Ảo giác đập đá

Ảo giác đập đá
TP - Trong những bệnh nhân điều trị tại Cơ sở TVN, có những người đã thử cảm giác lạ ở tuổi 14-15. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có chung tính bồng bột, bốc đồng.

> Chuyện đại ca và người nổi tiếng cai nghiện

Giám đốc Trần Ngọc Oai (mặc áo cộc tay) xem ti vi cùng một số bệnh nhân cai nghiện. Ảnh: K.N-T.V
Giám đốc Trần Ngọc Oai (mặc áo cộc tay) xem ti vi cùng một số bệnh nhân cai nghiện. Ảnh: K.N-T.V.

Ánh hào quang sớm tắt

Trong số những người cai nghiện ở Cơ sở TVN mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trường hợp của anh Thanh (31 tuổi, trú tại Hà Nội) là đáng tiếc nhất. Thanh cho biết mình từng là một vận động viên thể thao tài năng.

“Năm 14 tuổi, tôi được chọn học trường năng khiếu, sau vài năm miệt mài tập luyện, tôi đoạt HCV quốc gia. Khi đó tôi được đánh giá là một vận động viên có nhiều triển vọng và cứ đà này sớm muộn sẽ trở nên nổi tiếng. Trước những nhận xét như vậy, tôi thấy mình phấn chấn, lâng lâng. Thế nhưng thay vì tiếp tục phấn đấu để đi theo con đường sáng, tôi lại vướng sâu vào ma tuý”, Thanh buồn bã nói.

Khi học lớp 11, do tò mò nên Thanh đã thử cảm giác lạ của ma tuý. Đến khi trở thành vận động viên, Thanh yêu một đồng nghiệp cùng môn thi đấu với mình. Tình yêu đã giúp anh thăng hoa, thi đấu đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, khi ánh hào quang bắt đầu bừng lên thì anh bắt đầu sập bẫy. Một lần mải vui với bạn bè, cộng thêm cảm giác lâng lâng từ những lời chúc tụng, Thanh lại dùng ma tuý, dần dà nghiện lúc nào không hay. Sự việc vỡ lở, Thanh lập tức bị loại khỏi đội ngũ vận động viên. Trong lúc tuyệt vọng, Thanh được an ủi phần nào khi người yêu vẫn ở bên và khuyên anh cai nghiện.

Thanh cho biết: “Trong 2 lần tôi phải đi cai nghiện bắt buộc ở Ba Vì (Hà Nội), tháng nào cô ấy cũng lên thăm và động viên. Điều đó khiến tôi rất cảm động. Cai xong lần thứ 2, chúng tôi nghĩ đến đám cưới. Tuy nhiên, lúc đó có ý kiến cho rằng biết đâu tôi có thể nghiện lại, nhưng vì tình cảm sâu đậm với tôi nên cô ấy vẫn quyết làm đám cưới và quyết đấu với nàng tiên nâu đến cùng”.

Sau khi lập gia đình, rồi có con, một thời gian dài, Thanh không tơ tưởng nàng tiên nâu. Nhưng rồi một lần do vui quá đà với bạn bè bên bàn nhậu, anh không về với tổ ấm của mình mà lạc đường đến với nàng tiên nâu, rồi tái nghiện. Thanh tiếp tục phải đi cai nghiện, nhưng chẳng được bao lâu lại ngựa quen đường cũ. Người vợ trẻ xinh đẹp sau nhiều lần khuyên nhủ không được đã bật khóc. Cô thẫn thờ nói “Thôi, anh hãy sống với nàng tiên của mình, em chịu thua rồi”, sau đó đưa con về nhà bố mẹ đẻ.

Đòn chí mạng đó khiến Thanh choáng váng. Anh đến Cơ sở TVN để cai nghiện. Thanh nói: “Lần này tôi sẽ quyết tâm cai vì câu nói trên của vợ, đồng thời thương con còn nhỏ quá. Điều trị ở đây, thấy thuốc cắt cơn uống xong không quá mệt, sau đó chịu khó tắm thấy đầu óc không bị. Sinh hoạt lại không gò bó, cứ 6 giờ dậy tập thể dục, buổi chiều chơi cầu lông, xà đơn, xà kép.

Điều này khá quan trọng bởi tại một số nơi tôi từng cai, các bệnh nhân bị quản khá chặt khiến nhiều người bị ức chế, nên khi về nhà có tâm lý được xổ lồng dễ dẫn đến tái nghiện. Trong thời gian cai nghiện tại đây, nhờ rèn luyện đều đặn nên sức khỏe của tôi khá tốt, nhiều ngày qua thấy không nhớ ma túy. Vài ngày nữa tôi sẽ rời cơ sở này, hy vọng không bị tái nghiện để có cơ hội đón vợ con trở về”.

Thấy mình là người hùng

Tại Cơ sở TVN, số bệnh nhân trẻ tuổi đã và đang cai nghiện ở đây khá nhiều, trong đó có ít nhất 5 người nghiện đập đá. Bác sỹ Bùi Bạch Lạc, Phó Giám đốc Cơ sở TVN, cho biết, đập đá là tiếng lóng của người nghiện khi sử dụng loại ma túy tổng hợp có ở nước ta vài năm gần đây.

