> Nỗi đau da cam xuyên bốn thế hệ
> Xung đột tại Pakistan, 31 người chết
Thế giới ngày nay bạo lực hơn trước?
Không. Đầu thế kỷ 21 dường như ngập trong chiến tranh. Những cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, những trận đánh trên đường phố Somalia, người Hồi giáo nổi dậy ở Pakistan, những vụ tàn sát ở Congo, những chiến dịch diệt chủng ở Sudan… Trong cuộc thăm dò dư luận cách đây mấy năm, 60% người Mỹ nghĩ rằng, chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra. Đầu năm 2001, nhà khoa học chính trị James Blight và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự đoán, trong thế kỷ 21, trung bình mỗi năm thế giới có 3 triệu người chết vì chiến tranh.
Thật ra, trong thập kỷ qua, số người chết vì chiến tranh ít hơn bất kỳ thập kỷ nào khác trong vòng 100 năm qua, theo thống kê của các nhà nghiên cứu công tác tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo. Trên toàn thế giới, những cái chết gây ra bởi bạo lực trực tiếp liên đến chiến tranh trong thế kỷ qua trung bình là 55.000 người một năm, chỉ bằng 1/2 con số những năm 1990 (100.000 người mỗi năm), 1/3 con số thời Chiến tranh Lạnh (180.000 mỗi năm từ 1950 đến 1989) và 1/100 trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nếu tính đến sự tăng dân số toàn cầu trong thế kỷ qua tăng gần gấp 4 lần thì tỷ lệ còn giảm nhiều hơn nữa.
Có cảm giác nhiều bạo lực hơn thực tế vì có nhiều thông tin hơn về chiến tranh, chứ không phải có nhiều chiến tranh hơn. Thông tin về các cuộc chiến và tội ác chiến tranh ngày nay thường xuyên xuất hiện trên TV, máy tính… và ít nhiều gần với thời gian chúng xảy ra trong thực tế. Điện thoại di động kiêm máy ảnh đã biến nhiều dân thường thành phóng viên chiến trường.
Mỹ đang tham gia nhiều cuộc chiến hơn bao giờ hết?
Đúng và không. Rõ ràng là Mỹ bước vào tình trạng chiến tranh kể từ sự kiện 11-9-2001. Nhưng dù những cuộc xung đột thời kỳ sau vụ khủng bố 11-9 có thể dài hơn các cuộc xung đột trước, chúng nhỏ hơn nhiều và làm chết ít người Mỹ hơn. Một thập kỷ chiến tranh của Mỹ kể từ 2001 giết chết khoảng 6.000 người, so với 58.000 trong Chiến tranh Việt Nam và 300.000 trong Thế Chiến II. Năm ngoái, số người Mỹ chết do ngã từ trên giường xuống nhiều hơn trong tất cả cuộc chiến tranh của Mỹ (trong năm 2010) cộng lại. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đúng khi ông nói hồi tháng 6: “Cơn thủy triều chiến tranh đang rút xuống”.
Chiến tranh man rợ hơn với dân thường?
Khắc nghiệt hơn. Tháng 2-2010, máy bay của NATO không kích nhầm một nhà dân ở Afghanistan, giết ít nhất 9 thường dân. Theo một công trình nghiên cứu, 90% người chết trong các cuộc chiến ngày nay là thường dân, trong khi 10% là quân nhân. Cách đây một thế kỷ, 2 con số này đảo chỗ cho nhau. Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu khác cho rằng, tỷ lệ quân nhân chết so với dân thường là 50-50 trong nhiều thế kỷ. Hiện nay, có nhiều tiến bộ trong việc giúp dân thường bị thiệt hại vì chiến tranh.
Chiến tranh sẽ tồi tệ hơn trong tương lai?
Có thể không. Những thay đổi công nghệ thời gian gần đây làm cho chiến tranh đỡ man rợ hơn. Máy bay không người lái ngày nay tấn công các mục tiêu mà trong quá khứ cần đến một cuộc xâm lược với hàng nghìn binh lính vũ trang nặng, di dời nhiều thường dân và phá hủy nhiều tài sản trên đường đi. Cải thiện về thuốc men ở chiến trường làm giảm tỷ lệ chết trận. Trong quân đội Mỹ, tỷ lệ chết do vết thương chiến tranh giảm từ 30% trong Thế Chiến II xuống 10% trong chiến tranh Iraq và Afghanistan.
Một thế giới dân chủ hơn sẽ là một thế giới hòa bình hơn?
Không nhất thiết. Về mặt lịch sử, những nước dân chủ thật sự hầu như không bao giờ đánh nhau. Nhưng họ sẵn sàng đánh những nước không dân chủ. Họ có thể đề cao xung đột bằng cách khuếch trương các lực lượng sắc tộc và dân tộc chủ nghĩa để những nhà lãnh đạo độc tài phải nhượng bộ dân chúng.
Gìn giữ hòa bình không có tác dụng?
Gần đây có tác dụng. Sự hiện diện của các lực lượng gìn giữ hòa bình giảm một cách đáng kể nguy cơ châm ngòi chiến tranh sau những hiệp định ngừng bắn. Những năm 1990, khoảng một nửa cuộc ngừng bắn bùng nổ trở lại, nhưng trong thập kỷ qua, con số này giảm xuống còn 12%.
Một số xung đột không bao giờ kết thúc?
Không bao giờ nói không bao giờ. Năm 2005, các nhà nghiên cứu ở Viện Hòa bình mô tả đặc điểm các cuộc chiến tranh từ Bắc Ailen đến Kashmir là “cứng đầu cứng cổ, chống lại mọi loại dàn xếp và giải pháp”. Tuy nhiên, 6 năm sau, trừ một vài trong số cuộc chiến này (Israel-Palestine, Somalia và Sudan), tất cả đã hoặc sắp kết thúc. Trong phần lớn trường hợp ở châu Phi (Burundi, Rwanda, Sierra Leone, Uganda, Congo, Bờ Biển Ngà…), các phái bộ Liên Hợp Quốc đã mang đến ổn định, chiến tranh khó tái diễn.
Bài gốc (đăng trên tạp chí Foreign Policy) của Joshua S.Goldtein - giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Đại học Tổng hợp Mỹ và là tác giả của Thắng cuộc chiến tranh về chiến tranh: Giảm xung đột vũ trang trên toàn thế giới |