Sầu nữ Đàm Liên và hai tình yêu lớn

Sầu nữ Đàm Liên và hai tình yêu lớn
Tình yêu lớn thứ nhất là nghệ thuật Tuồng hẳn ai cũng biết. Còn nhiều người không hiểu một Đàm Liên nồng nàn và đắm say như Hồ Nguyệt Cô lại có thể sống một mình suốt 10 năm sau khi người chồng – nhạc sĩ Vĩnh An ra đi.

Toả sáng từ hai vai diễn

Sau sầu nữ Út Bạch Lan, danh hiệu sầu nữ thứ hai được khán giả kiều bào yêu mến tặng cho NSND Đàm Liên khi bà diễn vai Hồ Nguyệt Cô hoá cáo năm 1984 tại Pháp. Sau nhiều đêm diễn, cứ mỗi lần Đàm Liên xuất hiện trên sân khấu là khán giả lại đứng dậy vỗ tay, họ nói với chị: “Ban đầu, chúng tôi đến đây chủ yếu để xem cải lương chứ không phải để xem tuồng nhưng khi xem Đàm Liên diễn vai Ông già cõng vợ đi xem hội, chúng tôi được cười với quê hương xứ sở trong ngày hội, còn xem Hồ Nguyệt Cô hoá cáo thì chúng tôi lại đau, khóc và thương với nhân vật”.

Có lẽ vì thế mà kiều bào gọi Đàm Liên là sầu nữ tình yêu. Hồ Nguyệt Cô vì quá yêu, quá say, để mất viên ngọc quý vào tay người yêu mà mãi mãi mất kiếp người, suốt đời phải chịu làm kiếp cáo. Để thể hiện tâm trạng của Hồ Nguyệt Cô, Đàm Liên đã hét lên những tiếng vừa nỉ non, ai oán, vừa đau khổ, thù hận: “Ngọc ta đâu, ai cướp ngọc ta? Thiết Giao, ai cướp ngọc ta?”. Dường như vẫn chưa đủ, chị nghĩ rằng, không một lời hát, động tác nào có thể diễn đạt hết được nỗi uất hận của cô gái, chỉ có tiếng cười mới đẩy câu hát lên tới đỉnh điểm. Và Đàm Liên chọn cách diễn hát một câu rồi cười, cười lăn lộn, cười trong tiếng khóc, tiếng nấc, và cuối cùng kết thúc bằng một tiếng “ngao” trở về kiếp cáo.

Một vai diễn khác cũng đem lại tên tuổi cho NSND Đàm Liên là Ông già cõng vợ đi xem hội. Mỗi lần kể về vai diễn này, lại nhắc chị về nỗi ân hận đối với đạo diễn – NSND Ngọc Phương, lúc đó là Giám đốc Nhà hát Tuồng.

Sầu nữ Đàm Liên và hai tình yêu lớn ảnh 1

Khi NSND Ngọc Phương đề nghị NSND Đàm Liên đóng vai Ông già cõng vợ đi xem hội thì chị rất phân vân và e ngại. Trong tuồng có trình thức thì người nghệ sĩ nghiên cứu được và dễ vào vai nhưng vai này chưa có một mẫu hình nào vì trong cùng một thời gian mà phải đóng hai vai một già-một trẻ nên rất khó vào vai. Lúc đó Đàm Liên cho rằng ông muốn làm khó, “chơi xấu” chị, hơn nữa vì nghĩ vai diễn là chế giễu mình (NS Vĩnh An lớn hơn vợ 15 tuổi) nên Đàm Liên đã từ chôí. Tuy nhiên, sau khi được NS Vĩnh An động viên, NSND Mẫn Thu lại khuyến khích: “Vai khó mà Đàm Liên đóng được mới hay” nên chị đã nhận vai và tập một cách nghiêm túc. Buổi đầu tiên NSND Đàm Liên ra mắt vai Ông già cõng vợ đi xem hội là ngày 19/7/1979 tại rạp Đại Nam (Hà Nội), đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận, tiếng vỗ tay rào rào không ngớt. Mặc dù rất hạnh phúc nhưng trong lòng bà lúc đó vẫn còn điều gì đó day dứt vì đã hiểu sai về đạo diễn Ngọc Phương. Điều này chỉ được giải toả khi ông lên bắt tay và vỗ tay vào vai bà. Cũng chính từ vai diễn này, Đàm Liên thoát khỏi những trình thức của những vai diễn tuồng, đem đến phong cách mới, diễn nhanh, thoát, trẻ trung. Sau đêm diễn đầu tiên ấy, Ông già cõng vợ đi xem hội còn được NSND Đàm Liên diễn tới 1999 đêm nữa và bà đã trở thành nhân vật của “Chuyện lạ Việt Nam” với 2000 đêm diễn.

Hạnh phúc không bắt đầu từ tình yêu

“Sáng nay đài báo gió mùa đông bắc/ ngoài trời mưa rả rích gió từng cây/ Chiều nay nhận được thư từ Đông bắc/ Đôi men nước mắt đổ mưa sầu/ Tỉnh lại em ơi đời đẹp lắm/ Gió mưa cuốn sạch bụi trần gian/ Lá vàng rụng xuống mầm non mọc/ Mặt trời lên đẹp bóng Yên Lan”.

Yên Lan là tên ghép giữa NSND Đàm Liên và NS Vĩnh An, đây cũng là chính là tên mà họ đặt cho cô con gái. NS Vĩnh An lúc bấy giờ là đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5, khi hai người chưa cưới nhau, ông đã viết bài thơ này để trả lời Đàm Liên khi chị thông báo bị Bộ VH-TT kỷ luật, và bài thơ đã thể hiện tình yêu, sự cảm thông của nhạc sĩ đối với người yêu.

NSND Đàm Liên nhớ lại, khi chị lên xe hoa  với NS Vĩnh An không phải vì một tình yêu lớn lao, chị chưa thực sự yêu chồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, tình yêu đối với NS Vĩnh An đã lớn dần theo thời gian như có lần Đàm Liên thú nhận: “Lấy ông rồi mới biết thế nào là tình yêu, đó mới là tình yêu đích chực còn những tình yêu trước kia với người khác chỉ là sự dung cảm bản năng giữa một người đàn ông và một cô gái”. Trong vòng 25 năm chung sống, với Đàm Liên, NS Vĩnh An không chỉ là người chồng, người anh mà còn là người bắc từng nấc thang cho chị bước tới đỉnh vinh quang của nghệ thuật. Ông dạy chị làm thơ, viết văn, làm khán giả đóng góp những ý kiến chân tình cho từng vai diễn của chị. Ông còn phổ bài thơ Cô gái sông Hương của Tố Hữu theo điệu hát tuồng để Đàm Liên diễn mà khi nghe xong tác giả bài thơ phải rưng rưng nước mắt thốt lên rằng: “Hay quá! Tôi cảm ơn Đàm Liên”. Rồi nhiều bài thơ khác cũng được NS Vĩnh An phổ để Đàm Liên diễn theo điệu hát tuồng.

Mỗi lần Đàm Liên đi diễn là mỗi lần ông ở nhà bồn chồn lo lắng. Những ngày cuối đời, ông càng tỏ ra lo lắng hơn, mỗi ngày 1 – 2 lần ông nói với vợ: “Anh không lo gì cho em cả, anh chỉ lo khi diễn xong, em xách va li từ ngoài đường vào trong nhà người ta tưởng của cải gì thì họ giết em mất”. Rồi ông làm bài thơ Bên ấy - Bên này để bày tỏ nỗi lòng: “Bên ấy đêm đêm vẫn đỏ đèn/ Một mình một bóng với đêm khuya/ Để ai ghé mắt qua cửa sổ/ Chạnh lòng chi lắm cảnh cô đơn/ Bên này cũng chỉ một mình thôi/ Chẳng có ai đâu để giãi bày/ Mỗi đêm trăng sáng ngồi chải tóc/ Tóc vẫn suông mà dạ rối bời”.

Sau này nghĩ lại, Đàm Liên mới cho rằng đây là linh tính của sự ra đi mãi mãi mà ông biết rằng không thể tiếp tục lo cho vợ được nữa. Năm 1994, NS Vĩnh An ra đi để lại cho Đàm Liên một nỗi trống trải lớn lao, dường như chị không thể gượng dậy được. Cô con gái Yên Lan tâm sự với mẹ: “Mẹ không biết đấy, bố nói với con rằng, 1 tháng 30 ngày thì mẹ đi diễn 26 đêm, 2 đêm mẹ ở với bà ngoại, chỉ có 2 đêm mẹ trò chuyện cùng bố”. Điều này làm Đàm Liên suy nghĩ và ân hận: “Mình làm nghề và hạnh phúc với nghề, nhưng tình cảm với chồng trong những ngày cuối đời lại chưa trọn vẹn”. Đến nay NS Vĩnh An mất đã được 10 năm, dường như sự thiếu hụt, mất mát lại nhường chỗ cho 1 hạnh phúc mới, đó là tình cảm với nghệ thuật, với công chúng-điều an ủi cuối cùng của Đàm Liên. Chẳng thế mà dù hiện đang sống một mình trong căn nhà rộng nhưng chị không cảm thấy cô đơn bởi chỗ nào cũng thấy hình bóng của chồng, nhất là mỗi lần mặc hình nộm diễn vai Ông già cõng vợ đi xem hội, ở đó có hình ảnh của NS Vĩnh An dí dỏm và thương vợ.

MỚI - NÓNG