Thực phẩm chức năng: Nơi thần thánh hóa, nơi tẩy chay

Thực phẩm chức năng: Nơi thần thánh hóa, nơi tẩy chay
TP - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Nhiều nơi đang thần thánh hóa thực phẩm chức năng nhưng có nơi lại tẩy chay, đều do các quan niệm không đúng”.

> Yêu cầu quản lý chặt quảng cáo thực phẩm chức năng
> Cấm quảng cáo thực phẩm bằng bài viết của bác sĩ

Bác sĩ chưa được kê đơn TPCN dù đã có đề xuất. ảnh: L.N
Bác sĩ chưa được kê đơn TPCN dù đã có đề xuất. ảnh: L.N.

Tại hội thảo “Thực phẩm chức năng: vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM hôm qua 30/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Nhiều nơi đang thần thánh hóa thực phẩm chức năng nhưng có nơi lại tẩy chay, đều do các quan niệm không đúng”. 

Từ một vài sản phẩm nhập khẩu vào năm 2000, đến nay Việt Nam có hơn 10 nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cả nước hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN và năm sau tăng hơn năm trước. Trong hơn 10 nghìn sản phẩm thì 40% là TPCN nhập khẩu.

“Do chưa hiểu đúng, hiểu đủ về loại thực phẩm này nên nhiều người dân, thậm chí cả nhà sản xuất đã thần thánh hóa TPCN và có nơi lại tẩy chay TPCN là quan niệm không đúng”- bà Tiến nói.

Tuy nhiên, việc bùng nổ TPCN diễn ra trong 4 năm trở lại đây tại Việt Nam khiến việc quản lý vẫn còn nhiều rối rắm. TS Nguyễn Thanh Phong- Cục phó Cục An toàn thực phẩm cho biết, dù Bộ Y tế đã ban hành 5 văn bản về quản lý TPCN, nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Theo ông Phong chỉ trong tháng 10/2013, Bộ Y tế, Cục ATTP thanh tra, kiểm tra 95 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN, xử phạt 48 cơ sở với số tiền hơn 700 triệu đồng, trong đó có 43 cơ sở vi phạm về quảng cáo.

Theo ông Phong, với các sản phẩm TPCN nhập khẩu phải có giấy lưu hành hoặc chứng nhận y tế được lưu hành ở nước sản xuất cùng kết quả kiểm nghiệm. Tuy nhiên, nhiều TPCN hiện nay được nhập khẩu vào VN có cả hàng lậu, nhiều sản phẩm chưa công bố chứng nhận lưu hành; chứng nhận hết hạn vẫn sản xuất; sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện vệ sinh; sản phẩm không đúng như chất lượng công bố; quảng cáo không đúng sự thật...

Ông Phong cho rằng, sự tư vấn của cán bộ y tế là vô cùng cần thiết và có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng: “Khi người dân chưa nắm đầy đủ thông tin thì sự hướng dẫn của những người có chuyên môn là cách tốt nhất giúp họ hiểu đúng, dùng đúng TPCN”.

Kê đơn với TPCN tại VN là điều còn mới mẻ, thực tế ở các nước EU trước đây không cho ghi bất kỳ tác dụng nào trên nhãn nhưng bác sỹ được kê đơn, hướng dẫn. Gần đây là Hà Lan, Thuỵ Điển đã thay đổi quan điểm. Một số nước cho ghi tác dụng trên nhãn nhưng bác sĩ không kê đơn, trong đó có Việt Nam.

Hiện Việt Nam cấm bác sĩ kê đơn TPCN trong đơn thuốc, tuy nhiên nhiều chuyên gia đề xuất có thể bác sĩ được kê đơn ở sổ y bạ, hoặc đơn phụ. Không cho bác sĩ kê đơn, hướng dẫn khiến cho người sử dụng TPCN biết được sản phẩm qua quảng cáo, truyền miệng và thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.