Mặt cầu Thăng Long vá nhiều tốn tiền hơn làm lại?

Mặt cầu Thăng Long vá nhiều tốn tiền hơn làm lại?
TP - Mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) nay giống chiếc áo vá. Chưa hết, vá chỗ này, chỗ khác lại rách toác.

>> Tốn 91 tỷ đồng, mặt cầu Thăng Long vẫn đầy vết nứt

Càng vá, càng nứt
Càng vá, càng nứt . Ảnh: Bảo Khanh

Ngày càng thảm hại

Có mặt nhiều giờ trên cầu Thăng Long, phóng viên Tiền Phong chứng kiến nhiều miếng vá còn mới, nhựa đường còn vương bên lề mặt cầu. Các vết nứt trên cầu khá đa dạng: Kiểu chân chim, lõm hình bầu dục... Thậm chí, có nơi mặt đường võng xuống.

Quan sát kỹ các vết hỏng trên có thể hình dung mặt cầu Thăng Long dễ bị biến dạng do tác động của thời tiết, phương tiện qua lại. So sánh nơi thảm bằng công nghệ mới với mặt thảm trước đây có thể thấy: Nơi thảm cũ có vẻ chắc chắn hơn, nhưng không mịn như công nghệ mới.

Những vết rạn, nứt biến dạng mặt cầu diễn ra đều cả hai bên phần đường, chủ yếu rơi vào khoảng bánh xe ô tô qua lại thường xuyên. Có những vết nứt sâu, chạy cắt ngang mặt cầu. Ngoài nhiều vết vá cũ, mới có thể đếm được khoảng 10 vết nứt, biến dạng mới.

Chiều 15-9, một lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2-đại diện chủ đầu tư -thừa nhận hiện trạng và cho biết ngày 20-9, vật liệu mới được chuyển về để vá tiếp.

Cục trưởng Quản lý Công trình Giao thông Đường bộ Lưu Văn Dũng nói: “Đây là công nghệ (rải thảm mới mặt cầu – PV) được áp dụng lần đầu ở Việt Nam nên sẽ tổ chức hội thảo khoa học tìm nguyên nhân chính. Thi công thảm trên mặt thép không đơn giản”.

Khi được hỏi vì sao đứng trên mặt cầu thảm bằng công nghệ mới tiền tỷ, cảm giác cầu rung và tiếng ồn lớn hơn những chỗ thảm cũ, ông Dũng nói: “Cầu Thăng Long 25-26 năm rồi”.

Vá đến bao giờ?

Trong khi nhà thầu và tư vấn, thiết kế, giám sát (Viện Khoa học Công nghệ GTVT) đổ lỗi cho nhau, mặt cầu vẫn không ngừng biến dạng. Không ít chuyên gia ngành GTVT nhận định, bản chất của sự việc có thể nằm ở khâu áp dụng công nghệ.

Theo công bố ban đầu của Viện Khoa học Công nghệ GTVT những ngày đầu khi xuất hiện các vết nứt, một số mẻ bê tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp hơn 120 C đã làm cho bê tông nhựa không đủ nhiệt để bám dính với lớp dưới.

Thực tế, hiện trạng không chỉ nằm ở một số mẻ bê tông, nhất là khi đã 4 lần vá nhưng các vết nứt vẫn xuất hiện. Nếu cứ như những gì đang xảy ra với mặt cầu Thăng Long, việc liên tục nhập vật liệu về vá, về lâu dài là không ổn. Bởi vì, cầu Thăng Long là cửa ngõ quốc tế vào trung tâm Thủ đô không thể có chuyện để mặt cầu nham nhở.

Ngoài ra, nếu vá nhiều quá (mới 4 lần sửa chữa vá mặt cầu, chi phí ước tính khoảng 4 tỷ đồng), có thể tiền mua vật liệu sẽ đội lên quá chi phí thảm lại một lớp mặt cầu mới.

MỚI - NÓNG