> Vùng núi phía Bắc nhiều nơi rét hại dưới 10 độ C
Giữ ấm thôi, chưa đủ!
BV Nhi T.Ư những tháng cuối năm tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện, chủ yếu là viêm hô hấp. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng có biến chứng do viêm đường hô hấp trên gây ra như: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi… Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, cái lạnh tuy không “hoành hành” nhưng đây cũng là thời điểm bệnh viêm hô hấp trở nên đáng ngại.
Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết: “Cứ tầm tháng 12, trẻ nhập viện do bệnh liên quan đến hô hấp sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng hô hấp và bệnh dị ứng đường hô hấp”.
Trong khi đó, nhiều bà mẹ có con nhỏ hễ đến gần Tết là chuẩn bị sẵn tâm lý con mình sẽ bị… khò khè. Chị Trương Thu Lan (Giáo viên, Q.3, TPHCM) chia sẻ: “Tôi nhớ đến tầm Noel, trời lạnh lạnh là bé con nhà tôi lại sổ mũi, bản thân tôi nhiều khi cũng sụt sịt, năm nào cũng như năm nấy”. Thật ra, biểu hiện sổ mũi xoàng xĩnh mà nhiều người thường gặp trong mùa lạnh có thể là dấu hiệu của viêm hô hấp. Có hai loại bệnh hô hấp thường gặp trong mùa này là viêm hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng) và viêm mũi dị ứng do tiếp xúc với không khí, môi trường, vật nuôi… không đảm bảo vệ sinh.
Điều đáng nói là, khi trẻ gặp phải tình trạng trên, các bà mẹ chỉ chăm chăm ủ ấm cho trẻ. Thậm chí, vì ngại lạnh, nhiều trẻ được “miễn” tắm, bỏ qua hẳn khâu vệ sinh tay chân như thường lệ. Trong khi đó, trời lạnh không làm cho các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong môi trường xung quanh giảm đi mà còn gia tăng khả năng sinh sôi của chúng. Như vậy, ủ ấm mà không chú ý đến vệ sinh, chẳng khác nào… ủ bệnh.
Rửa tay - “vacxin” rẻ tiền nhưng hiệu quả
Trẻ khi bị viêm hô hấp, thường gắn liền với triệu chứng sổ mũi. Dịch mũi về bản chất là một dịch bảo vệ mũi nhưng nó cũng là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi chứa rất nhiều mầm bệnh. Trong khi đó, trẻ lại có thói quen ngoáy mũi, nhiều trẻ còn thích bú tay. Lúc này, bàn tay là một ổ vi trùng. Khi bố mẹ lơ là hoặc cho rằng: rửa tay, trẻ nhiễm lạnh, dễ bệnh thì lúc này, nguy cơ vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể là rất cao.
Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh, trước tiên là rửa tay sạch sẽ. Đây được xem là loại “vắc xin” rẻ tiền nhưng hiệu quả, luôn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo để ngừa bệnh nhiễm khuẩn. Để đảm bảo vi khuẩn không có cơ hội gây bệnh thì nên dùng nước rửa tay diệt khuẩn vì rửa tay đơn thuần dưới vòi nước sạch không “rửa trôi” hoàn toàn lớp vi khuẩn bám dày đặc trên da. Và, rửa tay thôi chưa đủ, phải vệ sinh toàn thân sạch sẽ.
Nên nhớ, để tránh cái lạnh, cha mẹ nên đảm bảo trẻ được ở phòng kín, nhiệt độ trong phòng ấm, trẻ khỏe mạnh thì mới tắm rửa, vệ sinh cho trẻ hằng ngày. Việc tắm bằng sữa tắm diệt khuẩn sẽ đảm bảo cơ thể an toàn với vi khuẩn từ đầu đến chân. Sau khi tắm, lau sạch và mặc quần áo ấm cho trẻ.
Mùa lạnh cũng trùng với nhiều dịp lễ hội, gần nhất là Noel và tết Dương lịch. Khi này, trẻ không thể bỏ qua các hoạt động vui chơi bên ngoài. Các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi đưa trẻ chơi ngoài, tránh đến những nơi đông đúc quá lâu để hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh không mong muốn.