Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong từng từ chối nhập viện

Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong từng từ chối nhập viện
TP - Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong tại Việt Nam được xác định đã từ chối nhập viện điều trị, dù các bác sỹ thông báo chị bị viêm phổi do virus.

>> Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong tại Việt Nam

Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong từng từ chối nhập viện ảnh 1
Ảnh minh họa

Bệnh nhân tử vong đầu tiên này là chị Trần Thị K. L., trú tại 51/6/6 khu Thánh Gia, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, làm nghề bán phở.

Chị K. L. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1, tử vong lúc 23 giờ 45 ngày 3/8 tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa do suy hô hấp. Tử thi được hỏa thiêu tại nghĩa trang phía Bắc thành phố Nha Trang, chiều 4/8.

Chị K. L. bị sốt, chảy mũi nước, ho khan, ho có đờm từ ngày 25/7, nhưng đến 29/7 mới đi khám tại Viện quân y 87, Nha Trang. Chị được chẩn đoán viêm phổi do virus và đề nghị nhập viện, nhưng chị từ chối.

Ngày 30/7, chị K. L. thấy khó thở hơn nên nhập Viện quân y 87. Ngày 31/7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu xét nghiệm của chị K. L. dương tính với virus cúm A/H1N1.

Được điều trị đúng theo quy trình của Bộ Y tế, nhưng bệnh tình của chị K. L. ngày càng xấu đi. Chị được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa lúc 4 giờ sáng 3/8, trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy.

Sau khi chị K. L. mất, các cơ quan y tế tại Khánh Hòa tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của chị K. L. và cho biết, ngoài kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1, mẫu bệnh phẩm âm tính với virus cúm A/H5N1. 

Con trai chị K. L. là cháu Trần Ngọc H. cũng nhập Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa từ ngày 1/8, dương tính với cúm A/H1N1, đã hết sốt.

Chồng chị K.L là anh Lê Minh T. 29 tuổi và con gái chị là cháu Lê Trần Khánh N (4 tuổi) có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/H1N1.

Vì sao tỷ lệ tử vong ở nhiều nước cao?

Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong từng từ chối nhập viện ảnh 2

Khử trùng môi trường để trường học chuẩn bị đón năm học mới.  Ảnh: Lê Nguyễn

Tỷ lệ tử vong của thế giới từ 0,2 đến 0,5 phần trăm, tức khoảng 400 - 500 người mắc cúm thì có một người tử vong. Singapore có sáu ca, Malaysia sáu ca, Thái Lan cũng hơn 60 ca... Còn ở Việt Nam, khoảng 1.000 người nhiễm, đây là ca đầu tiên tử vong.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mức độ lây lan của nước ta chậm hơn các nước trong khu vực vì Việt Nam đang làm khá tốt ở khâu cách ly, giám sát ở cửa khẩu, cá nhân... Còn các nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan, Thái Lan..., ít thực hiện cách ly từng người, từng khu một mà tập trung vào các biện pháp phòng tránh tử vong.

Hơn nữa, theo Tiến sĩ Nga, có thể họ không đủ nguồn lực; một số nước không có hệ thống y tế dự phòng cơ sở như ở Việt Nam. Như Thái Lan, chỉ có y tế cấp tỉnh... nên người dân bị hoảng loạn. Vì thế, virus cúm lây lan mạnh.

TPHCM: Giải tán bệnh viện dã chiến thứ hai

Chiều 4/8, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng & Môi trường (Bộ Y tế)  xác nhận, bệnh nhân Trần Thị Kim L (29 tuổi, ở 51/6 khu Thánh Gia, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) nhiễm cúm A/H1N1 tử vong do suy hô hấp.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lý Ngọc Kính - Cục trưởng Cục quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, chưa thể khẳng định bệnh nhân này tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.

Hiện, đoàn cán bộ của Cục vừa vào Khánh Hoà điều tra nguyên nhân và sẽ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, xem bệnh nhân có nhiễm cúm A/H1N1 thực sự hay không.

Ngoài ra, cũng xét nghiệm thêm để xác định bệnh nhân này có nhiễm thêm các loại virus khác như cúm A/H5N1.

Sau hơn 10 ngày thành lập bệnh viện dã chiến tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, hôm qua, Sở Y tế TPHCM quyết định giải phóng bệnh viện dã chiến ở trường này.

Chiều qua, Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Tân Bình tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ phòng học, làm tổng vệ sinh toàn trường để trả lại môi trường trong sạch cho nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới vào giữa tháng Tám.

Ngày 31/7, bệnh viện dã chiến ở trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, cũng được giải phóng và khử khuẩn toàn bộ để trả lại cho trường.

Phát hiện ổ cúm A/H1N1 trong bệnh viện Thống Nhất

Chín bác sĩ, y tá và điều dưỡng đang làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM vừa được xác định nhiễm cúm vào tối qua 4/8, bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM thông tin với Tiền Phong.

Theo bác sĩ Công, trong chín người bị nhiễm cúm, có bốn bác sĩ bị lây cúm từ ngoài cộng đồng, còn năm y tá, điều dưỡng bị nhiễm cúm A/H1N1 do tiếp xúc gần bệnh nhân đang được cách ly điều trị cúm tại bệnh viện.

Ngoài ra, tại khu cách ly của bệnh viện, hiện cũng có bốn bệnh nhân khác nhiễm cúm A/H1N1, đang nằm điều trị.

Bác sĩ Công cũng cho biết, bệnh viện đã phối hợp Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM phun thuốc sát khuẩn các khu vực nghi ngờ, triển khai việc mang khẩu trang cho toàn nhân viên trong bệnh viện.

Hà Nội: Thêm một chung cư có bệnh nhân cúm A/H1N1

Trưởng trạm Y tế Phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Hoàng Việt Cường cho biết, khu chung cư Yên Hoà thuộc tổ 53 trên địa bàn phường vừa có ba bệnh nhân mắc cúm A/H1N1.

Bệnh nhân tên Giang, 49 tuổi, trú tại tầng 4, toà nhà F4, khởi bệnh sau khi đi du lịch Singapore về. Một ngày sau đó, khi lực lượng y tế phường đến xử lý môi trường thì phát hiện con của bệnh nhân này cũng sốt cao và cũng được xác định nhiễm cúm A/H1N1. Tối cùng ngày, vợ bệnh nhân này cũng sốt cao và nhập viện.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.