Bất an

Bất an
TP - Ngay trong những ngày đầu năm mới, dồn dập những tin tức không vui xảy đến làm nhiều người bất an: bị truy đuổi, hai kẻ giang hồ máu lạnh đất Cảng rút súng bắn chết một cảnh sát cơ động tàu hàng hơn 5 vạn tấn chìm trong khi số phận của 22 con người gần như không còn tia hy vọng; xe máy, ôtô liên tục cháy…

Chưa hết, sức chịu đựng của người dân còn được thử thách thêm một lần nữa khi Bộ Giao thông-Vận tải lại vừa thông báo mới gửi tờ trình tới chính phủ, đề nghị thu phí “lưu hành giao thông đường bộ” với mức thu không hề nhỏ: Từ 500 nghìn -1 triệu đồng đối với xe máy, từ 20-50 triệu đồng đối với ôtô.

Trong khi đó, để lưu thông trên đường, phương tiện của người dân đã phải gánh chịu đủ loại phí và sắp tới còn phải gánh thêm phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường trong xăng, dầu…

Tai nạn, chìm tàu là chuyện may rủi và không phụ thuộc vào ý chí con người. Những quyết định/dự định chưa nghiên cứu kỹ, không (hay chưa) xuất phát từ lợi ích cộng đồng, khiên cưỡng, áp đặt của cơ quan quản lý mới khiến người dân bất an nhiều nhất, vì mỗi quyết định ấy ảnh hưởng tới đời sống, miếng cơm manh áo của hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người.

Đề xuất tiếp tục lấy phương tiện cá nhân làm mục tiêu “điều chỉnh” với phương pháp “không quản được thì cấm” bộc lộ tư duy không mới. Biết bao nhiêu tranh luận, đã chứng minh cái gốc của nạn ùn tắc giao thông là vấn đề quy hoạch, sự tập trung dân cư và sự yếu kém của hệ thống giao thông vận tải công cộng.

Khi cái gốc không được xử lý triệt để thì một vài giải pháp hớt váng, bề nổi không thể giải quyết vấn đề, vốn đã được đào đi xới lại nhiều lần. Trong tình huống này, người dân có quyền đặt câu hỏi: phải chăng mục tiêu chính của đề xuất thu phí nói trên là tăng thu ngân sách?

Trước một đề xuất, trước một chính sách cần phải được cân nhắc, toan tính kỹ thiệt hơn. Có như vậy mới tránh khỏi những sai lầm. Chắc chắn người dân không là nơi để thí nghiệm những giải pháp cấp thời, duy ý chí. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận và nó chính là cội nguồn sức mạnh xây dựng một xã hội an dân và cường thịnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.