Kết quả giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo không cao

Kết quả giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo không cao
TP - “Việc giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND trong thực hiện luật khiếu nại, tố cáo cũng có gì đó không ổn. Giám sát trùng trùng điệp điệp nhưng hiệu quả không cao”.
Kết quả giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo không cao ảnh 1

Ông Lê Quang Bình - Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình nêu ý kiến.

Ngày 22/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong 3 năm qua.

Báo cáo giám sát chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm phát sinh KNTC và làm hạn chế hiệu quả của công tác giải quyết KNTC.

Trước hết là pháp luật (nhất là Luật Đất đai) còn bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, tính khả thi thấp;

Thứ hai, công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều yếu kém, nhất là trong lĩnh vực đất đai;

Thứ ba, việc chấp hành kỷ luật hành chính trong giải quyết KNTC chưa được coi trọng, giải quyết  KNTC chưa đảm bảo công khai, dân chủ…

Và thứ tư, là tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết KNTC còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu.

Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Lê Quang Bình, với kinh nghiệm của người từng giữ cương vị Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng, tình hình KNTC diễn biến ngày càng phức tạp. Phức tạp ở chỗ đã xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện đông người huy động nhiều phụ nữ, thậm chí cả trẻ em và người già.

Theo ông Bình, tâm lý người dân là muốn yên ổn chứ không muốn khiếu kiện, chỉ bất đắc dĩ họ mới đi khiếu kiện.

“Nhưng vì chính sách về giá đất đai đền bù khi nhà nước thu hồi đất hiện nay là không ổn, khiến người dân khiếu kiện nhiều. Thêm nữa, chất lượng của các quyết định hành chính chưa cao, có những sai sót làm nảy sinh khiếu kiện” - Ông Bình khẳng định.

Cũng theo ông Bình, một nguyên nhân nữa là khi phát sinh KNTC, thì các cơ quan nhà nước ở cấp cơ sở giải quyết không kịp thời, giải quyết không theo thời hiệu và trình tự quy định làm cho người dân càng bức xúc.

“Điều đó dẫn đến xu hướng người dân không tin cơ quan cấp dưới, đụng chuyện có khiếu kiện là họ khiếu kiện vượt cấp, nhất là kéo nhau lên trung ương” - Ông Bình thừa nhận.

“Việc giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND trong thực hiện luật KNTC cũng có gì đó không ổn. Giám sát trùng trùng điệp điệp nhưng hiệu quả không cao” - Ông Bình nói.

Luật quy định các đại biểu Quốc hội phải giám sát việc thực hiện pháp luật về KNTC là không thể làm được. Một Ban dân nguyện mà giải quyết một vụ khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh là phải dựng lại cả quá trình vụ việc, bối cảnh ra quyết định… rất phức tạp mới kết luận được đúng sai. Mà các Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội không có cơ quan chuyên môn thì không thể làm gì được.

Kết quả giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo không cao ảnh 2 Hiện nay, đại biểu Quốc hội chỉ là ông bưu điện, bởi chỉ nhận đơn khiếu kiện của người dân rồi chuyển đến các cơ quan nhà nước yêu cầu trả lời. Mà đại biểu Quốc hội nhận nhiều đơn quá không chuyển kịp là dân người ta kiện chuyện sao ông nhận đơn mà không chuyển!Kết quả giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo không cao ảnh 3

Ông Lê Quang Bình

Ông Bình đề nghị phải sửa đổi Luật Đất đai mới giảm được khiếu kiện về đất đai (hiện chiếm hơn 80% số lượng các vụ khiếu kiện). Chất lượng cán bộ công chức của chúng ta cần được nâng lên, đồng thời cơ chế giải quyết KNTC và cơ chế giám sát và đặc biệt là cơ chế trách nhiệm phải được làm rõ.

“Cơ chế hiện nay, cơ quan tiếp dân chỉ là nơi nhận đơn và chuyển đơn mà không gắn với việc giải quyết khiếu nại thì tôi thấy không được” - Ông Bình bức xúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận thì cho rằng, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề con người. Bởi nếu chúng ta chấp hành nghiêm túc Luật KNTC thì tình hình chắc chắn không đến nỗi nào” - Ông Thuận khẳng định. 

Theo ông Thuận, Báo cáo giám sát kiến nghị 8 giải pháp để cải thiện tình hình là rất hay, nhưng tính khả thi và hiệu quả thì chưa chắc. “Chẳng hạn, nếu tăng cường sự giám sát của Đại biểu Quốc hội, của HĐND thì không cải thiện được tình hình” - Ông Thuận nói.

Vấn đề quan trọng là, theo ông Thuận, kiến nghị sửa Luật KNTC phải chỉ rõ sửa ở chỗ nào, cụ thể ra sao. Nếu quy trình, thủ tục mà không ai chấp hành thì giữ lại trong luật làm gì? Còn sửa Luật Đất đai, nói là phải sửa để thuận lợi cho dân.

“Chính sách giá đất giữa đền bù và giá đất thị trường chênh nhau quá lớn. Dân bị thu hồi hàng nghìn mét đất, nhưng tiền được đền bù không đủ mua lại đám đất làm nhà ở! Vậy thì chúng ta phải sửa như thế nào cho hợp lý?”-Ông Thuận băn khoăn.

Phần lớn nội dung đơn tố cáo là đúng và đúng một phần

Theo báo cáo giám sát, 3 năm qua, các cơ quan hành chính nhận được 43.207 đơn tố cáo về 35.164 vụ việc. Qua kết quả giải quyết đơn tố cáo cho thấy, tố cáo của công dân có nội dung đúng và đúng một phần chiếm tỷ lệ khá cao. Theo tổng hợp từ 48 tỉnh và 5 Bộ thì tỷ lệ này là 62,75%.

Việc xử lý người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nhìn chung chưa thật sự nghiêm minh. Đáng lưu ý, chuyện nhắc nhở, rút kinh nghiệm nội bộ mà không kiên quyết xử lý theo pháp luật với lý do “giữ gìn đoàn kết nội bộ, giữ uy tín, thành tích của cơ quan, địa phương, ngành” vẫn còn xảy ra nhiều.

Đây chính là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

3 năm qua, tình hình khiếu nại của công dân diễn biến phức tạp và có xu hướng vượt cấp lên cơ quan trung ương; Khiếu nại xảy ra khá phổ biến nhất là ở các tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa cao.

Nội dung khiếu nại của công dân xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực đời sống, nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, với tỷ lệ hơn 80%, cá biệt có địa phương chiếm trên 90% các vụ khiếu kiện.

Qua kết quả giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính cho thấy: Khiếu nại của công dân có nội dung đúng và đúng một phần chiếm tỷ lệ khá cao (tổng hợp từ 45 tỉnh và 7 Bộ thì tỷ lệ này là 46,13%).

 
MỚI - NÓNG