Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ

Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ
TP - “Ba ngày đêm chúng tôi sống giữa dòng nước xiết hung hãn làng Rô. Bây giờ được lên bờ, mới hay rằng mình vẫn còn sống” – anh Nguyễn Xuân Thủy vừa run run điểm chỉ vừa nhớ lại giây phút hãi hùng…

Lỡ chuyến bay sáng sớm của Sư đoàn Không quân 372, khi chiếc MI 17 lại một lần nữa lĩnh ấn tiên phong đi cứu nạn trong mùa lũ, PV Tiền Phong nhanh chóng có mặt tại xã Cà Di (huyện Nam Giang - Quảng Nam), nơi 18 thợ đào đãi vàng được giải cứu vào sáng 9/9.

Theo dự định của Sư đoàn 372, sẽ có hai chiếc trực thăng bay từ Đà Nẵng lên Nam Giang, thay nhau giải cứu nhóm thợ đào đãi vàng bị kẹt. Tuy nhiên, chỉ cần một chiếc MI – 17, nhóm thợ đã được đưa vào bờ an toàn.

Đường lên Nam Giang, ngày lũ như dài thêm, ngắt quãng bởi sự kết nối câu chuyện giải cứu ly kỳ với cơ trưởng C54, Thượng tá Hoàng Quang Hà. Thượng tá Hà kể lại: “Ngay sáng sớm, nhận được lệnh, đoàn bay chúng tôi lập tức lên đường. Theo dự định, chiếc thứ nhất lên xem xét tình hình, phương án cứu hộ. Xong sẽ đến chiếc thứ hai xuất phát. Tuy nhiên, với tình hình địa thế phức tạp, chúng tôi quyết định chỉ cần chiếc đầu tiên”.

Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 1
Trực thăng giải cứu đang hoạt động trên dòng sông Đắk Mi hung dữ. Ảnh : CTV

Theo Thượng tá Hà, bãi bồi giữa dòng sông Đắk Mi (hay còn gọi là sông Nước My, một nhánh của dòng Vu Gia) nước vẫn còn xoáy cuồn cuộn, không thể đáp trực thăng. Bắt buộc đoàn bay phải giải cứu bằng cách để máy bay lơ lửng trên không, dùng dây thả xuống đưa mọi người lên máy bay.

Một vài bức ảnh hiếm hoi chụp lại được. “Mỗi lần dừng trên không trung chỉ được 6 phút, chúng tôi phải khẩn trương thả dây, buộc người, sau đó lần lượt đưa vào bờ. Tổng cộng mất ba lần bay ra vào. Tuy vậy vẫn rất linh động, tiện lợi và giảm chi phí hơn rất nhiều cho việc phải huy động hai máy bay như dự tính ban đầu” - một phi công trong đoàn bay cho biết.

Cận kề cái chết

PV Tiền Phong có mặt tại xã Cà Di, đón những thợ vàng trở về. Ai nấy kiệt sức bơ phờ vì phải chống chọi với cái đói, cái lạnh trong cơn mưa lũ rú gào. Chính xác là hơn ba ngày đêm, họ bị kẹt ở một bãi bồi trên dòng Đắk Mi, tại Km 27 QL 14B, thuộc làng Rô, xã Cà Di.

Anh Nguyễn Xuân Thủy (Ninh Bình), kể: “Bây giờ ngồi đây nói chuyện với các anh tôi mới biết, mình vẫn còn sống. Chỉ cần nước lên chừng một mét nữa thôi, tất cả sẽ đi đứt”.

Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 2
18 con người đã bám trụ trên bãi bồi xung quanh là biển nước mênh mông này suốt ba ngày đêm. Ảnh : CTV

Từng nét chữ nguệch ngoạc khi viết bản tường trình, bởi bàn tay anh Thủy vẫn còn run rẩy. Ba ngày đêm chịu đói lạnh dưới trời mưa tầm tã, ngồi trên dòng nước sông Vu Gia hung hãn, không bạc nhược tinh thần mới là lạ, dù đó là những thợ vàng quanh năm ở nơi rừng thiêng nước độc, đối mặt với bao hiểm nguy cách trở.

Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 3Nhóm thợ 18 người trên là những người đãi vàng trên các sông ở Nam Giang, chúng tôi nhiều lần truy quét nhưng họ vẫn không chịu đi. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra quân kiên quyết hơn nữa, không thể để tình trạng thợ đãi vàng bức tử các con sôngTrực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 4  - Ông Chrum Nhiên - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang.        

