Tiếp thị chính sách

Tiếp thị chính sách
TP - Gặp mặt báo chí đầu năm với định hướng “Thông tin kết nối-Chính quyền kết nối-Xã hội kết nối”, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đưa ra một khái niệm mới: Tiếp thị chính sách. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói về điều này.

Ông Lê Minh Hoan nói: Trước đây, ban hành chính sách thường lãnh đạo quyết, một hai năm sau sơ kết tổng kết thì tốt xấu đã rồi. Không ít trường hợp, nhu cầu của xã hội một đằng, chính sách một nẻo nên cung và cầu chính sách không gặp nhau.

Nay phải tiếp thị chính sách, thông tin không khép kín nữa mà mở rộng cho nhiều người biết, tham gia, để lãnh đạo có đủ thông tin mà quyết cho đúng.

Doanh nghiệp là đối tác

Có phải nhờ tiếp thị chính sách mà Đồng Tháp ở vị trí “khuất nẻo” đầu nguồn sông Mê Công vẫn thu hút được nhiều đầu tư, để vững vàng vượt qua lụt lớn năm 2011?

Ông Lê Vĩnh Tân: Nói về vị trí “khuất nẻo”, chúng tôi xác định, không thể “khiêng” tỉnh Đồng Tháp ra gần QL1A được, mà phải làm cho Đồng Tháp thuận lợi với các nhà đầu tư. Cứ kêu vùng sâu vùng xa chỉ là biểu hiện của lãnh đạo yếu kém.

Nên kết quả, tôi không nêu con số cụ thể mà giới thiệu chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Đồng Tháp, năm 2006 đứng thứ 11 cả nước, năm 2010 đã vươn lên thứ 3, chỉ sau Đà Nẵng và Lào Cai, và đứng thứ nhất ĐBSCL.

Ông Lê Minh Hoan: Chúng tôi xem cộng đồng doanh nghiệp là đối tác cùng đồng hành, chứ không phải là đối tượng quản lý như trước đây. Những gì liên quan đến doanh nghiệp chúng tôi đều lắng nghe. Định kỳ mời lãnh đạo doanh nghiệp gặp mặt, còn thường xuyên xuống tận nơi để nghe, giúp tháo gỡ khó khăn, tìm thị trường mới, khơi luồng hàng xuất khẩu.

Từ nhu cầu của doanh nghiệp, Đồng Tháp đã hỗ trợ TCty Tân cảng Sài Gòn mở cảng container –logistics ở Sa Đéc, kết quả năm 2011 xuất khẩu đạt 877 triệu USD, tăng gần 47% so với 597 triệu USD của năm 2010. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng cảng container ở TP Cao Lãnh, cảng Thường Phước gần biên giới và hệ thống cảng nổi trên sông Hậu.

Nhưng ở ĐBSCL, hạn chế phát triển không chỉ hạ tầng giao thông mà còn vì nguồn nhân lực yếu kém, Đồng Tháp giải quyết như thế nào?

Ông Lê Vĩnh Tân: Đồng Tháp chủ trương xây dựng quỹ chung để đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, cử cán bộ giúp doanh nghiệp đào tạo đáp ứng nhu cầu cụ thể, chứ không chung chung như trước.

Xúc tiến thương mại cũng vậy, ban đầu, chính quyền đi trước để lôi kéo doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vươn ra khỏi địa bàn tỉnh tìm kiếm lợi nhuận, dần dần để doanh nghiệp chủ động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Lắng nghe để yên dân

Chủ tịch Lê Minh Hoan Ảnh: Sáu Nghệ
Chủ tịch Lê Minh Hoan.  Ảnh: Sáu Nghệ.
 

Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp, sản lượng lúa lớn, cá tra xuất khẩu hàng đầu ĐBSCL cần làm gì để phát triển thế mạnh đó?

Ông Lê Minh Hoan: Đồng Tháp phát triển phải trên cơ sở nông nghiệp, nên chúng tôi đang chú trọng xây dựng các trung tâm giống đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của nông dân.

Trong xây dựng đê bao bảo vệ lúa, kết hợp xây dựng các cánh đồng mẫu lớn mà ở đó, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp và mua lúa tươi tại ruộng.

Như thế, tiếp thị chính sách là mở rộng dân chủ, đối thoại để tìm các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao giá trị sản phẩm, rất cần sự ổn định đất đai và xã hội. Vậy Đồng Tháp làm gì để giữ ổn định?

Ông Lê Vĩnh Tân: Đề cao dân chủ, đối thoại thôi. Tôi xin nhấn mạnh, việc gì dân phản ứng thì phải xem lại, phải được dân ủng hộ mới làm.

Ông Lê Minh Hoan: Về đất đai, chúng tôi chủ trương giở lại từng hồ sơ khiếu nại về đất đai để giải quyết dứt điểm, nhất là những vụ phức tạp kéo dài dù đã có kết luận, để cho lòng dân yên và cán bộ cũng tập trung vào lo phát triển kinh tế xã hội.

Sáu Nghệ thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG