Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc

Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc
TPO- 12 giờ 10 phút trưa 18/4, nhịp cầu số 74 thuộc cầu cạn Pháp Vân dẫn lên cầu Thanh Trì (Hà Nội) bỗng nhiên sụp đổ, khói bụi bay mù mịt khiến người dân quanh khu vực một phen hoảng hồn. Bộ GTVT đã chính thức yêu cầu báo cáo về sự cố nghiêm trọng này.
Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 1
Những thanh dầm cầu bỗng dưng sập xuống. Ảnh : Xuân Phú

Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân

Liên quan sự cố sập 4 phiến dầm dê tông cốt thép dự ứng lực (Gói thầu 3A) dài 33m thuộc công trình cầu cạn nối dài (dự án cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm), vào 21g30 ngày 18-4, Bộ GTVT chính thức lên tiếng.

Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long, nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương tập trung khắc phục sự cố, xác định nguyên nhân và nhanh chóng báo cáo tình trạng trên.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo chất lượng thi công, an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường tại các công trình xây dựng.

Rất may vào thời điểm những thanh dầm cậu cạn bị gãy có ít người lưu thông qua lại nên không xảy ra thương vong.

Nhiều người dân gần hiện trường cho biết đang nghỉ  trưa thì nghe tiếng động lớn và sau đó là  bụi bay mù mịt. Khi chạy ra phát hiện nhiều thanh dầm cầu bị sập.

Có người đã không khỏi thảng thốt vì hàng ngày vẫn đi lại gần khu vực đó.

Ông Nguyễn Trung Văn, một người dân gần đó cho PV Tiền Phong Online biết:

“Khoảng hơn 12 giờ, tôi nghe thấy tiếng động rất mạnh như tiếng nổ, sau đó nền nhà rung bần bật, chạy ra ngoài thì thấy bụi bốc lên mù mịt ở cầu cạn Pháp Vân đang thi công”.

Tuy nhiên, các công nhân đang làm việc ở công trình này cho hay, họ không biết nguyên nhân sự  cố vì lúc đó tất cả đi ăn trưa.

Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 2
Toàn cảnh nhịp cầu bị sập. Ảnh : Xuân Phú

Ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Cty cầu 7 (thuộc Tổng Cty Thăng Long) khẳng định:

Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 3
Bị đánh "toạc" đầu khi vào hiện trường

Sau khi sự việc xảy ra, thay vì giữ nguyên hiện trường để chờ cơ quan chức năng đến tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố thì lực lượng bảo vệ và những người đang thi công tại công trường đã nhanh tay dùng bạt và hàng rào tôn che kín, cũng như phong tỏa các lối dẫn vào hiện trường. Đồng thời, họ không cho bất kỳ người nào tiếp cận và dùng nhiều lời lẽ thô tục ngăn cản phóng viên tác nghiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc hiện trường vụ sập dầm cầu bị che kín và hành động ngăn cản phóng viên tác nghiệp, ông Ý phân trần: “Khi xảy ra sự cố sập 4 thanh dầm, để khỏi gây phản cảm, làm xao động anh em công nhân đang thi công nên chúng tôi đã cho người phủ kín hiện trường. Còn việc ngăn cản phóng viên tác nghiệp thì tôi không biết, có gì các anh thông cảm”.

Trước đó, một công nhân tên là Đặng Minh Tuân (thi công gói thầu khác của công trình này), đã làm đơn trình báo công an phường Đại Kim về việc anh đã bị nhóm “bảo vệ” của công trình đánh bị thương ở đầu.

“Khi dầm mới bị đổ sập, tôi đi qua thì bị nhóm bảo vệ ở đây ngăn cản và đánh tới tấp vào người phải đi cấp cứu” - Anh Tuân kể lại.

“Toàn bộ công trình được thiết kế, thi công đảm bảo kỹ thuật, an toàn. Chúng tôi đã bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, quá trình bàn giao được hai bên kiểm tra, không phát hiện sự cố gì đáng ngại. Nhịp cầu gặp sự cố là nhịp cầu số 74 với 4 thanh dầm, chiều dài tổng cộng 33m, được lao dầm vào ngày 04 – 12 – 2009”. 

Nhưng ông Ý không lý giải được nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên, vì “việc này phải đợi thanh tra xây dựng vào cuộc”.

Một cán bộ kỹ thuật (yêu cầu giấu tên) lý giải :

“Nhịp cầu được thiết kế để chịu lực theo chiều thẳng đứng, nếu để nằm ngang sẽ rất dễ  gãy. Tôi đoán rằng nhịp cầu vì lý do nào  đó bị lật ngang, sau đó gãy đoạn giữa, kéo theo hai đầu nhịp nối với chân cầu trượt xuống đất, tạo nên sự cố như chúng ta đã thấy”.

Từ lúc xảy ra sự cố vào hồi 12 giờ 10 phút  đến tận 15 giờ cùng ngày, các phóng viên vẫn khó  tiếp cận hiện trường do bị một số người tự xưng là bảo vệ công trường ngăn cản. Đến khi công an phường Hoàng Liệt có mặt, các PV mới có thể tác nghiệp bình thường.

Tới 17 giờ, cán bộ UBND phường Hoàng Liệt, phường Đại Kim và  một số cán bộ địa chính vẫn chưa thể  xác định nhịp cầu bị gãy thuộc địa phận phường nào.

Chiều cùng ngày, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết đã liên lạc với Ban Quản lý Dự án Thăng Long-đơn vị đại diện chủ đầu tư để làm rõ sự việc.

Được biết, đây là công trình cầu cạn Pháp Vân kéo dài thuộc gói thầu 3A có tổng chiều dài xây lắp 2.484m, tổng giá trị gói thầu là 993,4 tỷ đồng.

Thanh Trì : cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).

Dự án cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng (410 triệu USD), sử dụng vốn vay ODA, chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, và Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.

Phần cầu chính bắc qua sông đã hoàn thành từ hơn 1 năm nay, nhưng phần đường dẫn lên cầu thì vẫn chưa xong.

Chùm ảnh từ hiện trường của PV Tiền Phong Online :

Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 4
Nhịp cầu bị sập. Ảnh : Xuân Phú
Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 5
Cận cảnh các thanh dầm bị sập. Ảnh : Xuân Phú
Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 6
Thanh dầm bị sập xoắn 90 độ trước khi rơi xuống đất. Ảnh : Xuân Phú
Sập cầu dẫn Thanh Trì, Bộ GTVT vào cuộc ảnh 7
Hiện trường đã bị phong tỏa, người dân không được phép đi qua khu vực này nữa. Ảnh : PV
MỚI - NÓNG