Anh Hà (nhà ở phố cổ Hà Nội), 29 tuổi, có vợ và 2 con, được gia đình đưa vào Cơ sở TVN trong tình trạng tâm thần hoảng loạn. Dùng nhiều đập đá, dễ bị loạn thần kinh. Năm 14 tuổi, Hà ra nước ngoài sống với bác họ. Vì xa bố mẹ, bác lại thiếu quản lý nên Hà vướng phải ma túy chỉ một năm sau đó.

Thời gian này, nơi Hà cư trú đã có ma tuý tổng hợp nặng hơn heroin, nên khi Hà chơi vào, lập tức không muốn dùng thứ bột trắng trước đây nữa. Thấy cháu vướng nghiện, người bác vội đưa Hà về nước để cai. Tuy nhiên, sau 7 lần đi cai trở về, được một thời gian, Hà lại chứng nào tật nấy. Đợt cai tại Cơ sở TVN đối với Hà là lần thứ 8.

Hôm chúng tôi đến, Hà đã qua giai đoạn cắt cơn, bắt đầu phục hồi sức khoẻ. Khi được hỏi về những lần đập đá của mình, Hà cười ngượng ngập. Hồi lâu anh cho biết, loại ma tuý tổng hợp này được sử dụng chủ yếu dưới hai hình thức: hít trực tiếp và đốt nóng chảy bằng một dụng cụ chuyên dụng giống như bàn đèn. Mỗi lần đập đá phải tốn tiền triệu.

Nhiều khi Hà đập đá quên cả ăn uống, suốt ngày đêm không ngủ được. Khi dùng thấy hưng phấn ở nhiều trạng thái khác nhau, có thể làm được những điều mà lúc bình thường không thể làm nổi. Một vài lần sau khi đập đá, Hà chạy xe điên cuồng, hoặc nhảy nhót, la hét... và ảo giác mình là người hùng. Tuy nhiên, khi hết thuốc, trong người sẽ có cảm giác lo lắng, sợ hãi, khó chịu, thích xa lánh mọi người.

Khi được hỏi “Lần này cai nghiện có cảm giác thế nào?”, Hà nói: “Thấy dễ ngủ hơn và khoẻ ra”. Rồi Hà bảo, trong giai đoạn phục hồi sức khỏe thấy đầu óc thoải mái, ít bị ảo giác. Vì thế, Hà đề nghị gia đình sau đợt này sẽ ở lại đây điều trị vài tháng nữa cho tinh thần thật ổn định mới về.

Cơ hội hòa nhập cộng đồng

Theo thống kê, nước ta hiện có 153 ngàn người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, trong khi chỉ có hơn 100 trung tâm cai nghiện ma túy (CNMT). Cơ sở TVN ra đời trong bối cảnh này, sau khi Nghị định 147/CP năm 2003 cho phép thành lập các cơ sở CNMT tự nguyện.

Giám đốc cơ sở TVN Trần Ngọc Oai cho biết, anh được mời đứng đầu công tác điều hành tại đây, còn chủ Cơ sở TVN là anh Ngô Trường Tú. Vốn sinh trưởng trong một gia đình quân ngũ, anh Tú ấp ủ việc xây dựng Cơ sở TVN từ lâu. Anh đầu tư 5.000m2 đất của gia đình và bằng vốn tự có để xây dựng Cơ sở TVN. Cơ sở TVN được phép điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ cho người nghiện ma tuý.

Mỗi bệnh nhân vào đây điều trị đều có đơn tự nguyện và khai báo tình trạng nghiện của mình trước khi ký hợp đồng CNMT. Sau đó, bệnh nhân được lập bệnh án và có sổ theo dõi CNMT. Đến nay, đã có trên 100 người nghiện ma tuý cắt cơn, giải độc để tái hoà nhập cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), một trong những chuyên gia hàng đầu về điều trị nghiện chất, nói: Cơ sở CNMT tự nguyện mà giúp được bệnh nhân vượt qua trạng thái nghiện là rất tốt. Tuy nhiên, việc chống tái nghiện, hậu cai cũng là vấn đề rất quan trọng. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào bệnh nhân và môi trường xã hội trong quá trình họ tái hoà nhập cộng đồng. 

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Chuyên gia Tâm thần học, Trưởng phòng T4 Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, sau khi từ bỏ ma tuý 3-4 ngày, chất ma tuý chỉ bị đào thải khỏi dịch huyết tương, những cặn độc của nó còn tồn đọng trong các mô tế bào từ một đến nhiều tháng, nhiều năm.

Biện pháp đào thải duy nhất để trục xuất những cặn độc khỏi cơ thể là toát mồ hôi bằng cách chạy (để kích thích hoạt động của tuần hoàn) và tắm hơi. Mỗi ngày thực hiện hai việc trên trong 5 giờ theo tỷ lệ tương đối: 20-30 phút chạy, 4 giờ đến 4 giờ 30 phút tắm hơi. Thời gian tắm hơi phải cao hơn thời gian chạy từ 8-9 lần thì hiệu quả mới cao. Thực hiện trong 2-3 tuần liên tục, sau đó có thể kéo dài tới 2 năm.

Ngoài ra, phải dùng liệu pháp tâm lý trong việc ngăn chặn tái nghiện. Bệnh nhân cũng cần uống nước đầy đủ, kết hợp với bồi phụ muối khoáng, vitamin A, D, E, B1, C, B12, tăng cường nước hoa quả, bổ sung dầu ăn.

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG