VPF tiếp tục khiếu nại

Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có kết luận, song cuộc chiến bản quyền TH vẫn chưa đi đến hồi kết Ảnh: VSI
Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có kết luận, song cuộc chiến bản quyền TH vẫn chưa đi đến hồi kết Ảnh: VSI
TP - Hôm qua (17-2), đúng như tuyên bố trước đó của Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, VPF gửi khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ về kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL đối với hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN giữa VFF với AVG.

> VPF có quyền khiếu nại

Trích dẫn các điều khoản cụ thể trong Điều lệ VFF, Luật Thể dục Thể thao, Luật dân sự…VPF đã khiếu nại ba nội dung chính trong Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Một là quyền của VFF đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức và có thẩm quyền ký kết hợp đồng của VFF.

VPF khẳng định, kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, VFF có quyền sở hữu và toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức là không đúng.

Hai, căn cứ theo khoản 3, khoản 4, Điều 35 Luật Thể dục, Thể thao và Điều 1 Luật Quản lý, Sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 ngày 3-6-2008, VPF khẳng định việc VFF bán toàn bộ thương quyền của các ĐTQG không thông qua đấu giá là vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về bán tài sản nhà nước.

Ba, VFF có chủ trương ký bán thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN và thương quyền các ĐTQG với thời hạn 20 năm mà không thông báo công khai đến các Đài truyền hình quốc gia VN (VTV) và các đài truyền hình khác gây thiệt hại lớn cho bóng đá VN.

“Mặc dù theo pháp luật hiện hành chưa có quy định nào hạn chế thời hạn hợp đồng, nhưng việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ thu được 6 tỷ đồng một năm cho tất cả các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các trận đấu của các ĐTQG Việt Nam và hằng năm chỉ tăng 10% trong suốt 20 năm. Theo chúng tôi đây là một sự thiệt hại rất lớn cho bóng đá VN vì việc thực hiện bán thương quyền này không được công khai, minh bạch, rộng rãi cho tất cả các đối tác có nhu cầu”, văn bản khiếu nại của VPF nêu.

VPF cũng khẳng định sau khi thành lập đã liên hệ với Đài truyền hình VN (VTV) và nhận được sự ủng hộ, cam kết nguyên tắc hợp tác với quyền lợi đem lại cho bóng đá VN cao hơn nhiều lần so với quyền lợi VFF đạt được thỏa thuận với AVG.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết: “Tất cả những gì cần nói VPF đều nói cả rồi. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là đem lại lợi ích tốt nhất cho bóng đá VN. Chúng tôi hoàn toàn không muốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh như thế này. Nhưng đây là việc bắt buộc phải làm”.

Cũng trong ngày hôm qua, VFF đã có công văn số 90/2012-CV/LĐBĐ do Phó CT Nguyễn Lân Trung ký gửi tới VPF, các CLB bóng đá chuyên nghiệp, các Ban tổ chức trận đấu của các CLB yêu cầu thực hiện nghiêm túc hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa LĐBĐVN và AVG.

Ngoài ra, VFF có công văn số 89/2012-CV/LĐBĐ gửi tới các đài truyền hình Trung ương và địa phương đề nghị tôn trọng hợp đồng mà LĐBĐVN đã ký với AVG. Các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình các giải bóng đá thuộc VFF (bao gồm các giải bóng đá chuyên nghiệp) cần phải đạt được sự thỏa thuận và xác nhận bằng văn bản của An Viên.

Trả lời Tiền Phong về việc có hay không ghi hình, phát sóng các trận đấu ở vòng sáu Super League diễn ra cuối tuần này, Giám đốc Kênh thể thao VTC3, Đài truyền hình kỹ thuật số VN (VTC) Vũ Quang Huy cho biết, sẽ làm việc với VPF trước khi quyết định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.