Dạy tiếng Anh cấp tiểu học: Khó vẫn quyết làm

Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học vẫn còn mắc nhiều ở khâu giáo viên giảng dạy. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học vẫn còn mắc nhiều ở khâu giáo viên giảng dạy. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến từ năm học 2011 – 2012 sẽ mở rộng quy mô các trường tiểu học dạy theo Chương trình ngoại ngữ bắt buộc 4 tiết/ tuần, mỗi năm tăng 15 – 20% số trường tham gia.

> Vì sao học sinh Việt Nam 'ngại' nói tiếng Anh?

Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học vẫn còn mắc nhiều ở khâu giáo viên giảng dạy. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học vẫn còn mắc nhiều ở khâu giáo viên giảng dạy. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Áp lực học sinh đông

Kể từ khi Bộ GD&ĐT chủ trương dạy Chương trình ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 tiểu học, Hà Nội và TPHCM là những địa phương được kỳ vọng đầu tàu tiên phong về chất lượng cũng như tiến độ triển khai.

Tuy nhiên, ngay năm học đầu tiên thí điểm (2010 – 2011), trong số khoảng ngoài 20 giáo viên được Sở GD&ĐT cử đi kiểm tra lấy chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chỉ 9 giáo viên của 9 trường đủ điều kiện dạy thí điểm. Về sau, một trường xin rút, Hà Nội chỉ còn 8 trường tham gia chương trình thí điểm, trong khi toàn thành phố có khoảng 690 trường tiểu học.

Sau một năm thí điểm, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá khá lạc quan về kết quả đạt được. “Chúng tôi cùng các anh bên Viện Khoa học giáo dục tổ chức kiểm tra, dự giờ liên tục. Nói chung, những giáo viên được chọn đều chứng tỏ được khả năng của mình trong quá trình tổ chức dạy học.

Ngược lại, giáo viên cũng đánh giá cao bộ tài liệu thí điểm. Kết thúc năm học, 56% học sinh đạt kết quả giỏi, 28% đạt kết quả khá, 12% đạt trung bình và 4% yếu”, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Hà Nội cho biết.

Song, ông Tiến cũng cho rằng, những khó khăn 8 trường thí điểm gặp phải về cơ bản chưa giải quyết được. Điều này là một thách thức lớn khi từ năm học này, Hà Nội sẽ triển khai chính thức chương trình tiếng Anh tiểu học bắt buộc.

Ông Tiến nhận xét: “So với các địa phương, Hà Nội có ưu thế về đội ngũ giáo viên tiếng Anh nhưng thực tế số giáo viên đạt yêu cầu để dạy chương trình mới không nhiều. Chế độ chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập. Đặc biệt, sĩ số học sinh/ lớp học quá đông, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dạy. Các mô hình dạy học ngoại ngữ hiệu quả thường chỉ 22 – 25 học sinh/ lớp.

Chúng tôi chỉ mong tổ chức được những lớp 30 – 35 học sinh/ lớp. Tuy nhiên, sĩ số lớp học nói chung của các trường rất đông, có nơi lên tới 50 – 60 học sinh/ lớp. Giải pháp cho khó khăn này là chia đôi lớp để học trong giờ tiếng Anh. Nhưng oái oăm thay, nơi có điều kiện về trang thiết bị dạy học (quận nội thành) thì không có phòng để chia đôi lớp; nơi có phòng để chia đôi lớp thì lại không có điều kiện về trang thiết bị dạy học”.

Hằng năm sẽ thêm hàng trăm trường tiểu học của Hà Nội tham gia chương trình dạy tiếng Anh bắt buộc. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hằng năm sẽ thêm hàng trăm trường tiểu học của Hà Nội tham gia chương trình dạy tiếng Anh bắt buộc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Loay hoay bài toán nguồn lực

Tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện Chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học bắt buộc, hôm qua, một cán bộ Phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây cũng chia sẻ:

“Giải quyết bài toán nguồn lực là vấn đề quan trọng nhất nếu năm tới chương trình triển khai chính thức. Với chương trình tiếng Anh tự chọn, các trường có thể huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh để hợp đồng thêm giáo viên nhưng với chương trình tiếng Anh bắt buộc thì không được phép. Vì thế, các trường không biết phải giải quyết thế nào khi thiếu giáo viên”.

Một cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đồng quan điểm trên khi kể lại những khó khăn trong quá trình làm việc với phòng Nội vụ ở địa phương về tuyển dụng giáo viên tiếng Anh.

“Đến nay, theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, môn tiếng Anh của tiểu học vẫn là môn tự chọn. Mặc dù chúng tôi trình phòng Nội vụ xem quyết định phê duyệt đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ ban hành tháng 9-2008, họ vẫn cương quyết không đồng ý cho chúng tôi tuyển thêm giáo viên môn này. Thu tiền học sinh để trả cho giáo viên thì không được phép”.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, trước mắt các trường vẫn phải tiếp tục chấp nhận những khó khăn trên. “Nếu Hà Nội và các thành phố lớn cứ vin vào khó khăn mà không thực hiện thì ở đâu có thể thực hiện được? Năm nay, UBND thành phố đã đưa nội dung tăng cường dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vào chương trình mục tiêu, vì thế chúng tôi hy vọng vấn đề nguồn lực cho chương trình ngoại ngữ mới sẽ dần được cải thiện” – ông Tiến nói.

Được biết, Hà Nội đang yêu cầu các quận/ huyện rà soát lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh, mỗi nơi chọn tối thiểu 5 giáo viên của 5 trường đưa đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để thi lấy chứng chỉ. Những nơi nào giáo viên đạt yêu cầu sẽ tham gia triển khai thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học bắt buộc từ năm học 2011 – 2012.

Sở GD&ĐT Hà Nội hy vọng sẽ có khoảng gần 150 trường đủ điều kiện tham gia. Ngoài ra, 8 trường năm ngoái dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3, năm nay sẽ tiếp tục thí điểm tiếng Anh lớp 4.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm học này, yêu cầu của Bộ về trình độ giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học bắt buộc sẽ nới rộng so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái, chỉ những giáo viên đạt trình độ B2 trở lên mới được dạy học thí điểm chương trình tiếng Anh bắt buộc thì năm nay, những ai đạt trình độ cận B2 hoặc từ B1 trở lên cũng được chấp nhận với điều kiện cuối năm học họ phải đạt trình độ B2.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
TPO - Dù trời giá rét nhưng các đoàn viên thanh niên thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vẫn lập điểm rửa xe để gây quỹ, nhằm có nguồn kinh phí hỗ trợ, trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.