Quan điểm hiện đại: Y học hiện đại cho rằng, hiện tượng rụng tóc sau sinh đẻ, có liên quan đến một số nhân tố sau:
1. Rối loạn nội tiết tố (hormone), đặc biệt là sự thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) - một chất có tác dụng kích thích sinh trưởng tóc. Trong thời gian mang thai, lượng estrogen được tuyến nội tiết tiết ra tương đối nhiều. Sau khi sinh đẻ, lượng estrogen ở một số phụ nữ hạ xuống quá thấp, khiến tóc phát triển chậm và bị rụng nhiều.
2. Nhân tố tâm lý: Một số nguyên nhân có thể tạo ra những áp lực về mặt tinh thần. Chấn thương tinh thần lại ảnh hưởng xấu tới hoạt động sinh lý, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị rối loạn, máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nên dễ bị rụng.
3. Rối loạn dinh dưỡng: Phụ nữ sau khi sinh đẻ cơ thể đã bị thương tổn, lại phải tạo sữa cho con bú, nên nhu cầu về dinh dưỡng của cơ thể lớn hớn hơn bình thường. Nếu không chú ý bổ sung dinh dưỡng, hoặc bị mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn, cũng có thể khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng xâu tới sự phát triển của tóc.
Để chữa trị, y học hiện đại chủ yếu sử dụng các biện pháp bổ sung, cân bằng dinh dưỡng và điều dưỡng về mặt tinh thần; Nói chung không chủ trương bổ sung nội tiết tố (hormone), vì chất nội tiết có thể tiết ra cùng với sữa, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Quan điểm của Đông y: Hiện tượng rụng tóc quá nhiều sau khi đẻ, thường do 2 nguyên nhân chủ yếu gây nên. Thứ nhất, trong quá trình sinh đẻ, cơ thể người mẹ bị thương tổn, mất rất nhiều sức và nhiều máu.
Sau khi sinh đẻ, nếu không biết cách kiêng cữ và điều dưỡng, có thể khiến khí huyết càng hư tổn nặng, không đủ sức nuôi dưỡng cơ thể cũng như lông tóc, khiến tóc bị rụng. Thứ hai, một số nhân tố tâm lý có thể khiến tâm trạng sản phụ không thoải mái, hoặc công việc bận rộn, mệt nhọc quá mức, dẫn tới tình trạng mà Đông y gọi là "Can khí uất kết".
Tạng Can trong Đông y có chức năng "sơ tiết", "điều sướng khí cơ", liên quan mật thiết tới hoạt động tình chí và toàn bộ quá trình trao đổi chất, cũng như quá trình chuyển hóa và bài tiết dịch thể trong cơ thể. "Can khí uất kết", mất chức năng sơ tiết, sẽ khiến khí huyết mất điều hòa, hoạt động tạng phủ bị rối loạn, cơ thể bị suy yếu và tóc bị rụng
Để chữa trị tóc rụng sau khi đẻ, Đông y thường tiến hành theo 2 hướng: Thứ nhất là dùng thuốc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị"; Thứ hai là sử dụng nghiệm phương, nghĩa là những bài thuốc một số người đã sử dụng có kết quả tốt.
Biện chứng luận trị: Trên lâm sàng, Đông y thường căn cứ vào chứng trạng, biểu hiện cụ thể ở người bệnh, chia rụng tóc sau khi đẻ thành 2 loại hình chính (thể bệnh) như sau, để tiến hành dùng thuốc chữa trị,:
1. Khí huyết suy hư:
- Chứng trạng biểu hiện: Thường do sau khi sinh đẻ khí huyết bị tổn thương. Chứng trạng chủ yếu: Tóc khô, không mượt, rụng ngày càng nhiều, có thể xuất hiện những đốm tóc rụng nằm rải rác trên đầu, chân tóc không chặt, chỉ cần vuốt nhẹ tay đã thấy tóc rụng, da đầu nhão, nhăn nheo; Thường kèm theo sắc mặt kém tươi, môi nhợt nhạt, ngủ không ngon giấc, trống ngực, thở nông, tiếng nói yếu, váng đầu, người mệt mỏi, thích nằm; Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng; Mạch tế nhược (nhỏ yếu).
- Phép chữa: Dùng các loại thuốc có tác dụng ich khí, dưỡng huyết, sinh phát (kích thích tóc phát triển).
Bài thuốc thường dùng:
(1) Bất trân thang: Nhân sâm 6g, bạch truật 9g, bạch phục linh 10g, đương quy (sao rượu) 10g, xuyên khung 6g, bạch thược 10g, thục địa hoàng 9g, chích cam thảo 2g, sinh khương (gừng tươi) 6g, đại táo (táo tầu) 3 trái. Sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: Bổ ích khí huyết, kích thích tóc mọc, làm mượt tóc. Dùng chữa tóc rụng nhiều do khí huyết suy nhược.
(2) Thần ứng dưỡng chân thang: Khương hoạt 3g, mộc qua 6g, xuyên khung 3g, đương quy 3g, bạch thược 5g, thỏ ty tử 5g, thục địa hoàng 10g, sinh khương (gừng tươi) 5g, hồng táo (táo tầu) 10 trái. Cách sắc thuốc: Khương hoạt, mộc qua, xuyên khung, đương quy, bạch thược và thỏ ty tử đem bọc trong túi vải, cho vào nồi cùng với thục địa hoàng, sinh khương và đại táo; thêm 1 lít nước; Nấu sôi, đun nhỏ lửa thêm 20 phút; bỏ túi bọc thuốc ra; Chia ra 3 lần dùng trong ngày; uống nước thuốc và ăn cả thục địa hoàng, gừng và hồng táo. Tác dụng: Dưỡng huyết, hoạt huyết, tăng cường tuần hoàn máu trên da đầu, kích thích tóc mọc. Dùng chữa tóc rụng do khí huyết suy nhược
2. Can khí uất kết:
- Chứng trạng biểu hiện: Thể bệnh này thường do tinh thần không thoải mái, công việc bận rộn, mệt nhọc quá mức, khiến cho can khí bị uất trệ gây nên. Chứng trạng chủ yếu: Tóc trên đầu đột nhiên bị rụng từng mảng hình tròn hay hình bầu dục; số mảng cũng như kích thước, từng vị trí không giống như nhau; da chỗ tóc rụng nhẵn bóng sáng loáng, không viêm tấy; Kèm theo tình chí uất ức khó giải tỏa, mạng sườn đầy tức nhấm nhói đau, hoặc người bồn chồn, dễ nổi cáu, mặt ửng hồng, mắt đỏ tía, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền sác (căng, nhanh).
- Phép chữa: Hành khí, hoạt huyết, dưỡng phát, sinh phát.
Bài thuốc thường dùng:
(1) Sài hồ sơ can tán: Sài hồ 10g, trần bì 8g, xích thược 10g, chỉ xác 10g, chích cam thảo 4g, xuyên khung 10g, hương phụ 10g. Sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: Hành khí hoạt huyết, dưỡng phát sinh phát; Chữa tóc rụng, tóc biến vàng, tóc rụng dần hoặc rụng từng mảng.
(2) Tiêu dao tán: Sài hồ 10g, đương quy 10g, bạch thược 30g, bạch truật 10g, phục linh 15g, cam thảo 10g. Tác dụng: Sơ can giải uất, dưỡng huyết kiện tỳ; Chữa rụng tóc nhiều do tỳ hư (chức năng tiêu hóa kém), can khí uất kết.
(3) Giải uất hoạt huyết thang: Kê huyết đằng 20g, đan sâm 10g, hà thủ ô chế 15g, đương quy 10g, sài hồ 6g, xuyên khung 6g, bạch thược 10g, phục linh 8g, hương phụ 12g, uất kim 6g, cát cánh 6g ; Sắc nước uống ngày 1 thang. Nếu mất ngủ, trống ngực: thêm táo nhân 15g; nếu bụng trướng: thêm kê nội kim 8g, hậu phác 10g. Tác dụng: Sơ can lý khí, hoạt huyết hóa ứ; chữa tóc rụng do khí trệ huyết ứ.
Thuốc kinh nghiệm
- Bài thuốc 1: Hà thủ ô 30g, trứng gà 2 quả, thêm nước, nấu tới khi trứng chín; vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho vào nồi nấu thêm khoảng 10 phút là được; ăn hết 1 lần, hoặc chia 2 lần trong ngày; ăn trứng gà và uống nước thuốc.
- Bài thuốc 2: Tang ký sinh (tầm gửi cây dâu tằm) 30g, lạc nhân 60g, thịt lợn nạc 100g; nấu thành món canh; Khi ăn vớt bỏ tang ký sinh ra ngoài, ăn thịt lợn, lạc và uống nước canh.
- Bài thuốc 3: Hoàng tinh 100g, thịt gà tre 250g; nấu thành món hầm, ăn trong ngày; ăn thịt gà và uống nước canh.
- Bài thuốc 4: Tang thầm tử (quả dâu tằm chín) 100g, đường đỏ lượng thích hợp; sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày; người béo phì không nên sử dụng.