Biến chứng thận do đái tháo đường: Nguy hiểm và tốn kém

Biến chứng thận do đái tháo đường: Nguy hiểm và tốn kém
TP - Đái tháo đường (ĐTĐ) là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu chu kỳ, một biến chứng được coi là nguy hiểm và tốn kém nhất ở các BN ĐTĐ. Tại Mỹ, năm 1997, chi phí cho điều trị các BN ĐTĐ bị suy thận giai đoạn cuối đã vượt quá 15,7 tỷ đô la Mỹ.

> Nguy cơ tử vong của bệnh nhân tiểu đường
> Mất thính lực liên quan tới bệnh tiểu đường

Gây tổn thương thận ?

Ở người ĐTĐ, đường máu tăng cao dẫn đến lượng máu đến thận quá lớn, thận phải làm việc (lọc) quá mức. Sau 1 thời gian dài phải làm việc trong tình trạng quá mức này hệ thống lọc bắt đầu bị tổn thương, các lỗ lọc trở nên to hơn dẫn đến nhiều Protein hữu ích bị lọt ra ngoài (bình thường lỗ lọc nhỏ hơn kích thước protein và tế bào hồng cầu).

Lúc đầu chỉ là 1 lượng nhỏ protein xuất hiện trong nước tiểu (< 300mg/ngày), và nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này thì rất có hiệu quả, chức năng thận sẽ không bị giảm hơn.

Nếu không điều trị các tổn thương thận sẽ ngày càng nặng hơn, hậu quả là có nhiều hơn protein lọt ra nước tiểu, chức năng thận suy giảm dần.

Cuối cùng thận bị mất hoàn toàn chức năng gọi là suy thận giai đoạn cuối, điều này đồng nghĩa với việc nồng độ các chất thải độc hại trong cơ thể như ure, creatinin tăng lên rất cao, đe dọa tính mạng người bệnh ĐTĐ.

Quá trình tổn thương này có thể tiến triển nhanh hơn nếu người bệnh có cả tăng huyết áp.

Bệnh nhân ĐTĐ nào dễ bị biến chứng thận

Ngoài tăng đường máu và tăng huyết áp thì 1 số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị biến chứng thận như BN bị ĐTĐ lâu từ khi còn trẻ hoặc ĐTĐ týp 1, hút thuốc lá, có bệnh thận khác đi kèm như sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu... Ngược lại, những BN được kiểm soát tốt cả đường máu và huyết áp thì nguy cơ bị biến chứng thận là rất thấp.

Thông thường, nếu không được điều trị thì thời gian từ khi bắt đầu có protein niệu tới khi có suy thận là khoảng 10 - 15 năm. Theo các thống kê, có khoảng 20 - 40% các BN ĐTĐ sẽ bị biến chứng thận, trong đó có nhiều BN ĐTĐ týp 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện ĐTĐ, còn với BN ĐTĐ týp 1 thì sau 10 năm bị bệnh có khoảng 50% số BN đã có suy thận giai đoạn cuối, và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%.

Tại các khoa thận, khoảng 40% số BN đang phải chạy thận nhân tạo là do biến chứng thận của ĐTĐ.

Các triệu chứng và chẩn đoán biến chứng thận

Các triệu chứng của suy thận giai đoạn đầu thường không đặc hiệu như phù, mất ngủ, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và giảm trí nhớ, HA cao.

Một số BN bị tổn thương thận nặng gây mất quá nhiều protein ra nước tiểu (trên 3,5g/24h), nên lượng protein trong máu quá thấp không thể giữ dịch ở lại trong lòng mạch máu, hậu quả là dịch bị thoát ra ngoài làm BN bị phù rất to toàn thân, có cổ chướng và có thể cả tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim… gọi là hội chứng thận hư.

Nếu không được điều trị tốt thì các BN có suy thận và/hoặc hội chứng thận hư sẽ dần tiến triển nặng lên thành suy thận giai đoạn cuối. Những BN này thường có phù nhiều, HA rất cao và khó kiểm soát, thiếu máu nặng, thiểu niệu hoặc vô niệu. Thời gian trung bình tiến triển từ lúc bắt đầu suy thận đến khi có suy thận giai đoạn cuối là 5-6 năm.

Ngăn ngừa và điều trị biến chứng

Biến chứng thận hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường máu và các yếu tố nguy cơ. Theo khuyến cáo, tất cả các BN ĐTĐ cần làm xét nghiệm protein niệu ít nhất 6 tháng/lần và nếu protein niệu (+) thì phải có kế hoạch điều trị tích cực ngay để ngăn ngừa biến chứng thận nặng lên.

Kiểm soát tốt đường máu:

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của điều trị tích cực ĐTĐ bằng kết hợp các biện pháp như chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc có thể làm giảm đến 1/3 nguy cơ xuất hiện protein niệu vi thể, giảm 1/2 nguy cơ tiến triển từ protein niệu vi thể thành protein niệu đại thể, và làm chậm tiến triển của suy thận.

Điều trị tăng HA:

Một nghiên cứu trên các BN đã có biến chứng thận trong 16 năm cho thấy điều trị kiểm soát tốt HA có thể làm giảm tỉ lệ BN suy thận giai đoạn cuối từ 73% xuống 31%.

Chế độ ăn:

Những BN đã có suy thận nên thực hiện chế độ ăn giảm chất đạm vừa phải (0,6 - 0,8g protein/kg thể trọng/ngày) với mục đích để thận ít phải làm việc hơn và ít mất protein qua thận hơn.

Điều trị suy thận:

- Những BN có suy thận nặng hoặc có hội chứng thận hư cần được nhập viện để đánh giá và có kế hoạch điều trị tích cực cũng như được tư vấn về chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, khả năng cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

- Khi BN đã có suy thận giai đoạn cuối, thận mất gần như hoàn toàn chức năng thì điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu chu kỳ (2 - 4 lần mỗi tuần) là cần thiết để duy trì cuộc sống cho BN. Một phương pháp điều trị thay thế khác rất hiệu quả và rất phổ biến ở nước ngoài là ghép thận nhưng chưa được thực hiện nhiều ở nước ta.

BS Nguyễn Quang Bảy
Phó Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG