Đây là hoạt động văn hóa tôn giáo lớn mang tính quốc tế diễn ra tại Việt Nam. Thành công của hoạt động này có sự đóng góp về ý thức trách nhiệm của mỗi người dân vì sự đoàn kết hữu nghị và phát triển của đất nước.
Vesak - tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ, người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn với thân thế sự nghiệp đức Phật (Phật đản sinh, Phật thành Đạo, Phật nhập Niết bàn).
Đại lễ Vesak là Đại lễ kỷ niệm tam hợp Đức Phật (ngày Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập diệt) diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch. Từ xa xưa, Đại lễ Vesak đã được tổ chức tại một số nước Phật giáo, từ Sri Lanka sau đó truyền sang Thái Lan…
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc, những họat động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.
Năm 2001, Đại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở ngoài trụ sở Liên Hợp quốc.
Tháng 4 năm 2005, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc được tổ chức lần thứ nhất tại Mumbai (Ấn Độ). Tiếp theo, từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 5 năm 2005, Đại lễ Vesak lần thứ II đã được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Quốc gia Buddhamonthon (Thái Lan) với đại biểu từ 42 quốc gia tới dự.
Đại lễ Vesak lần thứ III được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 5 năm 2006 tại Trường Đại học Mahachulalongkom (Thái Lan) gắn liền với việc kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của nhà vua Thái Lan. Từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 5 năm 2007, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tiếp tục được tổ chức lần thứ IV tại Trường Đại học Mahachulalongkom (Thái Lan) với sự tham gia của 500 đoàn đại biểu từ 62 nước.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc có nhiều nội dung, bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, có Hội thảo về các chủ đề Phật giáo đối với đời sống xã hội, triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian của nước đăng cai; du lịch thăm quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo. Thời gian và địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak do nước đăng cai quyết định.
Tham gia tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, về phía Phật giáo thế giới có Ủy ban Tổ chức Quốc tế (tên viết tắt tiếng Anh là IOC), thành viên Ủy ban Tổ chức Quốc tế bao gồm đại diện được bầu từ những người có tín ngưỡng Phật giáo và ở một số nước có đạo Phật.
Ủy ban Tổ chức Quốc tế do một Chủ tịch đứng đầu, Chủ tịch phải vừa là thành viên của Ủy ban Tổ chức Quốc tế vừa là công dân của nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak. Giúp việc cho Chủ tịch là các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc tế (tên viết tắt tiếng Anh là IS).
Trụ sở Ủy ban Tổ chức Quốc tế đặt tại nước Chủ tịch cư trú. Vai trò chủ yếu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế là chuẩn bị nội dung chương trình, và đưa ra những vấn đề có liên quan tới Đại lễ Vesak, bầu cử thành viên Ủy ban và lựa chọn nước đăng cai tiếp theo.
Chính phủ nước đăng cai hỗ trợ kinh phí cho Đại lễ Vesak và phối hợp với Ủy ban tổ chức Quốc tế trong việc tổ chức Đại lễ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Đại lễ Vesak kết quả tốt.
Chính phủ Việt Nam đã đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008. Việc tổ chức Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam sẽ góp phần thể hiện đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta.
Ngày 17 tháng 5 năm 2007, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm tới Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak bày tỏ sự hưởng ứng về việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008 của Chính phủ Việt Nam.
Ngày 23 tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chúc mừng Đại lễ Vesak 2007.Trong điện mừng tỏ rõ: Chính phủ Việt Nam hoan nghênh quyết định của Liên Hợp quốc công nhận tính quốc tế và cơ chế tam hợp của ngày Đại lễ Phật đản…Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết định nói trên của Liên Hợp quốc vì hòa bình, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội.
Ngày 29 tháng 5 năm 2007, tại phiên bế mạc của Đại lễ Vesak 2007, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nguyễn Duy Hưng cùng Hòa thượng Thích Trí Tâm - Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chủ tịch IOC người Việt Nam GS.Lê Mạnh Thát đã nhận chuyển giao quyền tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2008.
Sau khi nhận đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương và nguyên tắc tổ chức nhằm đảm bảo cho Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam được diễn ra tốt đẹp.
Do nước ta có nhiều tôn giáo, để đảm bảo sự đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như đảm bảo cho sự hài hòa trong việc tổ chức một sự kiện vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa có tính chất thuộc một tôn giáo, lại trong khuôn khổ các họat động được Liên Hợp quốc cổ súy, khác với Thái Lan, Chính phủ Thái Lan giao việc tổ chức Đại lễ cho trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkom đảm nhiệm; ở Việt Nam, Chính phủ lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2008 gồm đại diện một số tổ chức, cơ quan của nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số thành viên (IOC) người Việt Nam, để điều hòa và phối hợp công việc, nhằm đảm bảo cho Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2008 thành công tốt đẹp.
Theo dự kiến, thời gian diễn ra các hoạt động chính trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 5 năm 2008, thời gian này gần kề ngày Phật đản và không làm ảnh hưởng tới lễ Phật đản theo truyền thống ở các địa phương.
Chủ đề của Đại lễ là: “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại lễ được khai mạc và bế mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, các hoạt động triển lãm, văn hóa tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị và Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, thăm quan thắng cảnh, chiêm bái thắng tích Phật giáo tại Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình).
Để chuẩn bị cho tổ chức Đại lễ Vesak 2008 được thuận lợi, Ban Điều phối Quốc gia đã hình thành các tiểu ban giúp việc và phân công công việc cụ thể cho các tiểu ban; đồng chủ trì các tiểu ban: Lễ tân - Giao tế; Khánh tiết - Trang trí; Nội dung; Nghi lễ - Văn hóa là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC); Chủ trì các Tiểu ban Tuyên truyền, An ninh, Tài chính - Hậu cần là các cơ quan nhà nước.
Trong thực hiện công việc có sự phối hợp hỗ trợ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và các cơ quan nhà nước đảm bảo nguyên tắc người đứng đầu chủ trì các tiểu ban chủ động phối hợp với các lực lượng hữu quan xây dựng kế hoạch chi tiết nội dung và điều kiện thực hiện phần việc của tiểu ban để Ban Điều phối Quốc gia tổng hợp thành kế hoạch chung của Đại lễ trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo dự kiến Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam sẽ có trên 70 nước tham gia với hàng trăm đoàn đại biểu quốc tế Phật giáo và nhiều khách mời là các chính khách thân thiện đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Đây là hoạt động văn hóa tôn giáo lớn mang tính quốc tế diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 năm 2008. Thành công của hoạt động này có sự đóng góp về ý thức trách nhiệm của mỗi người dân vì sự đoàn kết hữu nghị và phát triển của đất nước.