Di tích Trường Lũy (Quảng Ngãi):

Công trình kiến trúc dài 200 km

Công trình kiến trúc dài 200 km
TP - Hiếm có một công trình kiến trúc nào tầm cỡ hơn thế tại Việt Nam, đặc biệt đây là công trình duy nhất được xây dựng bởi cộng đồng người Kinh và đồng bào Hre từ thế kỷ 17.
Công trình kiến trúc dài 200 km ảnh 1

Khảo cổ Trường Luỹ tại Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) tháng 3-2010. Ảnh: Phú Đức

Sáng 16-4, tại Quảng Ngãi, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi họp báo cáo khoa học Chương trình nghiên cứu “Trường Lũy tại Quảng Ngãi- Bình Định: Đánh giá giá trị di sản, thách thức bảo tồn và tiềm năng phát huy giá trị di sản”.  

Theo TS Nguyễn Tiến Đông: Trường Lũy là một công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, dài xấp xỉ 200 km, từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đến huyện An Lão, tỉnh Bình Định ở phía Nam. Lũy được xếp bằng đất, gia cố đá hoặc toàn bằng đá tùy vào điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng, miền.

Đây là công trình kiến trúc cộng đồng được xây dựng bằng mồ hôi, công sức của 2 dân tộc: Kinh và Hre, điều chưa từng xảy ra trước đó. Ngày nay, người Hre vẫn duy trì truyền thống xếp đá hoàn hảo này. Cụ thể là họ đã sử dụng kỹ thuật này rất nhiều để xây tường, bờ, kè, đập, kênh mương… Đây là những minh chứng cho thấy người Hre có vai trò quan trọng trong việc tham gia cấu trúc lũy.

Xuyên suốt chiều dài của Trường Lũy có rất nhiều di tích và 115 bảo (tức đồn), mỗi bảo có từ 15-25 lính canh. Trường Lũy là một ranh giới mở, cắt ngang qua nhiều sông suối, mỗi chỗ cắt ngang có một cổng do một bảo đứng canh cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên. Chạy dọc theo Trường Lũy có một con đường cổ. Đây là một phần của đường thiên lý Bắc - Nam. Con đường này đã được sử dụng như những nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Việc khai quật Trường Lũy đã được các nhà khoa học thực hiện tại ba di tích bảo ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), gồm: Di tích Thiên Xuân, ở xã Hành Tín Đông; di tích Rồm Đồn và di tích Đèo Chim Hút ở xã Hành Dũng.

Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật gốm có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông, miền Bắc Việt Nam và gốm bản địa miền Trung có niên đại từ thế kỷ 17. Điều này cho thấy đã có sự trao đổi, buôn bán khá nhộn nhịp qua lũy vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 18 ở khu vực này.

Qua đó, cũng thêm chứng cứ để khẳng định rằng Trường Lũy ở Quảng Ngãi, Bình Định có niên đại từ thế kỷ 17 chứ không phải như nhận định lâu nay, là Trường Lũy được xây dựng vào thế kỷ 19 dưới triều vua Gia Long.

Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: Trường Lũy không chỉ có vai trò quan trọng về mặt quân sự mà còn là cầu nối giao thương quan trọng giữa các dân tộc ở Quảng Ngãi, Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và các quốc gia Đông Nam Á.

Tiến sỹ Andrew Hardy, nhìn nhận: Hiện nay sự tồn tại của Trường Lũy đang bị đe dọa bởi các hoạt động sản xuất nông- lâm nghiệp và khai thác đá làm nhiều phần lũy bị hủy hoại.

Do đó, vấn đề khẩn thiết là tỉnh Quảng Ngãi cần sớm hoàn thiện các thủ tục để công nhận Trường Lũy là di tích cấp tỉnh để có kế hoạch bảo vệ, tôn tạo và làm cơ sở trình lên cấp thẩm quyền xin  công nhận Trường Lũy là di tích quốc gia.

MỚI - NÓNG