Đại sứ Sean Doyle đã nói như trên trong cuộc trao đổi với PV báo Tiền Phong bên lề cuộc họp báo của Phái đoàn EU sáng 2-6 tại Hà Nội để công bố bản Báo cáo thường niên về Hợp tác phát triển của EU tại Việt Nam 2011. Nhận xét nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hiện nay trong việc chống tình trạng đô la hóa nền kinh tế, ông Doyle cho rằng, các nỗ lực đó của chính phủ là cần thiết để tăng giá trị của tiền đồng Việt Nam. Thời gian qua, đồng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều khiến việc kiểm soát số ngoại tệ này gặp khó khăn nhất định. Các nỗ lực nhằm kiểm soát vốn ngoại tệ và chống buôn bán USD tại chợ đen là việc làm cần thiết để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Đại sứ Sean Doyle nói rằng, lạm phát của Việt Nam hiện ở mức cao như của Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam một mặt cắt giảm chi tiêu công cũng cần cắt bỏ trợ cấp đối với một số ngành công nghiệp, để đảm bảo giá sản phẩm đạt mức gần với giá thị trường. Có như vậy mới tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các nhà đầu tư.
Về bẫy thu nhập trung bình, ông Doyle cho rằng, khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, cần tránh hai nét đặc trưng của bẫy thể hiện ở chỗ nền kinh tế kém hiệu quả và tệ nạn tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đang chống lại cả hai đặc điểm này của bẫy thu nhập trung bình. Biểu hiện ở chỗ chính phủ đang áp dụng nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp nhà nước làm việc hiệu quả hơn thông qua cổ phần hóa. Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực của chính phủ đều đã đạt được hiệu quả như mong muốn, nhất là trong chống tham nhũng. Hy vọng cuối năm nay, các nỗ lực trên sẽ có kết quả tích cực, giúp tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư. Để Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020, Việt Nam cần duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ở mức từ 7% đến 8% mỗi năm trong 7 hoặc 8 năm liên tục, ông Doyle nói.
Trong Báo cáo thường niên về hợp tác phát triển của EU tại Việt Nam được công bố trong cuộc họp báo, EU vạch ra các định hướng chính sách phát triển chính, chủ yếu là xóa đói giảm nghèo, cung cấp dữ liệu cụ thể về giải ngân và cam kết của EU về tài trợ phát triển tại Việt Nam. EU nhấn mạnh, nếu muốn đạt được tất cả mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) Việt Nam cần giải quyết tốt khoảng cách giàu nghèo, các nhóm người thiệt thòi phải được chú ý đặc biệt hơn bao giờ hết và Việt Nam vẫn cần nhiều hỗ trợ cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững.
Đại sứ Sean Doyle khẳng định, EU cam kết đầy đủ đối với các nỗ lực quốc tế nhằm xóa nghèo thông qua hỗ trợ phát triển và tăng hiệu quả viện trợ bằng việc điều phối tốt hơn và hài hòa hóa hợp tác phát triển của các quốc gia thành viên EU và nhà tài trợ. EU hy vọng Khung chiến lược ODA của Việt Nam sẽ xác định các định hướng chiến lược và chỉ dẫn để đảm bảo hiệu quả cao nhất của hỗ trợ phát triển trong giai đoạn 2011-2015.