Nghiện li bì
Buôn Ma Thuột, hiểu theo đồng bào Ê đê có nghĩa là Buôn của Bố thằng Thuột.
Ngã Sáu, Ban Mê, có nơi bán chó mèo chim cảnh của một nhân vật giang hồ độc đáo: ông Cu Lì ! Hàng chục năm qua, ông tự chọn cho mình vị trí đắc địa nhất phố để đặt bản doanh bán chó.
Trên khoảng thềm phố rộng rãi, mát mẻ giữa Ngã Sáu Ban Mê, ông đặt mấy cái cũi lưu động, hễ trật tự đô thị xuất hiện là chúng được rinh chạy, giấu liền sau gốc cây hoặc bức tường xây dở. Trong cũi nhi nhúc cún vện hoặc tam thể vằn mướp xinh xẻo đủ cỡ, chúng khoanh tròn trong cũi chán lại được thả ra thơ thẩn dạo chơi. Còn ông thường ngả lưng trên chiếc ghế xếp đặt cạnh cũi, khoanh tay bình thản nhìn dòng người xe tấp nập.
Sau vài cuộc ngã giá mua chó mèo của ông Cu Lì và được ông nhiệt tình đưa về tận căn nhà bé tí ti dưới gầm cầu Chui chỉ cho thấy mấy chuồng bécgiê đặt kín hàng hiên, khi làm việc với nhóm bác sĩ có thâm niên về cai nghiện và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Đắk Lắk, tôi tình cờ biết người bán chó xởi lởi ấy chính là một trong những con nghiện nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính đầu tiên trên Tây Nguyên.
Ai cũng lạ lùng không hiểu sao tất cả số bệnh nhân cùng đợt xét nghiệm ấy đều đã từ lâu về bên kia thế giới, mà ông Cu Lì vẫn sống tỉnh bơ.
Ông Cu Lì vẫn lạc quan dù mang HIV 20 năm nay. Ảnh: Hoàng Thiên Nga. |
Một sáng thấy ông vắng khách, tôi ghé xe vào gợi chuyện. Thoáng ngẫm nghĩ, ông gật đầu “Nếu chị thấy chuyện đời tui giúp ích được gì cho người khác, tui chẳng giấu gì đâu!”.
Người ta gọi tui là Cu Lì, hay Hùng Chó. Còn tên khai sinh tui là Nguyễn Thanh Hùng, giấy tờ ghi sinh năm 1960, nhưng ra đời 1957 ở Hà Đông, nhà có 4 anh em, di cư năm 1945, hồi đó miền Nam ai cũng sợ bắt lính nên khai hạ tuổi trốn quân dịch. Ông bà già tui đem nghề gia truyền ở Nam Định vô đây mở quán Thanh Hương, cùng với Tân Hiên là 2 quán phở hoạt động lâu dài nhất Buôn Ma Thuột suốt từ ngày đó cho tới nay. Quán đông khách, tiền vô ào ào.
Sẵn tiền bán phở xếp đầy hộc tủ, tui rút bớt cùng bạn bè đua đòi bỏ học đi chơi theo đám lính biệt động quân đóng ngay dốc Lê Hồng Phong, thấy họ hít hêrôin bèn bắt chước rồi nghiện. Tui rút tiền bạo tay nhưng khéo giấu, mãi tới 7-8 tháng sau khi gia đình phát hiện thì tui đã bỏ học, quẳng hết sách vở rồi.
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, lính đổ về cao nguyên đông nghịt. Ba má khóa chân tui vô thành giường, bắt cai nghiện tại nhà, mời bác sĩ Khanh tới điều trị. Quản thúc chặt chẽ cỡ nào tui cũng bứt xích lẻn đi. Trong đầu lúc nào cũng lởn vởn ý nghĩ moi tiền để mua thuốc hít.
Năm 1978 tui bỏ nhà, sống vất vưởng bằng nghề trộm cắp. Mấy bà đi chợ mua túi trứng bỏ vô giỏ xe đạp, ngó chỗ khác tui chớp liền! Thuốc hồi đó còn rẻ, cứ mười hột vịt đủ chơi 1 mũi! Rồi móc quần áo trộm, giựt giỏ, trèo tường khoét vách. Khi chưa nghiện tui nặng bảy hai ký, đẹp trai. Chích riết còn da bọc xương. Nghĩ lại thấy rợn, chả hiểu sao tới giờ mình còn sống ?!
Số kiếp run rủi, tui lại quen được một cô buôn cá cao ráo xinh đẹp dưới cầu Ca Mét quận Bốn. Cổ thương tui mà hổng biết tui xì ke. Quen tròn năm là cưới. Tui giấu giỏi quá nên cổ theo tui lên đây sống chung tới gần 2 năm mới phát hiện tui nghiện. Khuyên can không được, cổ ôm thằng cu đầu lòng bỏ về Sài Gòn.
Năm 1994, có đoàn bác sĩ vô trại 05-06 (tức trung tâm quản lý-giáo dục các đối tượng mại dâm, ma túy -PV) Đắk Lắk, lấy mẫu máu xét nghiệm. Sau đó ít lâu, một ông gọi riêng tui bảo Mày nhiễm rồi! Lúc đó tui có biết HIV là gì đâu, chỉ láng máng hiểu nó là thứ bệnh không chữa được, nên hễ thả ra là chơi tiếp, chơi cho chết luôn, mà hổng chết !