Anh Thủy là một trong số ít người có tuổi của nhóm đãi vàng do ông Trần Ngọc Đỉnh (Xuân Trường – Nam Định) làm chủ. Số còn lại, dù khi trả lời chúng tôi, đều nói 19 đến 20 tuổi, nhưng vẻ mặt non choẹt tố cáo các em còn vị thành niên.

Anh Thủy kể: “Ngay từ khi trời mưa to, chúng tôi đã phân vân lo lắng không biết có nên rút hay không. Nhưng rồi chủ quan, ai cũng tưởng như mọi lần, mưa to rồi hết. Ai ngờ lần này mưa tầm tã mấy ngày đêm, nước thượng nguồn đổ về, chia cắt hẳn chúng tôi với hai bờ. Đến sáng 6/9, chúng tôi mất hẳn mọi liên lạc với bên ngoài. Cả hội nhìn màn mưa trắng xóa quất rào rào xuống dòng nước đục ngầu mà hốt hoảng”.

Theo anh Thủy, rất may là cả nhóm vẫn còn một ít gạo và thuốc lá cầm hơi. Tuy nhiên, chị Phạm Thị Hát - người phụ nữ duy nhất trong số 18 người, vẫn chưa hết sợ hãi: “Gạo thì còn đó, nhưng mưa như trút, lán trại, đồ đạc ướt trôi hết cả nên đành nhai gạo sống”. Em Hoàng Tấn An (đội 8, Xuân Hòa, Xuân Trường, Nam Định) đế thêm: “Mất liên lạc, bị cô lập, ai nấy sợ xanh mặt, còn nghĩ gì đến chuyện ăn uống”.

Chị Hát vừa mới lặn lội từ xã Xuân Hòa (huyện Xuân Trường  - Nam Định) vào thăm con trai là Trần Văn Vũ, nhân tiện lấy tiền vào cho con gái học đại học ở TP HCM. “Suýt chút nữa cả hai mẹ con bỏ mạng chốn rừng xanh. Lần này về, nhất quyết không cho đi đâu nữa”.

Trần Văn Vũ là cháu ruột của ông Trần Ngọc Đỉnh. Em nghỉ học từ lớp 9, làm vàng được ba tháng nay và gửi về cho mẹ hơn bảy triệu đồng, lo tiền nhập học cho chị gái Trần Thị Ba vừa mới đậu đại học. Vũ buồn buồn: “Lần này mẹ vào, em định làm nốt mấy ngày, xong xin ứng tiền công rồi cùng vào trong Nam thăm chị gái. Nhưng mất sạch rồi”.

Ba ngày đêm giữa dòng nước xiết trong đói lạnh, Vũ vẫn còn có mẹ ở bên. Còn Lộc Văn Mai (Con Cuông - Nghệ An): “Lần đầu tiên trong đời em biết thế nào là sống bên cái chết cận kề”. “Thế là mất sạch anh ạ. Tiền công của em giờ làm sao lấy lại được”.

Trưa qua, anh Trường (Nam Định) - một trong hai chủ vàng của nhóm thợ trên khi viết xong tờ khai, nói nhỏ với tôi: “Viết xong tờ khai này em lại quay ra đó anh ạ. Phải lấy lại máy móc thiết bị chứ. Bỏ hết thì chúng em mất trắng à ?”.

Ông Brước Phước - Chủ tịch xã Cà Di kể lại rằng, tối 8/9, khi được người làng Rô báo lên, ông đã cùng với lực lượng xung kích xã và người của làng Rô tìm mọi cách cứu hộ nhưng đành bất lực trước dòng nước hung hãn.

“Chúng tôi huy động thuyền chài, áo phao tìm cách tiếp cận nhưng không thể. Một mặt, chúng tôi báo cho lãnh đạo huyện để xử lý. Mới một đêm mà ai cũng bơ phờ vì lo lắng và mất ngủ. Huống chi là mấy người họ ở ngoài bãi mấy ngày đêm. Giờ họ lại còn đòi ra lấy phương tiện, thật là quá coi thường tính mạng” – ông Brước Phước cho hay. 

Chùm ảnh giải cứu ngoạn mục bằng trực thăng

Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 5
Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 6
Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 7
Cảnh các nạn nhân được giải cứu bằng trực thăng
Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 8
Lực lượng cứu hộ chuẩn bị đưa người lên trực thăng
Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ ảnh 9
Những nạn nhân được giải cứu đã trở về an toàn
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.