ngôi nhà là nơi làm việc. Tầng hai dành để họp hành và trưng bày sản phẩm. Trong chiếc tủ kính có đến cả chục giấy khen, bằng khen của các ban ngành, chính quyền tặng Cty Đoàn Kết, tặng ông Hạnh vì có nhiều thành tích.

Đáng chú ý là Hạnh được nhận bằng khen của tỉnh Điện Biên về công trình tượng đài Điện Biên với vai trò là xưởng trưởng xưởng đúc của Cty Mỹ thuật T.Ư. Cạnh đó là bằng khen của UBND TP Hà Nội tặng về tượng đài Lý Thái Tổ…

Trên khuôn viên, nhà xưởng đâu đâu cũng thấy tượng danh nhân, tượng Phật. Có bức dở dang, có bức đang làm khuôn, có bức đã hoàn hành nằm lăn lóc chờ khách mang đi.

Đặc biệt, hàng chục chiếc máy thổi than, hàng chục chiếc nồi nấu đồng đang lỏng chỏng phủ bụi trên sân. Đó có lẽ là dấu tích còn lại của đại công trường đúc tượng đài. “Từ khi Hạnh bị bắt, một số anh em thợ đã không đến làm việc, nên mới vắng vẻ thế này”- Ông Khiết buồn rầu nói.  

------------

Bài 2: Hàng trăm tấn đồng phế liệu đã được mua gom như thế nào?

MỚI - NÓNG