Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì nỗi lo của các bà mẹ trước các sản phẩm sữa nhiễm melamine là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nhiều khi sự lo lắng thái quá sẽ dẫn tới những phản ứng cực đoan, không chính xác.
Vấn đề đặt ra ở đây là không phải loại sữa nào cũng bị nhiễm melamine. Vì thế khi người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ mà đã ngưng toàn bộ sữa cho trẻ là điều không cần thiết.
Cũng theo bác sĩ Hoa, sữa thật sự quan trọng không chỉ đối với trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng cần đến sữa để bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày. Tuy nhiên, ở mỗi một lứa tuổi thì lượng sữa cần thiết sẽ khác nhau.
Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, lượng sữa cần thiết là từ 500, 700 đến 900ml/ngày. Trẻ hơn 1 tuổi là từ 500 đến 700ml/ngày. Người lớn từ 200 đến 300ml/ngày.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì sữa là nguồn thức ăn duy nhất nuôi dưỡng trẻ. Ở lứa tuổi này trẻ không thể ăn được gì khác ngoài sữa vì đường tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Trẻ chưa có răng, men tụy chưa hoạt động để tiêu hóa các thực phẩm như bột, thịt...
Các bộ phận như gan, thận còn yếu, dạ dày còn nhỏ chưa thể ăn nhiều thức ăn khác đáp ứng kịp nhu cầu phát triển (Nhu cầu năng lượng để tăng trưởng của trẻ cao gấp 2-3 lần ở người lớn, so với trọng lượng cơ thể). Vì thế nếu để trẻ em trong lứa tuổi này đột nhiên bị "cắt" nguồn sữa thì nguy cơ suy dinh dưỡng là rất lớn.
Chia sẻ của nhà sản xuất
Việc "vơ đũa cả nắm" của người tiêu dùng cũng khiến những công ty sữa có uy tín cũng bị ảnh hưởng theo. Trao đổi vấn đề này với đại diện Công ty Mead Johnson, ông Mark Hely, Tổng giám đốc Mead Johnson tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi thấy rằng sự lo lắng của người tiêu dùng trước cơn bão melamine là việc hoàn toàn có thể thông cảm và Mead Johnson xin chia sẻ nỗi âu lo đó với các khách hàng".
Nói thêm về tầm quan trọng cũng như mức độ an toàn của sữa, ông Mark Hely chia sẻ: "Với Mead Johnson, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ở mọi thời điểm là sự an toàn của trẻ em.
Mặc dù, nguyên liệu của Mead Johnson không nhập khẩu từ Trung Quốc mà nhập khẩu từ châu Âu và New Zealand, chúng tôi vẫn tiến hành các bước cần thiết để tái khẳng định về chất lượng thông qua sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế New Zealand để tìm hiểu và giúp cơ quan này tiến hành các bước cần thiết để nhanh chóng có kết luận cuối cùng.
Bản kết luận về kiểm nghiệm các sản phẩm Mead Johnson đạt chất lượng, không có melamine sau đó được gửi đi cho các công ty thành viên ở nhiều quốc gia. Vì thế tôi mong là người tiêu dùng nên bình tĩnh và hiểu rõ tầm quan trọng của sữa đối với trẻ để đừng bỏ lỡ cơ hội sử dụng sữa an toàn cho trẻ".
Theo Kim Oanh
Thanh niên
Thưa bác sĩ, khi nào chúng ta có thể cho trẻ bú thêm sữa ngoài và cần cho bé uống thêm những loại sữa nào để đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn cho trẻ? Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi là khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO). Nếu như có điều kiện thì các bà mẹ nên cho trẻ tiếp tục bú đến tận 18 tháng hoặc 24 tháng. Và trong thời gian 6 tháng tuổi thì bắt đầu cho bé ăn dặm, ăn bột, ăn cháo. Nếu bà mẹ nào có đủ điều kiện cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên thì không cần thiết phải cho con bú sữa ngoài. Tuy nhiên thực tế thì đến 4 tháng tuổi, các bà mẹ Việt Nam đã phải đi làm thì bắt buộc đến lúc này phải dùng đến sữa ngoài cho trẻ, vì nếu không có sữa thì không có loại thực phẩm nào có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. BS Nguyễn Thị Hoa |