>> Lễ khai giảng không một bóng học sinh
Những lớp học trống trơ vì cấm vận - Ảnh: Phan Sáng
Nhớ thầy. Nhớ bạn. Nhiều em bật khóc... Thương con, những người mẹ nghĩ ra cách ngụy trang để đưa con đến lớp.
Vác cuốc trên vai, đeo giỏ cua bên hông, các em được mẹ chở đi học, như đi làm đồng.
Các thầy cô nhớ trò, chia nhau đi từng nhà các em, vận động, thuyết phục các bậc phụ huynh. Nhà trường mua giấy, bút, để sẵn ở lớp. Em nào đến, thầy đón vào học luôn.
Thế nhưng, lớp vẫn vắng hoe, khi mà năm học mới sắp đi hết tháng đầu tiên...
Có nhiều chuyện để bàn, về những việc người lớn ở xã Khánh Thành đã làm, trong đó có cả chuyện một số người vi phạm pháp luật, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Song lẽ nào nhìn những ánh mắt trẻ thơ khát chữ, cứ đau đáu ngóng nhìn, lương tâm người lớn không khỏi tự vấn: Điều gì đang xảy ra trên mảnh đất này?
Phải ngụy trang để đến lớp
Theo quan sát của PV Tiền Phong, để đến được Trường Tiểu học và THCS xã Khánh Thành, nhiều học sinh phải ngụy trang rất kỹ lưỡng.
Một người mẹ phải ngụy trang để chở con đi học tiểu học về |
“Hơn một tuần sau khai giảng em mới đến trường đăng ký vào lớp học. Nhưng sáng nào em cũng phải lận sách vở trong người, bên hông đeo chiếc giỏ bắt cua đồng trong đựng toàn quần áo sạch để đến lớp thay” - Em Nguyễn H. kể.
Có hôm em H. phải giả vờ đi cắt cỏ cho bò, hôm khác lại mang theo cuốc, liềm như người đi làm đồng, để được đến lớp an toàn.
Chị Lê Thị L, phụ huynh của một học sinh tiểu học cho biết, sau ngày khai giảng, biết con nhớ thầy, nhớ bạn, anh chị vẫn phải để con ở nhà, sợ bị trả thù nếu cho con đi học.
Nhưng thằng bé khóc lóc đòi được đến trường, chị mới nghĩ ra một cách: Buổi sáng đưa con đi, chị buộc bao tải nhét đầy lá chuối khô sau xe đạp, cho con trai ngồi phía trước. Ai hỏi chị nói đưa thóc đi xát gạo. Hôm sau, hai mẹ con lại đóng vai người đi làm đồng. Hôm gặp chúng tôi, chị đang đèo bao tải phân NPK vào trường đón con.
Trong lúc nói chuyện, chị L hỏi đi hỏi lại: “Chú có phải là công an không? Tui nói chi sai đừng có bắt nhé...”. Chị rút trong bao ra một bọc miến sợi khô, nói: “Lát nữa chở cháu về, tôi treo cái ni lên trước xe, giả vờ chở con đi chợ”.
Chị L kể, mấy hôm trước chị còn nghe đồn có em trên đường đi học về bị người lớn đón đường quẳng xuống mương nước. Sau tin đồn, người dân trong xã càng sợ, thêm nhiều người không dám cho con đi học.
Khai giảng buồn hiu
Do dân không đồng thuận, UBND huyện Yên Thành quyết định không sáp nhập trường THCS Khánh Thành về một số trường của xã khác cạnh bên theo kế hoạch ban đầu, mà chỉ sáp nhập hai trường Tiểu học và THCS của xã. Tuy nhiên, một số kẻ quá khích vẫn tiếp tục phản đối, thậm chí hành hung cả công an, họ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thượng tá Thái Văn Bình, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết, Công an huyện đã cử tám cán bộ, chiến sỹ chuyên trách xuống xã Khánh Thành để tuyên truyền, vận động các gia đình học sinh, đồng thời hỗ trợ lực lượng công an xã, ngăn chặn hành vi quá khích để học sinh đến lớp an toàn. |
Sau việc này, một số người nhà của những người bị bắt tìm đến nhà học sinh, vận động phụ huynh tiếp tục chống đối, hòng gây áp lực buộc công an thả người bị bắt ra rồi mới cho con em đi học tiếp.
Có mặt tại Trường Tiểu học và THCS xã Khánh Thành, phóng viên Tiền Phong chứng kiến cảnh đìu hiu ở các lớp học. Ở lớp 8A, chỉ có 14/38 học sinh có mặt; lớp 8B chỉ có 20/39 học sinh; lớp 8C chỉ có 13/37 em.
Theo đại diện nhà trường, vào ngày khai giảng năm học mới (5/9), toàn trường chỉ có 60 em học sinh có mặt. Đây chính là bằng chứng của việc một số phụ huynh cấm con em họ không được đến lớp, để phản đối chủ trương của huyện.
Một số gia đình khác rất muốn cho con em đi học, nhưng sợ bị trả thù. Không ít học sinh trên đường đến trường bị một số phần tử quá khích bịt mặt đón đường đòi hành hung. Tối đến, họ tìm đến nhà các em ném đá lên mái ngói, hoặc tập trung trước cổng nhà đánh trống đưa tang...
Tính đến thời điểm chúng tôi có mặt (ngày 15/9), chỉ có 108 trên tổng số 522 học sinh trường THCS Khánh Thành đến lớp.
Nhà trường hỗ trợ các em
Thầy Lê Văn Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Khánh Thành cho biết, mấy ngày qua, giáo viên trường ngoài việc chia nhau đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, còn phải dạy thêm cho những em vào học muộn.
Cả trường hiện có bảy phòng học mới được tu sửa, với tổng số 13 lớp, nên phải chia ca. Khối lớp 8 và lớp 9 học sáng, khối lớp 6 và lớp 7 học chiều. “Chương trình dạy học ngày một nhiều, học sinh thì hôm nay thêm một em, ngày mai thêm một em vào lớp... Vì thế việc phụ đạo cho những em vào học muộn rất vất vả” - Cô giáo Nguyễn Thị M. than thở.
Đó là chưa kể nhiều hôm sợ bị hành hung, phụ huynh học sinh phải gọi giáo viên xuống tận xóm để chở các em đi học. Đáng buồn hơn, một số em trong xã vì đi học muộn nên không muốn tới lớp nữa.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết, để giúp một số em đang phải ngụy trang đến trường, nhà trường đã mua sẵn một lượng lớn sách vở và giấy bút. Khoản kinh phí này cũng là một gánh nặng đối với ngôi trường nghèo THCS Khánh Thành. Nhưng hình ảnh những lớp học trống vắng mới là gánh nặng đè trĩu nỗi lòng những người thầy, người cô ở đây...