Ngày 22-4, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã có buổi hội thảo góp ý cho bản “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận |
Trung tâm hành chính ở Ba Vì: Chỉ làm xa dân thêm
GS.TSKH Nguyễn Mại, phân tích, theo quy hoạch trước đây, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính của thành phố, các quận Ba Đình và Tây Hồ là trung tâm hành chính quốc gia.
“Địa linh” là vùng đất tổ tiên ta lựa chọn làm kinh đô. Ở đây đang xây dựng hai công trình khá hoành tráng là trụ sở và nhà làm việc của Quốc hội. Hàng chục bộ đang xây dựng trụ sở mới ở Nhân Chính, Mỹ Đình, Từ Liêm cũng ngốn các khoản chi ngân sách lớn.
Các khu ngoại giao đoàn và thành phố giao lưu quốc tế đang được hình thành. Khu trung tâm tài chính với quy mô khá lớn và với ý đồ trở thành trung tâm tài chính khu vực cũng đã được quyết định. So với khu vực Ba Vì thì khu vực Ba Đình còn ưu thế hơn nhiều về khả năng tiếp cận dễ dàng với các tuyến đường giao thông công cộng và sự kết nối với quốc lộ.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Huỳnh Đăng Hy (Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam) cũng cho rằng, hiện vị trí và công trình đại bộ phận các bộ ngành đã ổn định, nếu bố trí độc lập ở xa đô thị trung tâm thì mối liên hệ với các bộ khó khăn hơn, việc di chuyển toàn bộ bộ máy hành chính ra ngoài thì rất tốn kém và không cần thiết.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN thì cho rằng “Đưa trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì sẽ càng làm xa dân mà thôi!”.
Không nên gắn mác tâm linh cho trục Thăng Long
GS sử học Phan Huy Lê đồng tình rằng, trong hệ thống giao thông đường bộ, trục Thăng Long có vai trò quan trọng. Nhưng, ý tưởng xây dựng một “trục tâm linh” chạy thẳng từ Ba Vì đến Ba Đình là không cần thiết và không có căn cứ khoa học.
Về mặt phong thủy và tâm linh, vua Lý Thái Tổ đã nhìn nhận địa thế của vùng đất Thăng Long là “tựa núi, nhìn sông”, “rồng cuộn hổ ngồi”, trung tâm hội tụ long mạch, kết tinh hồn thiêng sông núi. Xây dựng một trục giao thông hiện đại, thẳng tắp từ Ba Vì đến Ba Đình, chưa nói về mặt phong thủy, tâm linh, chỉ xét về cảnh quan đô thị, đã làm mất đi hay ít nhất cũng xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên và không gian thiêng của hai tụ điểm này.
GS.TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam đồng tình với quan điểm này và cho rằng “Trục tâm linh là ý tưởng quá lãng mạn”.
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng nên bỏ câu chuyện về trục tâm linh đi vì chưa hề được đề cập đến trong quá khứ và hiện nay “chỉ là tín điều của vài người giàu óc tưởng tượng đem ra giới thiệu với tư vấn nước ngoài”.
Việc phát triển các trục trung tâm, trục hướng tâm và trục phụ thiếu giải thích rõ ràng ý tưởng và mục tiêu quy hoạch, và thiếu cách tiếp cận hệ thống, gắn kết với hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại của toàn Hà Nội. Trục Thăng Long chỉ nên có vì mục đích giao thông và quốc phòng!