Điều trị cho bệnh nhân mắc cúm. Ảnh: VnExpress. |
Cũng trong ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành tài liệu hướng dẫn phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 cho các trường học. Theo đó, nhà trường cần báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ cúm cho đơn vị y tế địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát công tác phòng chống dịch của nhà trường.
Khi có trường hợp cúm A/H1N1 đầu tiên, nhà trường phải thực hiện đúng các biện pháp cách ly và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan y tế để cách ly, xử lý ổ dịch và điều trị kịp thời.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trường lớp, ký túc xá, bếp ăn, căng tin, khu vệ sinh, chú ý các bề mặt, vật dụng hay tiếp xúc (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn...).
Các khu vực vệ sinh phải có đủ nước sạch, xà phòng. Hướng dẫn học sinh có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi đã tiếp xúc với người có nhiễm cúm đeo khẩu trang để hạn chế lây lan. Việc đeo khẩu trang hàng loạt thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trong ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận thêm 56 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam 45 ca, miền Bắc sáu ca, miền Trung: bốn ca, Tây Nguyên một ca). |
Mở cửa thông thoáng lớp học, hội trường, phòng làm việc, nơi ở, bếp ăn...; hạn chế hoặc không sử dụng điều hòa. Hạn chế hội họp, tập trung đông người khi không cần thiết.
Tập huấn cho cán bộ, giáo viên nhà trường về công tác phòng chống cúm A/H1N1. Tổ chức giáo dục cho học sinh, sinh viên về bệnh cúm A/H1N1, các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học và các hướng dẫn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Học sinh, giáo viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi) thì thông báo cho nhà trường, cơ quan y tế trường học hoặc địa phương để được tư vấn, khám xác định và thực hiện cách ly khi cần thiết.
Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mũi, miệng và dụi mắt. Súc miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là che bằng khăn vải hoặc khăn giấy sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. Không khạc nhổ bừa bãi.
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi phải tiếp xúc với bệnh nhân hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ cúm cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên một mét.
10 khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học 1.Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây ra. 2.Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng. 3.Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian một ngày trước tới bảy ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh. 4.Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. 5.Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. 6.Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương. 7.Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên một mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 8. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. 9.Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. 10.Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. |