Phát lệnh thu, thuốc kém chất lượng đã vào bụng

Thuốc kém chất lượng không được thu hồi tận gốc, người bệnh là đối tượng lãnh đủ
Thuốc kém chất lượng không được thu hồi tận gốc, người bệnh là đối tượng lãnh đủ
TP - Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm mặt hàng tân dược kém chất lượng phải thu hồi và tiêu hủy. Nhưng thực tế không ít loại thuốc khi được phát lệnh thu hồi thì người bệnh đã uống hết!
Thuốc kém chất lượng không được thu hồi tận gốc, người bệnh là đối tượng lãnh đủ
Thuốc kém chất lượng không được thu hồi tận gốc, người bệnh là đối tượng lãnh đủ . Ảnh: L.N

Bó tay

Thuốc R-Tist trị viêm xoang, viêm họng do Công ty Lupin của Ấn Độ sản xuất và thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp In. Ciprofloxacin 500mg có hạn dùng đến tháng 8-2012, do Công ty Intermedic company Limited của Hàn Quốc sản xuất đã bị Cục Quản lý Dược Việt Nam đình chỉ. Vậy nhưng, sau khi bị đình chỉ gần 30 ngày, hai loại thuốc này mới được đơn vị phân phối thu về chưa được phân nửa.

Nói về sự chậm trễ trong thu hồi, đại diện một đơn vị nhập khẩu cho biết, quy trình thu hồi thuốc kém chất lượng hiện kéo dài cả tháng, vì vậy, cơ sở bán lẻ đã bán cho người bệnh rồi thì đành… bó tay!

Chủ nhà thuốc H.T trên đường Hai Bà Trưng quận 3 nói rằng, mỗi năm nhà thuốc nhận không dưới 50 “trát” yêu cầu ngưng bán, thu hồi từ các nhà sản xuất và phân phối. Khi nhận được “trát” có loại thuốc họ đã bán hơn nửa.

“Ai biết người bệnh ở đâu mà thông báo. Hơn nữa, việc thông báo cũng không phải trách nhiệm của người bán thuốc mà do công ty sản xuất”- chị Hương, một nhân viên bán thuốc ở khu vực đường Tô Hiến Thành, quận 10 cho hay.

Theo TS Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục quản lý Dược, hiện Việt Nam có 2 viện kiểm nghiệm đạt chuẩn và 63 trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm các tỉnh, thành phố. Đây được xem là rào chắn quan trọng để giám sát sau bán hàng chất lượng thuốc thông qua việc lấy mẫu ngẫu nhiên các mẫu thuốc trong quá trình sản xuất, lưu hành trên thị trường.

Dược sĩ Nguyễn Thị Loan đang làm ở một công ty dược tại quận Tân Bình cho biết: “Trên thực tế, trước khi có lệnh thu hồi từ Cục Quản lý Dược, thuốc đã được tung ra thị trường và tiêu thụ. Vì vậy nếu có thông báo thu hồi gấp thì ít nhiều thuốc cũng đã được bán. Đó là chưa kể nhiều loại thuốc bị yêu cầu thu hồi nhưng nó vẫn được bán”.

Theo một cán bộ làm việc ở Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tại TPHCM, ở TPHCM, từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm thuốc đã mất 3-7 ngày; từ khi trình kết quả lên Sở Y tế cho đến khi Sở có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc khoảng 15 ngày.

Sau đó, mẫu kiểm nghiệm và công văn được gửi ra Cục Quản lý Dược, mất chừng 15 ngày. Vậy nên có khi phải mất 1 tháng nữa cơ quan chức năng mới có thông báo đình lưu hành thuốc.

Thuốc kém chất lượng vẫn đến tay người bệnh

Theo quy chế quản lý chất lượng thuốc, sau khi có kết quả kiểm nghiệm thuốc không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất, nhà phân phối phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở buôn bán hoặc sử dụng thuốc, đồng thời thu hồi toàn bộ lô thuốc kém chất lượng. Tuy nhiên, thuốc kém chất lượng thu hồi được ít hay nhiều, còn tiếp tục lưu hành trên thị trường hay không... thì khó mà kiểm soát được.

“Nếu thuốc được bán không hóa đơn thì cơ quan chức năng đành bó tay, vì người mua mang đi tiêu thụ ở đâu, thì có trời mới biết ”- Dược sĩ Trần Đức- Giám đốc Công ty dược T.Đ ở quận 10 nói.

Trao đổi với Tiền Phong, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh- Trưởng phòng Quản lý Dược thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết, mỗi khi nhận được yêu cầu từ Cục Quản lý Dược, Sở đều gửi ngay yêu cầu cho các đơn vị để khẩn trương thu hồi. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các đơn vị thì có khi thu hồi thuốc được nhiều, có khi thu được ít.

“Nhiều loại thuốc có khi đã bán ra cho người tiêu dùng cách thời điểm lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện kém chất lượng cả 3-4 tháng nên khi cơ quan chức năng phát lệnh thu hồi thì có lô đã không còn một viên”- Một cán bộ chuyên ngành kiểm nghiệm cho biết.

Theo người này tiết lộ thì không hiếm trường hợp khi bị phát hiện thuốc kém chất lượng, các cơ sở vi phạm tranh thủ tẩu tán thuốc để khỏi phải tốn công, tiền chi cho việc thu hồi và tiêu hủy.

Mỗi năm, lượng thuốc kém chất lượng tung ra thị trường được Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi tiêu hủy mỗi tăng lên. Từ năm 2008 đến 2009 có gần 200 lô thuốc; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Nhưng trên thực tế việc thu hồi với số lượng bao nhiêu vẫn không được công bố cụ thể. Thực tế, thuốc không đạt chất lượng vẫn đến tay người bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc đang có mặt hàng bị đình chỉ lưu hành sẽ phải giao nộp cho ai, ở đâu, người mua có được hoàn tiền hay không... Điều này, có thể, đôi khi thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi trên văn bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.