Thai League đã vượt V-League?

Thai League đã vượt V-League?
Chỉ trong 2 năm qua, bóng đá Thái Lan với thương hiệu Thai League (T.L) đã phát triển một cách vượt bậc, từ số lượng CLB, mức đầu tư, cách làm bóng đá chuyên nghiệp, đến khán giả vào sân... Bấy lâu, chúng ta luôn tự hào về một một giải V.League số 1 Đông Nam Á nhưng thật sự Thai League hiện đang là mối đe dọa rất lớn.

T.L theo hướng ngoại hạng Anh

Phong thái của T.L đang được xây dựng theo con đường của bóng đá ngoại hạng Anh với khán đài sát sân, không đường pitse, sân vận động nhiều màu sắc, khán giả mua vé theo năm... đặc biệt là tên gọi cũng rất Anh: Thai Premier League.

Sau 16 năm kể từ khi bắt đầu (1996), lượng CLB tham gia T.L ngày càng gia tăng theo từng năm, từ 12 đội, rồi 16 và giờ đây, mùa giải năm 2011 đã được nâng lên 18 đội. Giải T.L vì thế mà phải chia thành 2 giai đoạn, từ tháng 2 đến tháng 6/2011 và từ cuối tháng 7 đến tháng 11/2011.

Các CLB T.L hầu như đều đã có sân vận động riêng do chính CLB đầu tư theo qui định và một số còn được đặt tên theo nhà tài trợ, trong đó có thể kể những sân vận động của Muangthong United - sân Yamaha; Buriram PEA - sân I-mobile; TOT - sân TOT... Tuy nhiên, do là sân chỉ dành cho bóng đá nên số lượng chỗ ngồi của khán đài không quá lớn, chỉ vào khoảng 15.000 chỗ trở lại.

Mức đầu tư cho các CLB ở T.L hiện cũng rất lớn, không hề thua kém V.League nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển rộng khắp của T.L cũng như thu hút nhiều cầu thủ nổi tiếng về khoác áo CLB thi đấu. Được biết, những CLB lớn mạnh như Muangthong United hay Buriram PEA đã bỏ số tiền cực lớn vào khoảng 150 triệu Baht Thái (tương đương 104 tỷ đồng VN) cho một mùa giải. Những CLB ít tiền hơn thì dao động từ 70-100 triệu baht Thái (tương đương 48 tỷ - 70 tỷ đồng VN). Ngoài ra, CLB còn nhận được sự tài trợ của những thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Suzuki, Chang Beer, Tập đoàn xi măng Siam...

Chưa kể, các CLB tại T.L đã và đang liên kết với nhiều CLB nổi tiếng trên thế giới để mở Học viện bóng đá tại Thái Lan nhằm tạo một tuyến trẻ kế thừa chuyên nghiệp cũng như muốn đưa bóng đá Thái Lan ra khỏi biên giới, đến với nhiều nền bóng đá tiên tiến hơn. Hiện đã có nhiều học viện đang hoạt động như Học viện Beckenbauer, học viện Effenberg, học viện Arsenal-JMG Chonburi, học viện Leicester FC của Buriram PEA... cũng như đã có nhiều cầu thủ trẻ được đưa ra nước ngoài đào tạo một cách bài bản.

Ăn chắc mặc bền

Chính nhờ cách làm chuyên nghiệp và có tính ổn định, định hướng lâu dài mà nhiều nhân vật nổi tiếng đã tìm đến với bóng đá Thái Lan. Đầu tiên phải kể đến chính là người quen của chúng ta, cựu HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto. Vị HLV người Bồ đã bỏ 2 năm hợp đồng còn lại với bóng đá VN để tìm đến với môi trường bóng đá mới tại Thái Lan bởi, theo ông, ở đây ông cảm thấy mình được làm việc chuyên nghiệp và quan trọng là sự định hướng lâu dài với những mục tiêu cao hơn.

Nhân vật thứ 2 là cựu cầu thủ Liverpool 36 tuổi - Robbie Fowler cũng vừa gia nhập đội bóng của ông Calisto - Muangthong United với mức chuyển nhượng 660.000 USD/năm. Trước đó, CLB này cũng đã chiêu mô thành công hậu vệ 27 tuổi từng khoác áo Fullham - Zesh Rehman.
Chưa hết, với những chế độ đãi ngộ cao và sự phát triển không gừng của T.L mà hàng loạt ngôi sao Thái Lan đang chơi bóng ở VN cũng đã quay về quê nhà để thi đấu như Niweat, Thonglao...

Để có được những nhân vật đáng chú ý như thế, ngoài tiền nhiều thì bóng đá Thái Lan còn cần cả việc thuyết phục với mọi người được rằng, họ làm bóng đá chuyên nghiệp bài bản và nghiêm túc. Và họ đã làm được điều đó, dù đã phải trải qua hơn 15 mùa giải nhiều khó khăn.

V.League vẫn tưng bừng nhưng dường như đang chựng lại vì nhiều nguyên nhân. Nếu không kịp chấn chỉnh, e rằng chúng ta sẽ phải nhường vị trí số 1 cho Thai Premier Leagu trong một ngày không xa.

Theo Thể thao TPHCM

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.