Vượt qua 'phong bì' là khó nhất

Vượt qua 'phong bì' là khó nhất
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về công tác kiểm tra Đảng khi triển khai Nghị quyết T.Ư 4, ông Hà Tuấn Trung, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa VII cho rằng, thách thức lớn nhất đối với mỗi cán bộ kiểm tra là trình độ, bản lĩnh cán bộ, phải vượt qua được những mối quan hệ, lợi ích đan xen và nhất là những chiếc “phong bì”.

Nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa VII Hà Tuấn Trung:

Vượt qua 'phong bì' là khó nhất

> Đại tá công an trả lại phong bì 100 triệu đồng

Sau chỉnh đốn, phải chỉ ra được cán bộ, đảng viên suy thoái

Là một cán bộ kiểm tra, điều ông quan tâm nhất trong Nghị quyết T.Ư 4 là gì?

Trong nhận định tình hình, lần này trung ương cho biết, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, kể cả cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

Nếu sau chỉnh đốn mà không chỉ ra được ai thì không đạt yêu cầu. Khi đó sẽ có hai giả thiết: Một, nhận định của trung ương là sai, cho rằng một bộ phận không nhỏ, kể cả cán bộ cao cấp suy thoái, nhưng qua chỉnh đốn không phát hiện ra ai. Hai, trung ương nhận định đúng nhưng làm không ra, có vấn đề trong tổ chức thực hiện.

Chúng ta phải chờ xem cách tổ chức tự phê bình và phê bình như thế nào. Trung ương phải làm trước để chỉ đạo bên dưới triển khai đến cơ sở.

Trong 4 nhóm giải pháp trung ương đưa ra thì việc tự phê bình và phê bình phải làm đầu tiên, vậy tại sao trong những lần chỉnh đốn trước công tác này chưa hiệu quả?

Điều này phụ thuộc vào tính tự giác của từng đảng viên. Tuy nhiên, vấn đề tự giác là không đơn giản và không phụ thuộc vào tuổi đảng nhiều hay ít, chức vụ cao hay thấp. Có người 40- 50 năm tuổi đảng nhưng khi có vi phạm vẫn không tự giác, có người mới vào đảng nhưng có vi phạm sẵn sàng nhận khuyết điểm. Thực tế vi phạm càng nghiêm trọng thì càng khó tự giác. Bản thân tôi đi làm việc đã gặp một đồng chí cán bộ cấp tỉnh, khi xuống phổ biến việc có đơn tố cáo đồng chí đó về đất đai, đồng chí chỉ suy nghĩ vài giây rồi thừa nhận và xin khắc phục.

Ngoài tính tự giác, công tác này còn phụ thuộc vào sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Nếu nơi nào tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, bao che thì công tác tự phê bình và phê bình cũng không còn là vũ khí sắc bén.

Vậy theo ông cần cơ chế giám sát như thế nào để việc tự phê bình và phê bình thực chất, hiệu quả?

Trước khi tự phê bình và phê bình cần có cuộc thu thập ý kiến, đóng góp của đảng viên, quần chúng nhân dân nơi công tác và cư trú, dư luận phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để gợi ý cho người kiểm điểm. Cơ chế này rất quan trọng. Ngoài ra, không nên để từng tổ chức tự kiểm điểm mà cấp trên phải xuống chỉ đạo trực tiếp cấp ủy bên dưới. Qua kiểm điểm có đạt yêu cầu hay không phải làm rõ, nếu không đạt phải làm lại. Ở đây cần vai trò của cơ quan kiểm tra Đảng. Trước đây qua tự phê bình và phê bình, đã từng có người đứng đầu một đảng bộ không nhỏ, sau khi kết thúc tự phê bình và phê bình đã phấn khởi báo cáo đảng bộ nghiêm túc kiểm điểm và không có tiêu cực. Nhưng thời gian sau chính đảng bộ này bị phát hiện tiêu cực. Công tác này nếu làm không tốt sẽ không có tác dụng gì, có khi còn giúp đóng dấu thừa nhận đã “kiểm điểm nghiêm túc”.

Những trường hợp nào chưa đủ cơ sở thì không nên bỏ phiếu kết luận mà phải xác minh thêm, tránh tư tưởng xuê xoa.

Khó nhất là chiếc “phong bì”

Hiện nay mối quan hệ xã hội phức tạp, lợi ích đan xen nên công tác kiểm tra sẽ khó khăn hơn, thưa ông?

Đúng vậy! Trong thời kỳ bao cấp và mới chuyển sang cơ chế thị trường, diện vi phạm còn ít, hành vi chưa tinh vi, phức tạp. Hiện nay khó khăn, phức tạp hơn nhiều đòi hỏi phải nâng cao trình độ cán bộ kiểm tra. Ngoài ra, cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh, vượt qua những khó khăn khi thi hành nhiệm vụ. Trong thực tế có Đảng viên không tự giác, tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, bao che. Nhiều khi đối tượng mình thẩm tra, xác minh là bạn bè, họ hàng, quan hệ lợi ích. Một cái nữa cần vượt qua là “phong bì”, khi biết bị thẩm tra là người ta tìm mọi cách hối lộ, mua chuộc, thậm chí đe dọa.

Vậy trong những rào cản thì cái gì có thể chi phối mạnh nhất đến bản lĩnh cán bộ kiểm tra, thưa ông?

Khó vượt qua nhất chính là những chiếc “phong bì”. Bởi không phải khi xảy ra việc mới có phong bì. Mỗi cán bộ kiểm tra phụ trách một địa bàn, về công tác cơ sở có khi địa phương dẫn đi thăm doanh nghiệp, ít nhiều đều có quà. Mà có những món quà giá trị không nhỏ. Khi tôi còn công tác, kết thúc đợt làm việc, địa phương có phong bì “ăn trưa” 50- 100 nghìn đồng. Tất nhiên bây giờ không phải số tiền như thế nữa. Vậy nhận hay không nhận? Nếu nhận thì “há miệng mắc quai”. Bình thường không sao nhưng khi có việc xảy ra ở địa phương đó thì rất khó xử lý. Nếu cán bộ không vững vàng thì sẽ tác động đến công việc chung.

Cám ơn ông.

Khó vượt qua nhất chính là những chiếc “phong bì”. Bởi không phải khi xảy ra việc mới có phong bì. Mỗi cán bộ kiểm tra phụ trách một địa bàn, về công tác cơ sở có khi địa phương dẫn đi thăm doanh nghiệp, ít nhiều đều có quà. Mà có những món quà giá trị không nhỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG