ĐBQH băn khoăn vị trí TT hành chính quốc gia

ĐBQH băn khoăn vị trí TT hành chính quốc gia
TP - Thời gian thực hiện đồ án chỉ có mấy tháng có đảm bảo chất lượng không hay phải làm gấp vì có mục đích gì khác? Chúng ta từng có nhiều quy hoạch dời đô về Xuân Hòa từng thất bại -  Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo lắng.

>> Không nên chọn Ba Vì làm trung tâm hành chính
>> Vì sao phải xây dựng trục Thăng Long?

ĐBQH băn khoăn vị trí TT hành chính quốc gia ảnh 1
Người dân thủ đô xem sa bàn quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050 tại TT Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Ảnh : Thuận Phong

Một số bộ ngành lại đang xây trụ sở mới

Có ý kiến ĐBQH còn băn khoăn với định hướng của Đồ án “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050, bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa...” trong điều kiện hiện nay một số bộ, cơ quan Trung ương đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới...

Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ông Quân cho biết: Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBNDTP Hà Nội chỉ đạo liên danh tư vấn làm việc với các bộ, ngành liên quan, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, hội nghề nghiệp.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã lựa chọn 2 tư vấn quốc tế là Worley Parsons của Úc và Vùng ILede France của Pháp tham gia phản biện quy hoạch và được Hội đồng thẩm định Nhà nước cho ý kiến.

Các ý kiến khẳng định, quy hoạch đã đạt yêu cầu của một đồ án quy hoạch chung và tiếp tục bổ sung các ý kiến của tư vấn phản biện để trình duyệt vào tháng 6-2010.

Băn khoăn

Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đánh giá sâu hơn thực trạng quy hoạch, thực hiện quy hoạch đã có nhất là quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 108/1998.

Ủy ban lưu ý Đồ án cần thể hiện mối quan hệ kế thừa với các quy hoạch đang có, giảm thiểu xung đột, phủ định các các định hướng đang được thi công xây dựng, tiếp tục giải quyết các bất hợp lý để phát triển thủ đô sau khi mở rộng; lưu ý tính khả thi phương án tổng vốn xây dựng hạ tầng khung của Hà Nội (dự kiến đến 2050 khoảng 90 tỷ USD).

Một số ý kiến cho rằng, việc đặt trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì là không phù hợp cả về mặt quốc phòng, an ninh và văn hóa; đồng thời không nên tách trung tâm hành chính về Ba Vì trong khi trung tâm chính trị vẫn ở Ba Đình.

“Thời gian thực hiện đồ án chỉ có mấy tháng có đảm bảo chất lượng không hay phải làm gấp vì có mục đích gì khác? Khả năng giữ quy hoạch thế nào, chúng ta từng có nhiều quy hoạch dời đô về Xuân Hòa từng thất bại” -  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo lắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Nguồn lực chủ yếu là từ đất và ngân sách. Nhưng một năm Hà Nội thu trên 72 ngàn tỷ đồng, cho dù tăng trưởng 15%/năm, toàn bộ thu cũng khó đủ đầu tư. Ngân sách không có tích lũy, đầu tư xây dựng cơ bản phải đi vay, nếu không có chính sách đặc thù thì đây là cả một vấn đề phải tính”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình, qui hoạch của ta còn thiếu tính khả thi, vẽ đẹp nhưng làm lại thấy không đẹp. Trao quyền cho Hà Nội đến đâu, quy chế thế nào quy hoạch được thực hiện nghiêm...

Chia sẻ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói sẽ xem xét, tiếp thu các ý kiến để làm rõ những vấn đề đặt ra. “Về trung tâm hành chính mới, quy hoạch chỉ đặt vấn đề có quỹ đất dự phòng” -  Ông Quân nói.

Ý tưởng quy hoạch

ĐBQH băn khoăn vị trí TT hành chính quốc gia ảnh 2
Vùng Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh. Ảnh: HP
Theo Đồ án, Thủ đô Hà Nội được phát triển theo mô hình đô thị trung tâm hạt nhân kết  nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Không gian đô thị bao gồm đô thị trung tâm hạt nhân, giới hạn từ nam sông Hồng đến vành đai 4 và phía bắc sông Hồng có Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm - Yên Viên, Long Biên.

Dự kiến đến năm 2030 đô thị lõi có khoảng 4-4,6 triệu người, đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn) có 1,3-1,4 triệu người. Khu vực nông thôn Hà Nội phát triển theo mô hình nông thôn mới trong đô thị đặc biệt, có bản sắc. Không gian xanh bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, bao gồm toàn bộ khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, vùng đồi núi.

Thành phố sẽ hình thành các trục hướng tâm và hệ thống đường chính đô thị: Theo hướng đông-tây có trục Thăng Long, Láng Hòa Lạc, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6; ngoài ra có trục Bắc-Nam và các trục cảnh quan dọc các sông lớn.

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.