Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định sẽ xỏa bỏ tình trạng ông chủ sở hữu nhiều đội bóng. |
Vấn đề được báo chí quan tâm trong cuộc họp trao đổi thông tin với các lãnh đạo VFF sau Đại hội BCH của tổ chức này chiều nay chính là việc giải quyết tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng. Về vấn đề này, người đứng đầu VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ cho hay: “Theo lộ trình, đến năm 2013 chúng tôi sẽ áp dụng quy định cấm một người vừa sở hữu một đội bóng, vừa tài trợ cho một đội bóng khác cùng thuộc một giải đấu có lên xuống hạng. Cũng xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã sửa đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Điều 14 của quy chế có ghi rõ việc cấm này”.
“Ngay khi có kết luận của thanh tra của Bộ VH-TT&DL xung quanh vấn đề trên, chúng tôi sẽ áp dụng ngay. Mọi người cũng nên thông cảm rằng thời gian trước, do điều kiện xã hội hóa bóng đá của Việt Nam, nhiều khi chúng ta không thể nào từ chối các khoản tài trợ lớn” - ông Hỷ nói thêm.
Theo như tiết lộ của vị chủ tịch VFF thì từ mùa tới, sẽ không còn cảnh Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng cùng của bầu Hiển đội tung, đội hứng về mặt thành tích, còn các đội bóng khác nói theo chủ tịch CLB CLB Sài Gòn XT Nguyễn Đức Thụy đều trở thành “quân xanh” của 2 đội bóng của bầu Hiển.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm là chuyện VFF sẽ có những hỗ trợ cho các CLB trong nước ở giai đoạn khó khăn hiện nay. Ông Hỷ nói: “Hôm qua, VPF đã đưa ra các mức hỗ trợ cho các đội bóng dự 2 giải V-League và hạng Nhất. Hôm nay, VFF đã thông qua bằng cách biểu quyết. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, những hỗ trợ như thế được xem là rất quý”.
Riêng chuyện khống chế mức lượng trần cho của các cầu thủ ở các CLB, lãnh đạo VFF cho biệt họ chỉ mới khuyến cáo các đội bóng không nên trả lương quá cao, có thể làm ảnh hưởng chung đến mặt bằng của bóng đá Việt Nam, chứ chưa đưa ra mức lượng trần cụ thể ngay ở mùa bóng tới.
Đại hội đã bầu thêm chức danh Phó Chủ tịch VFF. |
Cũng trong Đại hội BCH VFF diễn ra hôm nay, trước phản ứng liên tục của các CLB chuyên về đào tạo nhân tài trong suốt nhiều mùa bóng qua, VFF đã sửa đổi quy định về độ tuổi cầu thủ có thể chuyển nhượng tự do.
Theo đó, từ mùa bóng tới, độ tuổi để các cầu thủ được tự do chuyển CLB sau khi hết hợp đồng là 25 tuổi, thay vì 23 tuổi như các năm trước. Đây được xem là động thái nhằm làm giảm tình trạng “giật” cầu thủ và hét giá cầu thủ vô tội vạ của một vài đội bóng.
Riêng chuyện cấp phép hoạt động cho các CLB, theo quy chuẩn của AFC được công bố là chưa thể thực hiện vì đặc thù của bóng đá Việt Nam hiện không giống các nước châu Á khác. Vả lại, với tình cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn bỏ bóng đá mà đặt ra các tiêu chuẩn quá khắt khe ngay từ lúc này, thì chẳng khác nào những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam đang làm khó các đội bóng, làm khó chính mình.
Theo tiết lộ của những người trong cuộc, thì phải sau hội thảo bóng đá chuyên nghiệp với sự tham dự của 28 chủ tịch CLB, nhà quản lý địa phương, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, TC TDTT, cùng sự tham gia của các nhà kinh tế, người ta mới đặt ra chuyện có cấp phép theo đúng tiêu chuẩn hay không.
Cũng tại Đại hội BCH VFF hôm nay, cơ quan điều hành cao nhất của bóng đá Việt Nam chính thức có thêm 1 phó chủ tịch (PCT) mới và 1 ban mới.
PCT mới của VFF là ông Phạm Văn Tuấn – hiện đang là phó tổng cục trưởng TC TDTT. Ông Tuấn sẽ làm việc ở VFF theo dạng bán chuyên trách. Sau khi ông Tuấn làm PCT VFF, tổ chức này có 4 PCT và 24 ủy viên BCH.
Ban mới của VFF vừa được thông qua là Ban giải quyết tranh chấp của VFF, với nhiệm vụ chính là giải quyết các tranh chấp trong việc chuyển nhượng cầu thủ giữa các CLB.
Theo Dân Trí