Những tay lưới hàng trăm triệu luôn là món mồi ngon của đạo chích. Ảnh: Nam Cường. |
Hở là mất
Dọc bờ sông Hàn (phía đường Trần Hưng Đạo), hàng chục tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng neo đậu trong thời gian gần đây thường xảy ra mất trộm ngư lưới cụ khiến phần đa chủ tàu hoang mang và khốn khổ. Theo các ngư dân, tình trạng mất cắp lắng dịu 5 năm trở lại đây, nay lại rộ lên, với mật độ liên tục.
Tháng 9, trước khi ra khơi bị sét đánh hư toàn bộ máy ICOM và ngư cụ, tàu ĐNA 90449 của thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh neo đậu bên sông Hàn, bị mất 5 khoen chì cùng hàng chục kg dây lưới, trị giá gần 30 triệu đồng.
Anh Thạnh cho hay, tàu anh đậu bên đường Trần Hưng Đạo, có người canh 24/24 nhưng đến đêm, khi người giữ ngủ say, bọn trộm đã lấy mất ngư cụ. “Năm 2004 cũng có mất tay lưới, nhưng tôi sắm lại được. Kể từ đó đến nay không thấy trộm cắp gì, nay bỗng nhiên bùng phát trở lại” - anh Thạnh cho biết.
Sau khi mất, anh Thạnh cùng các chủ tàu khác trình báo công an, nhưng đến nay, số ngư cụ vẫn chưa tìm lại được. Anh Hồ Văn Trường - chủ tàu ĐNA 90082 kể: Bọn trộm cắp bây giờ liều lĩnh và tinh ranh, hễ ngư dân hở ra là mất.
Không chỉ tàu đậu ở hai bên sông Hàn mà neo đậu ngay trong âu thuyền Thọ Quang cũng thường xuyên bị mất trộm, thậm chí đạo chích còn liều lĩnh hơn ở ngoài. Tại âu thuyền, dân đạo chích chủ yếu viếng thăm các tàu ngoại tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định… Dù vậy, trong tháng 10, tàu ĐNA 90369 của ngư dân Đà Nẵng Đào Ngọc Minh Tâm - khi neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang cũng bị mất cắp 40 khoen lưới chì, đồng, trị giá gần 50 triệu đồng.
Theo anh Tâm, khác với những vụ trộm thông thường, kẻ trộm lên tàu cắt lưới lấy khoen chì, đêm 12-10, chúng khiêng cả lưới đi nơi khác rồi cắt dây. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 2 tàu ĐNA 90369 bị mất cắp.
Anh Phạm Xuân Nam – chủ tàu QNg 90569 (Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) nói: Thường mỗi tháng chúng tôi vào âu thuyền vài lần, hầu như lần nào cũng mất một vài thứ ngư cụ, không lớn thì nhỏ. Lần thì mất khoen chì, lưới, bình ga…, lần thì bị hút trộm dầu. Bọn trộm cắp càng ngày càng ngang nhiên, không coi ai ra gì.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thanh, chỉ tay vào khe nứt ở buồng tàu, bức xúc: Mới mất cách đây chưa đầy 10 ngày, lần đó tàu tôi chuẩn bị ra khơi, chuẩn bị 5 phi dầu, mỗi phi 220 lít. Thế mà đang đêm, lợi dụng có vết nứt, bọn trộm đã dòng ống, móc vào phi hút sạch toàn bộ dầu tương đương 5 triệu đồng.
Lại thành vấn nạn
Ông Phạm Bá Hùng – Phó Ban quản lý (BQL) Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay, kể từ khi có sự ra quân quyết liệt, đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ của 3 đơn vị là BQL âu thuyền – biên phòng – công an địa phương, tình hình trộm cắp, xin đểu, trấn lột ở âu thuyền, cảng cá đã lắng dịu. Tuy nhiên, với số lượng tàu cá thường xuyên ra vào, có ngày gần 1 ngàn chiếc nên lộn xộn xảy ra là khó tránh.
Ông Ngô Văn Cát – Phó BQL cho hay, hiện BQL có đội bảo vệ 12 người thay nhau trực 24/24, có số đường dây nóng của trưởng phó ban nên ngư dân có thể gọi điện bất cứ lúc nào.
Theo ông Cát, 9 tháng đầu năm, mới chỉ xảy ra 8 vụ mất cắp do đội bảo vệ phát hiện và ngư dân trình báo. Khi chúng tôi cho hay, ngư dân phản ánh thời gian qua liên tục bị mất cắp, từ vật dụng nhỏ đến lớn, ông Cát nhấn mạnh: Đó chỉ là số vụ do BQL phát hiện, còn nhiều vụ khác, có thể trạm Biên phòng xử lý hoặc ngư dân không thông báo. Cái đó chúng tôi chịu.
Ông Phạm Bá Hùng cho rằng, hiện tình trạng ngư dân chưa lo bảo quản tài sản là rất đáng quan ngại, điều đó tạo điều kiện cho nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên, đặc biệt ở các tàu ngoại tỉnh.
“Tàu vào âu thuyền để bán cá. Lúc này, ngư dân, lao động có tiền nên dễ nhậu nhẹt, bỏ tàu đi chơi. Đây là lúc bọn trộm cắp hành động”. Thượng úy Hà Văn Phượng – tổ phó tổ công tác Biên phòng Thọ Quang (đồn Biên phòng 252) xác nhận: Đúng là nạn trộm cắp ngư cụ thời gian qua có nguy cơ tái diễn thành một vấn nạn.