>> Kỳ 1 : Thi công trước, quyết định cấp đất sau
>> Kỳ 2: Sở Xây dựng tiếp tay cho sai phạm
Điều này còn có thể để lại những di chứng nghiêm trọng cho bộ mặt đô thị vốn đã rất chắp vá manh mún của Hà Nội.
Vì sao Cty Đa Quốc gia trúng thầu?
Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội- Dự án II (Thoát nước giai đoạn II) được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 28/9/2006 với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA JBIC (Nhật Bản) và vốn đối ứng.
Một trong những gói thầu của dự án là cải tạo khoảng trên 31km mương, trong đó có mương Phan Kế Bính (theo thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng thẩm định). Tuy nhiên, ngày 6/9/2006, đoạn mương Phan Kế Bính đã được tách ra và gắn cái mũ xã hội hoá.
Dễ hiểu bởi mương Phan Kế Bính nằm giữa trung tâm quận Ba Đình, lại có điểm đấu nối với con đường Liễu Giai đẹp nhất Hà thành nên được coi là miếng gan, miếng tiết giữa Thủ đô.
Quả nhiên, sau khi Sở GTCC Hà Nội phát hồ sơ, có 29 doanh nghiệp tham gia dự thầu trong đó có nhiều anh tài như Cty Taxi CP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cty Khai thác điểm đỗ xe, Cty 319 - Bộ Quốc phòng, Liên danh Cty TNHH Vĩnh Trinh & Cty CP Tân Hoàng Cầu, Cty CP Đa Quốc gia...
Sau các vòng chấm loại, ngày 17/8/2007, Sở GTCC Hà Nội có tờ trình số 776 lên UBND TP xin phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe. Sở GTCC đã phân tích về đề xuất tài chính của nhà đầu tư được xét vòng cuối cùng là Cty CP Đa Quốc gia và Liên danh Cty Vĩnh Trinh - Tân Hoàng Cầu.
Theo đó Cty CP Đa Quốc gia có đề xuất mức nộp tiền thuê đất là 165.000 đồng/m2/năm x 7.000m2 = 1,155 tỷ đồng/năm và cam kết hỗ trợ ngân sách thành phố bằng toàn bộ tiền xây dựng công trình. Về phần cam kết trên, Sở GTCC có ý kiến: "Sau thời gian thuê đất 20 năm, phần công trình nhà đầu tư phải bàn giao lại cho thành phố là đúng quy định" (chứ không gọi là hỗ trợ cho thành phố - PV).
Liên danh Cty Vĩnh Trinh - Tân Hoàng Cầu đưa ra mức thuê đất là 226.000 đồng/m2/năm x 6.400m2 = 1,446 tỷ đồng/năm và cam kết hỗ trợ thành phố 128 triệu đồng.
Theo số liệu của hai nhà đầu tư thì số tiền thuê đất của hai bên vênh nhau 290 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu tính theo diện tích sử dụng đất thực tế 6.078m2 thì Liên danh Cty Vĩnh Trinh - Tân Hoàng Cầu có mức nộp tiền thuê đất cao hơn Cty CP Đa Quốc gia là 370 triệu đồng/năm. Vì lẽ đó Sở GTCC Hà Nội đề xuất thành phố chọn Liên doanh Cty Vĩnh Trinh - Tân Hoàng Cầu làm nhà đầu tư.
Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 12/10/2007 cũng chính Sở GTCC Hà Nội lại có văn bản xin UBNDTP phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư, nhưng lần này đơn vị được lựa chọn là Cty CP Đa Quốc gia!? Sở GTCC ngoài nêu số tiền thuê đất mà nhà đầu tư nộp đã không quên ghi " Nhà đầu tư cam kế hỗ trợ ngân sách thành phố là toàn bộ số tiền xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án"- điều mà tại văn bản trước đó, Sở này cho rằng theo đúng quy định.
Tất nhiên, thành phố Hà Nội sau đó đã chọn Cty CP Đa Quốc gia. Chỉ với việc thay đổi nhà đầu tư thôi đã có thể làm cho ngân sách thành phố mất đi khoản thu 7,4 tỷ đồng (370 triệu x 20 năm).
Đến chuyện mương được cấp sổ đỏ
Tháng 12/2008, việc thu hồi 6.078m2 đất gồm mương và đất của UBND phường Cống Vị để Cty CP Đa Quốc gia thực hiện cống hóa mương Phan Kế Bính mới thực sự hoàn tất. Sau đó 2 tháng, ngày 24/2/2009 Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) toàn bộ 6.078 m2 cho Cty CP Đa Quốc gia với hình thức sử dụng riêng. Việc cấp sổ đỏ này không hề đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo khoản 5, Điều 6 của Nghị định 181 về phân loại đất thì đất sử dụng vào mục đích công cộng là đất sử dụng vào mục đích xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè...hệ thống thoát nước, cấp nước...
Tại khoản 3, Điều 91 của Nghị định 181 " Đất sử dụng vào mục đích công cộng" nêu rõ: Nhà nước giao đất để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau: Đất để xây dựng công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, bến phà, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi... Khoản 1 của Điều 91 cũng nêu: “Người sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh thì được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất...”.
Như vậy, về mặt pháp lý, mương Phan Kế Bính là đất công cộng sử dụng có mục đích kinh doanh không bao giờ được cấp sổ đỏ. Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều luật cho phép, vậy các cơ quan chức năng của Hà Nội có sự nhầm lẫn hay cố tình làm trái luật?
Khi được cấp sổ đỏ cũng có nghĩa là Cty CP Đa quốc gia được thực hiện các quyền thế chấp, chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn... Nếu trong trường hợp khúc mương đã cống hoá này bị mang đi góp vốn với một đối tác nào đó và người ta bịt cống thì Hà Nội xử lý ra sao?
Đó là cảnh báo xa, còn nỗi lo gần của Cty Thoát nước Hà Nội ngay mùa mưa này là, nếu cống Phan Kế Bính có sự cố, liệu phương tiện, thiết bị, con người của Cty có được vào những toà nhà sang trọng trên mảnh đất có sổ đỏ chính chủ của Cty CP Đa Quốc gia để thực thi công vụ? Thành phố Hà Nội đang tự làm khó mình.