> 'Đánh giá giảm ùn tắc do thay đổi giờ là vội vàng'
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá: Một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vẫn đông nhưng vẫn không tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã “giảm đáng kể”.
Làm cuộc thăm dò ý kiến bỏ túi qua mạng internet, câu trả lời của hầu hết người được hỏi là “vẫn tắc như thường”. Một người bạn chat qua cho biết, giờ tan tầm, đi qua đoạn nào có trường thì kẹt xe “khủng khiếp luôn”. Theo anh, kết quả rõ nhất sau hai ngày đổi giờ là “Hà Nội đã đổi được giờ tắc đường”. Anh lý giải: Hơn 17h, phụ huynh đi làm về đợi con trước cổng trường, đỗ xe la liệt. Chưa tan trường thì đường đã tắc. Như vậy, tình trạng tắc đường ở những đoạn có trường học “được”kéo dài từ 18h đến 20h.
Một phụ huynh khác thì cho rằng, bắt con em người ta học vào giờ “quáng gà”, xong 3 năm phổ thông “không cận mới lạ”. “Sáu giờ tối là thời điểm không bao giờ nên tiếp xúc với sách vở vì thứ nhất là sai nhịp sinh học, thêm nữa ánh sáng tự nhiên rất yếu”, anh nói. “Học sinh đi học về tối, giao thông lúc đó nguy hiểm hơn cả, tai nạn ai chịu trách nhiệm đây?”.
Theo Sở GTVT Hà Nội, tình trạng ách tắc ở một số tuyến đường “điểm nóng” như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy - Cầu Giấy... đã “giảm đáng kể” nhưng hỏi chuyện một người thường xuyên đi lại trên đường Trường Chinh, anh bảo tắc vẫn hoàn tắc. “Mà có nói chỗ này chỗ kia thoáng hơn thì cũng hơi vội, vì phải sau rằm tháng giêng, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh mới về lại Hà Nội”, anh nói thêm.
Không giải pháp nào là hoàn hảo cả. Quản lý là một quá trình tự hoàn thiện. Ngành giao thông đang ở thế “làm cũng bị thiên hạ nói , không làm cũng bị thiên hạ nói”, thôi thà cứ làm quyết liệt một hướng nào đó. Chỉ có điều, với những gì đang diễn ra, chắc chắn chủ trương chuyển giờ còn cần được xem xét điều chỉnh kỹ càng. Có lẽ dư luận cũng phải cần một chữ ĐỢI!