Các kỹ sư vận hành Nhà máy thủy điện SeSan 3A. Ảnh: Quyền Thành |
Tháng Tư, thời tiết miền Bắc đang nóng dần lên. Nhưng đối với các nhà quản lý các doanh nghiệp sản xuất thì cái nóng đến sớm hơn khi mà ngành điện áp giá giờ cao điểm sáng từ 9h30 đến 11h30.
Theo lý lẽ của các nhà hoạch định chính sách, việc áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng có các mục đích hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm nhằm nâng cao tính an toàn hệ thống, giảm áp lực đầu tư nguồn và đưa giá điện phản ánh chi phí.
Các nhà sản xuất phản ứng khá gay gắt quy định giờ cao điểm (GCĐ) do lo ngại chi phí sản xuất tăng cao trong bối cảnh sản phẩm đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ cả ở thị trường xuất khẩu và trong nước.
Góp phần giúp nhà hoạch định chính sách giá điện có thêm góc nhìn, tôi xin có vài kiến nghị như sau:
Trước tiên khẳng định chủ trương áp dụng giá cao vào GCĐ nhằm hạn chế sử dụng điện vào giờ này là hợp lý. Nước ta, cả nước cùng một múi giờ, việc cả nước có các hoạt động đời sống gần như cùng đồng thời nên giờ cao điểm là không thể tránh khỏi và còn tồn tại lâu dài.
Tuy nhiên, đối tượng nào phải chịu giá cao điểm, và mức giá nào thì phải cân nhắc thêm. Tuy không có số liệu thống kê phụ tải điện hằng ngày, nhưng nhìn vào giờ cao điểm quy định có thể sơ bộ nhận định nguyên nhân gây phụ tải tăng GCĐ có vẻ là do khối phụ tải sinh hoạt và hành chính gây nên chứ không phải do khối phụ tải sản xuất.
Kinh nghiệm cho thấy, ở khối sản xuất phụ tải điện được phân bố tương đối đồng đều trong một ca làm việc.
Hiện, tiềm năng tiết kiệm điện và điều chỉnh thói quen sử dụng điện trong sinh hoạt và khối hành chính sự nghiệp còn khá lớn. Các gia đình hoàn toàn có thể điều chỉnh thời điểm sử dụng đồ dùng điện trong nhà, tránh giờ cao điểm.
Nhiều văn phòng không tận dụng ánh sáng tự nhiên khi buông rèm bật đèn chiếu sáng, không tắt điều hoà khi ra khỏi phòng và họ hoàn toàn có thể tăng công suất lạnh vào đầu giờ sau đó giảm bớt khi đến giờ cao điểm (thông tin này có được từ mặt sau của hoá đơn tiền điện do EVN phát hành.
Nếu giảm nhiệt độ đặt 10C có thể tiết kiệm được 10 phần trăm điện năng tiêu thụ của điều hoà nhiệt độ). Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất, điều chỉnh việc sử dụng điện hay thay đổi giờ sản xuất ở khối này gặp nhiều khó khăn, bất lợi.
- Tại cuộc họp báo ngày 26/3, quan chức Bộ Công Thương cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tác động thực tế tại doanh nghiệp sau khi có thông tin từ hoá đơn tiền điện tháng Ba sẽ xem xét quyết định. - Giờ cao điểm sáng và tối hiện nay gần trùng giờ các gia đình nấu cơm (trưa, tối), bật truyền hình, máy đun nước nóng, quạt (tối) và giờ sử dụng máy điều hoà nhiệt độ ở cơ quan, văn phòng (cao điểm sáng). |
Phụ tải điện ở nước ta đang tăng nhanh, công suất đáy của hệ thống điện trong 4-5 năm tới sẽ bằng công suất đỉnh của hiện tại. Vì thế giá điện giờ cao điểm chỉ nên tính phần chi phí biến đổi, không tính phần chi phí đầu tư công suất phủ đỉnh.
Hiện nay, giá trị phần sản phẩm nước ta xuất khẩu chiếm 60 -70 phần trăm GDP về lâu dài tỷ lệ này vẫn cao. Cạnh tranh để xuất khẩu hàng hoá vào các nước phát triển của các nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippine… là rất khốc liệt.
Sự hỗ trợ chung của cả nền kinh tế cho bộ phận sản xuất hàng xuất khẩu là cần thiết để duy trì thị phần xuất khẩu (đằng sau nó là công ăn việc làm, tích lũy ngoại tệ mạnh...).
Từ các nhận định này, đề nghị các nhà làm chính sách giá điện cân nhắc:
1. Trước mắt, mở rộng diện áp dụng giá điện GCĐ sang khối các cơ quan hành chính sự nghiệp (trừ bệnh viện, nhà trẻ, trường học và chiếu sáng công cộng) để tăng khả năng điều hoà phụ tải GCĐ. Nghiên cứu áp dụng giá GCĐ với khối phụ tải sinh hoạt.
2. Nghiên cứu giảm giá GCĐ cho khối sản xuất, tăng giá điện GCĐ với khối kinh doanh dịch vụ.
3. Nghiên cứu áp dụng giá điện hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Rộng và cao hơn, cần thiết phối hợp với các đơn vị truyền hình sắp xếp lịch tránh phát sóng các chương trình hay vào GCĐ...
Lê Nguyễn Minh - Phụng Quốc
Hà Nội