Tròn mười lần tui bị hốt vô trại, chỉ có 8 lần tui ở yên được 8 năm, còn 2 lần kia phát bệnh chân cẳng phù nề lở loét. Trộm cướp, bị nhốt tù liên tục, ra vô tù trại như cóc bỏ dĩa. Rốt cục tấm thân tàn tạ của tui lại chèo queo ở bãi cỏ giữa bùng binh Ngã Sáu...
Sống lại nhờ cái gì?
...Từ bãi cỏ trước bùng binh Ngã Sáu, tui la lết tới rạp Kim Đồng mới cải tạo xong ráng mắc cái võng nằm tòng teng bên hông rạp. Hồi đó… chắc là mùa mưa năm chín lăm. Mưa dội ướt lạnh quá nên bừng tỉnh. Một cô nhỏ gần đó thương hại, trưa trưa bưng qua cho tô cháo húp cầm hơi. Cháo ngon bổ chắc vì pha nhiều tình người. Chỉ húp cháo mỗi trưa mà tui chống gậy gượng đi được. Mấy người quen cho nọ cho kia. Rốt cục gia đình tui cũng mủi lòng, đưa tui đi điều trị.
Tui hồi sinh. Chiều tối nào tui cũng phải nốc cả lít rưỡi rượu, kèm cóc xoài gì cũng được, nốc tới say tê tái cho qua cơn vật ma túy. Gần nửa năm sau, tui dứt hẳn nghiện ma túy lại biến thành ma men, bữa nào không tu cỡ hai, ba xị đế thì không cách gì ngủ được.
Vợ biết tin tui cai hẳn, mừng lắm, đem thằng cu lên tái hợp. Sức khỏe tui dần trở lại bình thường. Chữa hết bệnh lao, giờ chỉ còn chứng loét bao tử. Tui bôn ba buôn bán chim chóc, chó mèo, giành dụm mua được miếng đất dưới gầm Cầu Chui xây nhà. Ít lâu sau vợ tui đẻ thêm đứa con gái nữa. Cả 2 đứa con đứa nào cũng mạnh khỏe mập mạp, chẳng ốm đau gì. Hơn nửa đời người rồi tui mới hiểu gia đình quý hơn hết thảy.
Nghe tôi đề nghị làm xét nghiệm máu lại, để biết chính xác hiện giờ bệnh trạng ra sao, ông Cu Lì dứt khoát từ chối bằng nhiều lý do. Nhưng, quan trọng nhất là: Gia đình tui đang sống yên ổn, tui đồng ý để báo đăng chuyện đời mình nhưng không muốn có thêm bất cứ kết quả xét nghiệm nào khiến vợ con tui bất an, lo lắng.
Ông Nguyễn Hữu Thưởng, người có thâm niên 6 năm trưởng nhóm LIFE-GAP (dự án tài trợ của Hoa Kỳ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS), 11 năm trưởng nhóm Đồng đẳng (dự án Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS do Đức tài trợ) tại TP Buôn Ma Thuột thừa nhận ông Cu Lì là “một ca rất lạ”, rất may mắn.
"Nghe tôi đề nghị làm xét nghiệm máu lại, để biết chính xác hiện giờ bệnh trạng ra sao, ông Cu Lì dứt khoát từ chối bằng nhiều lý do. Nhưng, quan trọng nhất là" : Gia đình tui đang sống yên ổn, tui đồng ý để báo đăng chuyện đời mình nhưng không muốn có thêm bất cứ kết quả xét nghiệm nào khiến vợ con tui bất an, lo lắng. |
Gõ cửa các cơ quan chức năng và những bác sĩ từng chăm sóc, điều trị cho ông Cu Lì, tôi nhận được hàng chục ý kiến mâu thuẫn nhau về sự thật ông Cu Lì có từng nhiễm HIV hay không.
Bác sĩ Lê Đình Vinh - giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk cho biết tổng số tích hợp từ đợt xét nghiệm đầu tiên năm 1994 cho đến đợt xét nghiệm gần nhất cuối tháng 4-2011 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 1.580 ca có HIV dương tính, trong đó 673 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Người theo dõi đoàn cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV đợt đầu tiên tại trại 05-06 là bác sĩ Phan Công Hùng, nguyên phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mấy năm nay đã chuyển công tác về Khoa y tế Cộng đồng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, xác nhận Nguyễn Thanh Hùng tên thường gọi Cu Lì là 1 trong 5 ca có kết quả xét nghiệm HIV dương tính đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk.
Ông Cao Xuân Tứ giám đốc lâu năm Trại 05-06 của tỉnh xác nhận Nguyễn Thanh Hùng biệt danh Cu Lì từng nhập trại 05-06 nhiều đợt. Lần đầu tiên đoàn cán bộ y tế của Trung tâm Y tế Dự phòng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về lấy mẫu xét nghiệm ở trại, vào khoảng năm 1994, đã báo kết quả Cu Lì dương tính. Những người khác nghe thì ngất lên ngất xuống, chán đời đòi tự tử, riêng Cu Lì vẫn thản nhiên như không. Mấy nhóm nhà báo đến trại, Cu Lì đều cởi mở kể chuyện.
Bs Hàn Bửu Chương - trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột nói có những trường hợp tự nhiên khỏi bệnh. Sự lạc quan tinh thần là yếu tố rất quan trọng. Chưa bao giờ thấy Cu Lì bi quan. Có lẽ đây là một ca lạ trong y văn VN chăng?