Không còn nước để tát

Không còn nước để tát
TP - Hôm 21-2, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đồng thuận lần thứ hai chìa tay cứu vớt đất nước của các vị thần - Hy Lạp. Có nghĩa là Athens xóa được hơn 53% số nợ công và còn được vay thêm 130 tỷ euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

> EU thông qua gói tài chính thứ 2 cứu Hy Lạp

Tuy vậy, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ chỉ tạm thời bị đẩy lùi, bởi bơm thêm tiền không thể giải quyết tận gốc các vấn đề của nền kinh tế nước này.

Hiện giờ, kinh tế Hy Lạp giống như người bệnh thập tử nhất sinh và các bác sỹ gần như không có phương thuốc cứu chữa mà chỉ còn dùng mọi cách kéo dài sự sống trong khi cầu nguyện cho một “phát minh y học” ra đời trước khi con bệnh kết thúc bi thảm.

Nhận thức được “sức khỏe” nền kinh tế Hy Lạp đang tệ như thế nào, các chủ nợ của nước này đã phải cắn răng xóa đi 53,5% của số nợ 206 tỷ euro nhằm hy vọng giảm mức nợ công của Athens xuống còn 120,5 % GDP vào năm 2020. Để đổi lại, Hy Lạp sẽ được IMF bơm tiền nhằm có vốn làm ăn mà trả nợ.

Ít nhất, theo các chuyên gia, đất nước của các vị thần sẽ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ trong 4-5 năm nữa.

Rõ ràng đây là viên thuốc đắng không chỉ con nợ mà cả chủ nợ cũng buộc phải nếm. Chẳng thế mà lãnh đạo Hy Lạp gần như chịu trận khi gần như cả châu Âu lên tiếng chỉ trích nước này vì không đưa ra được biện pháp thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng. Tức là nghèo nhưng vẫn chưa hết hoang.

Chưa hết. Dân châu Âu chắc chắn sẽ còn của đau con xót mà gạt bỏ sự sợ hãi hay tôn sùng trước những ông thần đầy quyền năng trong thần thoại Hy Lạp để chửi mắng con cháu các ông tội hoang phí, “tinh ăn mù làm”: Khi các ngân hàng tư nhân chủ yếu của Pháp và Đức buộc phải xóa hơn một nửa số nợ cho Hy Lạp, họ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với chính những chủ nợ của mình, là các doanh nghiệp và cá nhân gửi tiền vào ngân hàng.

Đang có lo ngại về một cuộc khủng hoảng trên toàn bộ hệ thống tài chính của châu Âu và Đức, Pháp, hai đầu tàu của EU, sẽ không còn cách nào khác là phải bơm tiền vào thị trường tài chính của họ.

Nhưng trong khi châu Âu đang tiếp tục bàn thảo những bước đi tiếp theo để cứu vớt “tính mạng” của bệnh nhân mang tên Hy Lạp, đã có một số học giả cho rằng tình hình “chẳng còn chút nước nào để tát nữa”.

Vì xét theo góc độ nào đó, Hy Lạp đã vỡ nợ. Bởi vỡ nợ, đơn giản nhất là việc không trả được nợ đáo hạn trong khi các biện pháp cứu chữa lúc này có lẽ chỉ còn “mang tính kỹ thuật”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG