Rửa tay với xà phòng, chuyện không nhỏ

Rửa tay với xà phòng, chuyện không nhỏ
Ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15/10 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam để thay đổi hành vi của toàn xã hội, đặc biệt là trẻ em, trong việc thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe: thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh.
Rửa tay với xà phòng, chuyện không nhỏ ảnh 1
Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng cho học sinh

Cùng với 20 quốc gia trên khắp các châu lục, “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” tại Việt Nam được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Unilever Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức tại thị xã Hưng Yên.

Hoạt động này cũng được tổ chức ở gần 500 trường học thuộc hơn 20 tỉnh thành phố khác trên cả nước hưởng ứng với sự tham gia của hàng chục nghìn em học sinh và người dân.

Sự kiện này sẽ tạo ra một kỷ lục về số lượng trẻ em và người lớn tham gia rửa tay với xà phòng. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, khuyến khích thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hành rửa tay với xà phòng giúp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phát động phong trào hưởng ứng rửa tay với xà phòng trên phạm vi cả nước.

“Theo điều tra gần đây nhất của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh mới chỉ đạt 12 -15%.
Kết quả trên đã phản ánh ý thức của cộng đồng trong việc thực hành vệ sinh cá nhân còn rất hạn chế, thói quen không thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ở những thời điểm quan trọng như trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ hiện đang là một trong những thói quen cố hữu của đại bộ phận người dân”.

TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế)

Để rửa tay với xà phòng trở thành thói quen của mỗi người dân, đặc biệt là các em học sinh, hiện còn là một thách thức lớn.

Nếu chỉ rửa tay với nước thì chưa đủ, vì không làm sạch được hết mầm bệnh.

Rửa tay với xà phòng thường xuyên có thể giúp giảm 47% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh dịch nguy hiểm khác như SARS, cúm A (H5N1), Tay – Chân - Miệng...

Thực hiện tốt việc rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sẽ là một đóng góp đáng kể cho việc đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm 2/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vào năm 2015.

Ngày thế giới rửa tay với xà phòng sẽ là tâm điểm cho nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sịnh môi trường tại Việt Nam.

Trong những ngày này, các sân chơi, các lớp học và các nơi công cộng sẽ trở thành nơi thực hành rửa tay với các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cùng chung sức thay đổi hành vi rửa tay trên một quy mô lớn chưa từng có.

MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.