Ngồi im lặng bên chai dịch đang truyền từng giọt huyết thanh vào cơ thể là Trần Văn Trị (15 tuổi, ở thôn Động Lâm, xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Đây không phải là lần đầu tiên Trị nằm viện truyền máu khi không khí tết đang cận kề. Suốt 15 năm qua, từ khi mới bảy tháng tuổi, cuộc sống của em đã gắn bó với bệnh viện bằng những ống dây chằng chịt để tiếp từng giọt máu vào cơ thể.
Cha mẹ Trị mừng lắm khi thấy bảy tháng Trị bắt đầu tập bò. Nhưng chị Đỗ Thị Hồng, mẹ của Trị, nhận thấy sau những lần bò bị ngã, người cậu bé lại xuất hiện những nốt thâm tím hình tròn, rất lâu tan.
Đưa con đến bệnh viện Nhi T.Ư, Trị được bác sĩ xác định mắc bệnh Hemophilia B. Nếu không được điều trị đầy đủ, em sẽ bị chảy máu tái phát nhiều lần gây đau đớn, cứng khớp, teo cơ... khó đi lại, trở thành người tàn tật, sống cô lập với cộng đồng và thậm chí tử vong sớm. Đây là căn bệnh mang yếu tố di truyền.
Bắt đầu từ đó, vài tháng một lần hai mẹ con lại đưa nhau lên bệnh viện Nhi T.Ư để điều trị. Lần nào may mắn có máu để truyền, chỉ mười ngày, Trị lại được về nhà. Nhưng những đợt điều trị ngắn ngày như vậy rất hiếm vì bệnh viện luôn rơi vào tình trạng thiếu máu.
Bệnh nhi Trần Văn Trị mong được truyền đủ máu để về quê ăn Tết |
Hầu như em phải ở bệnh viện tới gần một tháng để hoàn thành đợt điều trị. Những đợt cận Tết, không may bệnh tái phát, cả gia đình lại lo lắng vì tiền trong nhà không có, bệnh viện thì thiếu máu.
Lần này Trị nhập viện mới được một ngày nhưng đã truyền hai túi máu và một bịch huyết tương. Chị Hồng lo lắng không biết con trai có đủ máu truyền để về nhà ăn Tết. Số tiền một triệu đồng mang theo xuống Hà Nội chữa bệnh lần này là vay của hàng xóm.
Anh chị còn vay của ngân hàng 13 triệu đồng gần ba năm nay chữa bệnh cho con mà chưa trả được đồng nào. Nợ nần chồng chất chỉ trông vào số tiền làm thuê của anh Trần Văn Đạo (bố của Trị) đang làm ăn ở tận trong nam. Ba mẹ con ở nhà lần hồi qua bữa bằng số thóc có được từ sáu sào ruộng và vườn rau xanh tự trồng.
Bệnh nặng, lại thêm thần kinh yếu nên hay ngất, Trị chỉ học tới lớp hai là nghỉ học. Bố mẹ cũng không dám cho con đi chơi xa hay tới chỗ đông người sợ cậu bé ngã lại phải vào viện truyền máu.
Trị bảo: “Em đi xa nhất là về Hà Nội, nhưng toàn đi thẳng vào bệnh viện này thôi, không biết Hà Nội đẹp thế nào cả. Giờ em chỉ mong đủ máu để truyền rồi về nhà với mọi người đón Tết”.
Cạnh giường bệnh của Trị là Đặng Thị Cún 14 tuổi (thôn The Cam, xã An Lương, Văn Chấn, Yên Bái). Cách đây bốn tháng, gia đình thấy da Cún tự nhiên vàng, người mệt yếu dần, nhiều hôm không đi học nổi, nói không ra hơi.
Bác sĩ bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh cố gắng điều trị cho Cún nhưng cô bé ngày càng yếu. Bác sĩ ở tỉnh giới thiệu Cún xuống Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Gần ba tháng sau Cún mới có mặt ở Hà Nội để chữa bệnh. Khi chuẩn bị đến BV Nhi T.Ư, bố và chị gái Cún bị tai nạn xe máy, nằm viện mất hơn 20 ngày.
Để có tiền cho con đi Hà Nội chữa bệnh, vợ chồng chị Sinh bán hết số thóc để dành cuối năm bán lấy tiền sắm Tết. Số tiền nợ ngân hàng lên tới hơn 13 triệu đồng. Trong khi đó, với căn bệnh vỡ tiểu cầu, tan máu huyết tán của mình, Cún sẽ phải truyền máu suốt đời.
Hai tuần qua Cún nằm tại BV Nhi T.Ư được các bác sĩ truyền cho năm bịch máu. Số máu tiếp tục cần truyền vào cơ thể của cô bé 14 tuổi gày gò, với nước da vàng vọt là khá lớn.
Những ngày cuối năm âm lịch cận Tết này không phải muốn là có được. Có những lần hai mẹ con phải đợi tới bốn ngày mới có máu để truyền. Một ngày thiếu máu, sinh lực trong cơ thể bệnh nhi này dường như suy kiệt. Máu điều trị những ngày này còn đang ưu tiên cho bệnh nhân cấp cứu nên bác sĩ trong khoa cũng không thể làm gì hơn để giúp Cún là cùng chờ đợi với bệnh nhân.
Nếu không có máu để truyền đủ thường xuyên, có thể Cún sẽ không thể sống đến quá tuổi thành niên. Cún tâm sự em muốn lắm được truyền thêm máu, hy vọng có sức vượt được quãng đường mấy trăm cây số về quê ăn Tết với bố và anh chị.
Cầu nhiều cung ít
TS Trực cho biết mỗi khi đến Tết Nguyên đán, nhu cầu truyền máu của bệnh nhân lại tăng. Gia đình nào cũng muốn con cái mạnh khoẻ trong những ngày Tết. Bằng giá nào cũng đưa con đến bệnh viện để được truyền máu, dù ít hay nhiều. Bệnh nhân nhiều mà người cho máu quá ít. Tình trạng thiếu máu bao năm nay chưa được giải quyết.
Tại khoa Huyết học & Truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) các bác sĩ đang quản lý khoảng 1.000 bệnh nhi mắc các bệnh về máu cần truyền máu cả đời. Cả khoa chỉ có 25 giường bệnh nhưng thường xuyên có gần 40 bệnh nhân điều trị.
Những ngày khoa truyền máu cho bệnh nhân ngoại trú có tới hơn 40 bệnh nhi tới tiếp máu. Nhưng khoa thường xuyên xảy ra tình trạng có nhiều bệnh nhân đến rồi lại về vì không có máu để truyền. Không ít trường hợp phải đợi tới 3-4 ngày mới có máu.
Không được tiếp máu, sức khỏe bệnh nhi giảm sút trông thấy. TS Trực ái ngại: “Nhìn bọn trẻ yếu đi từng ngày nhưng không có máu truyền, chúng tôi cũng lo lắm. Nhờ báo chí kêu gọi mọi người hiến máu cứu lấy các cháu, giúp các cháu có sức khỏe để hưởng một cái Tết sum vầy bên gia đình”.
TS.Phạm Tuấn Dương - Viện phó Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết thời điểm cuối năm Viện gửi công văn, đưa cán bộ đi vận động lãnh đạo các đơn vị tổ chức hiến máu nhân đạo thì đa phần bị từ chối khéo với những lý do như bận tổng kết. Trong khi đó lực lượng hiến máu tình nguyện chủ chốt là học sinh, sinh viên lại bận thi học kỳ và chuẩn bị về quê ăn Tết. Nguồn máu hiến, vì thế, càng khan hiếm. |