Tương phản

Tương phản
TP - Buổi sáng bà Tư béo bán phở gần khu công nghiệp Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) thông báo: Kể từ nay, giá một tô phở tái - chín của bà có giá mới: 25.000 đồng/tô, thay vì 20.000 đồng như trước.

> Sẽ điều chỉnh nhanh giá xăng dầu trong thời gian tới

> Nửa đêm đi chợ chống 'bão giá'

Lý do rất đơn giản: Giá xăng đã tăng lên 21.300 đồng, còn trước đó, điện cũng tăng giá thêm hơn 15%. “Cái gì cũng tăng thì tô phở 25.000 đồng là đương nhiên thôi”, bà chủ quán phở nói.

Tuy nhiên, bà chủ quán phở còn có phở để tăng giá (dù mức tăng là do bà tự đặt ra), còn chị Nguyễn Thị Mai, 24 tuổi, công nhân Khu Công nghiệp Linh Trung thì chẳng có gì tăng để bù vào mức trượt giá ngoài chợ. Mỗi tháng, lương còm của chị tròm trèm 2 triệu đồng thì đã chi 500-600 ngàn đồng thuê trọ trong khi chủ khu trọ cũng đang lăm le tăng giá vì “xăng tăng, điện tăng, vật liệu xây dựng tăng…”.

Làm phép tính sơ sơ cũng thấy tình cảnh của chị Mai sắp tới sẽ rất chật vật: Mỗi tháng, tiền lương 2 triệu đồng của chị trước đây quy ra phở (giá cũ của bà Tư béo) được 100 tô. Nay bà Tư bán 25.000 đồng/tô thì lương tháng của chị chỉ còn bằng 80 tô phở, tức là mất đi 20 tô. So là so vậy chứ đã bao lâu nay với mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng, những người lao động như chị Mai đâu có dám biết đến mùi vị của tô phở thịt bò tái.

Trước đây còn cố gắng dè sẻn, ăn tiêu chắt bóp, mỗi tháng người mẹ một con ấy vẫn cố gắng để dành được vài trăm ngàn đồng gửi về Yên Thành, Nghệ An để bà ngoại thêm thắt cho đứa cháu trai 2 tuổi. “Bây giờ với mức tăng giá vòn vọt như vậy, em cũng chẳng biết tính sao nữa”, chị Mai tâm sự.

Những người làm công ăn lương như chị Mai thuộc diện đối tượng dễ bị tổn thương mỗi khi lạm phát. Vừa qua, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ những hộ nghèo 550.000 đồng để giảm bớt khó khăn từ việc giá điện, giá xăng tăng kéo theo nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu tăng theo.

Nhưng những đối tượng như chị Mai chắc chắn chưa được coi là hộ nghèo (theo quy định mới nhất, hộ nghèo nông thôn là hộ có mức thu nhập 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, hộ nghèo thành thị là hộ có mức thu nhập 500.000 đồng/tháng trở xuống). Và dù chương trình bình ổn giá đối với nhóm 9 mặt hàng thiết yếu trên nhiều tỉnh, thành phố nhằm kiềm chế lạm phát thì nó vẫn khó mà bình ổn được giá tô phở của bà Tư béo.

Tuy nhiên, trong khi phần đông người dân đang phải đối mặt với việc giá cả tăng và nguy cơ lạm phát cao thì vẫn có một bộ phận dân cư không ngại vung tay tiêu xài hoang phí. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chi gần 1,1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng trong nhóm cần hạn chế nhập khẩu, tăng tới 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng có lẽ, chị Mai cũng không còn tâm trí đâu mà tìm hiểu để biết rằng, chị cũng như bao người lao động nghèo khác đang phải oằn lưng gánh chịu mức lạm phát mà ngoài nguyên nhân do điện, xăng tăng giá, còn do một bộ phận những người giàu có không chính đáng và tiêu xài hoang phí tạo ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG