>> Nhiều bạn đọc nghi ngờ về dự án 30 tỷ USD
>> Điều quan trọng là phải kiểm tra được năng lực tài chính
>> Có một số nghi ngại quanh dự án của Eminence
>> 29/5, Eminence tiếp tục họp báo
Giám đốc Quốc gia ADB: Chúng tôi hiện không phải là nhà đầu tư
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã có phản hồi chính thức sau khi nhận được yêu cầu xác nhận rằng liệu họ có phải là “nhà đầu tư” hoặc đã đưa ra bất kỳ “cam kết” nào với Tập đoàn Eminence trong dự án đầu tư 30 tỷ USD vào Thanh Hóa.
Trước hết Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, xác nhận: Tập đoàn Eminence có liên hệ với họ; Tập đoàn Eminence cũng đã đến Văn phòng của ADB ở Việt Nam và có buổi giới thiệu ngắn.
Về phần mình, ADB cũng giới thiệu vắn tắt về các hoạt động trong lĩnh vực (đầu tư) tư nhân của họ với Tập đoàn Eminence.
Tuy nhiên, theo ông Ayumi Konishi, cuộc trao đổi giữa họ và Tập đoàn Eminence chỉ mang tính chung chung. ADB nhận thức được “đề nghị” của Tập đoàn Eminence nhưng chưa đưa ra bất kỳ “cam kết nào” trong dự án đầu tư 30 tỷ USD ở Thanh Hóa.
Đại diện ADB nói đến nay họ vẫn biết rất ít về đề xuất của Tập đoàn Eminence trong dự án này. Vì thế ADB chưa thể đưa ra bình luận nào về việc dự án là tích cực hay tiêu cực. Cuối cùng ADB khẳng định: “Có thể nói rằng, đến thời điểm này chúng tôi không phải là “nhà đầu tư” trong dự án này”.
Giám đốc Dragon Capital: Chưa có bất kỳ cam kết nào
Cty quản lý quỹ Dragon Capital – một trong những quỹ đầu tư lâu đời và thành công nhất tại Việt Nam – cũng được nêu tên trong buổi giới thiệu dự án.
Trao đổi với Tiền phong chiều 21/5, ông Dominic Scriven - Giám đốc, đồng sáng lập Dragon Capital - cho biết một đại diện của quỹ này đã được mời đến tham dự buổi giới thiệu tại Hà Nội về dự án đầu tư vào Thanh Hóa của Tập đoàn Eminence.
Tuy nhiên, ông Dominic Scriven khẳng định: “Tôi chưa có thông tin về tập đoàn (Eminence)”. Qua báo Tiền phong, Giám đốc Dominic Scriven khẳng định: “Dragon Capital chưa bao giờ đưa ra cam kết nào về bất kỳ điều gì liên quan đến việc tham gia hoặc bỏ vốn vào dự án này”.
Đại diện Eminence rời khỏi Hà Tĩnh mà không có hồi âm gì
Để tìm hiểu thực hư sự việc này ra sao, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh được biết:
Năm 2006 ông Hồ Quốc Phi - Vụ phó Vụ thương mại miền núi và Mậu dịch biên giới (Bộ Thương mại) - quê ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đã đưa ông Dương Vũ Thông (Yang Wu Song)- đại diện Tập đoàn Eminence, về Hà Tĩnh với ý định để tập đoàn này đảm nhận toàn bộ công trình khai thác mỏ sắt Thạch Khê và xây dựng nhà máy luyện thép với công suất lớn tại Hà Tĩnh.
Ông Trần Đình Đàn - Bí thư Tỉnh ủy - đã 2 lần đón tiếp tập đoàn này rất chu đáo rồi sau đó giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh, huy động mọi khả năng để làm việc với tập đoàn này, mong sớm đạt được sự thỏa thuận có hiệu quả.
Một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã làm hết sức mình, đón tiếp Tập đoàn Eminence rất nhiệt tình với tinh thần khát khao mời gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện hướng dẫn thủ tục giấy tờ để nhà đầu tư lập kế hoạch trình cấp trên nhằm tiến hành khai thác mỏ sắt Thạch Khê, xây dựng nhà máy luyện thép.
Sau nhiều lần đi thực tế và soạn thảo văn bản… phía Eminence đã đưa ra chương trình hành động... Nhưng rồi đại diện tập đoàn này đã rời khỏi Hà Tĩnh mà không có hồi âm gì”.