Giấc mơ lên bờ

Giấc mơ lên bờ
TP - Ở thượng nguồn sông Thu Bồn vẫn còn những người phải lấy thuyền làm nhà, hết đời này qua đời khác.

Không một tấc đất

Từ bến đò Cà Tàng (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) nơi cách đây 8 năm vụ chìm đò lấy đi tính mạng của 18 học sinh qua sông kiếm chữ, chúng tôi theo thuyền của ngư dân lên thượng nguồn sông Thu Bồn.

Xóm Đầu Cồn thuộc xã Quế Lâm được xem là xóm vạn đò cuối cùng của thượng nguồn dòng sông chảy qua địa phận Nông Sơn.

Đầu Cồn là nơi trú ngụ của gần 20 hộ dân sống lênh đênh theo sông nước. Không tấc đất, họ neo thuyền làm nhà. Lấy sông nước làm chốn sinh nhai. Xóm cách trung tâm hành chính xã Quế Lâm chưa tới 200m, nhưng cuộc sống người dân thiếu thốn đủ bề.

Bà Nguyễn Thị Á - người chèo đò đưa cánh phóng viên vào vùng lũ Quế Lâm trong mùa mưa lũ năm 2010 vẫn nhận ra chúng tôi. Cách đây mấy tháng, sau một lần té ngã nơi triền sông, đôi chân bà không thể đi lại được nữa. Giờ đây bà cắm thuyền tại bến Đầu Cồn cạnh thuyền con trai để sống qua ngày. Con thuyền đã mục, ngấm nước, thỉnh thoảng bà lại còng lưng tát nước.

“Giờ thế này biết làm sao được. Đời tôi sinh ra đã gắn với bến sông này. Chết may ra mới được lên bờ” - Bà Á buồn rầu.

Cạnh thuyền bà Á là con thuyền của gia đình anh Phạm Văn Minh con trai bà. Con thuyền khá vững chãi hơn, là nơi trú ngụ của bà và 6 thành viên trong gia đình anh Minh. Đứa cháu nội bà Á và là con gái đầu của vợ chồng anh Minh có cái tên rất đẹp Phạm Thị Mỹ Nương. Là cái tên bà Á đặt cho cháu mình với hi vọng đời con cháu không còn lênh đênh. Mỹ Nương năm nay 14 tuổi. Trước tết Nương đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Là chị cả của 4 người em nhỏ, tính tình và cách cư xử của em cũng lớn hẳn so với tuổi.

Xóm Đầu Cồn nhà nào cũng đông con. Nhà ít nhất là 3 đứa. Tôi để ý tên em nào cũng đẹp: Mỹ Nương, An Khang, Như Ý, Huyền Trân….

Những cái tên đặt đều mang những ý nghĩa sâu xa, với ước mơ rồi đây tương lai các em sẽ tươi sáng.

Thế nhưng hầu hết trẻ con của xóm vạn chài này đều phải nghỉ học sớm, theo cha theo mẹ lênh đênh trên thuyền

Có khách ghé thuyền chơi, Mỹ Nương vừa đi đặt lồng bẫy lươn về đã vồn vã rót nước mời khách. Con thuyền rộng chưa tới 4 mét vuông là nơi ăn ngủ sinh hoạt của cả gia đình.

“Ai cũng bảo tên con đẹp. Con vui lắm. Nhưng con phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ, dành phần học cho ba đứa em sau. Con cũng không biết đời con có thoát khỏi chốn này không?”. Mỹ Nương nói bằng chất giọng của một người lớn. Nương nghỉ học trong sự tiếc nuối của thầy cô bạn bè.

Một tuần thấy Nương không đến lớp, thầy cô trong trường tìm đến xóm vạn đò để vận động em trở lại. Nương chèo thuyền ngược sông, để tránh thầy cô. Bố mẹ em cũng chỉ biết lắc đầu hứa: Lúc nào có điều kiện sẽ nói cái Nương đi học lại.

“Biết sao bây giờ. Cái ăn còn không đủ lấy gì cho con ăn học đây”, anh Minh thở dài.

Xoùm Ñaàu Coàn nôi thöôïng nguoàn Thu Boàn
Xoùm Ñaàu Coàn nôi thöôïng nguoàn Thu Boàn .

Không một tấc đất cắm sào. Hàng ngày, vợ chồng anh lên bờ với hi vọng có ai đó thuê hái dưa, phụ hồ kiếm gạo nuôi con. Những ngày rảnh rỗi anh cùng vợ và con đi thả lưới bắt cá trên sông, may mắn lắm cũng chỉ kiếm được 20-30 ngàn đồng mua gạo, thuốc thang cho mẹ già.

Chị Lê Thị Phượng (34 tuổi) một hộ dân sống gắn bó ở Đầu Cồn từ nhỏ, chia sẻ: “Đến tôi là đời thứ hai sống gắn với bến sông này. Vì không có đất đai ruộng vườn nên cuộc sống chỉ biết sống nhờ vào lộc của sông. Trước đây, sông lắm tôm nhiều cá, còn đỡ. Mấy năm lại đây, sông Thu Bồn lúc nào cũng đục ngầu. Cá tôm trốn hết. Thủy điện xả nước liên tục đánh bắt cũng khó khăn”.

Rồi chị nhìn đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Như Ý, nói: “Nó học đến lớp 5 rồi. Vẽ đẹp nhất trường được đi thi vẽ ở huyện. Không có tiền mua giấy mực nên cũng đành chịu thôi. Tôi cũng không biết có nuôi nổi nó ăn học đến nơi đến chốn không nữa”.

Những bức tranh của Ý vẽ đều cảnh trường lớp, nhà cửa khang trang. Hỏi em sao không vẽ cảnh sông nước, xóm Đầu Cồn. Như Ý lắc đầu: “ Con thích được lên bờ, có nhà cửa như bạn bè con”.

Phạm Thị Mỹ Nương sớm nghỉ học vì nhà nghèo
Phạm Thị Mỹ Nương sớm nghỉ học vì nhà nghèo .

Nghèo khó bó lấy nhau

Chị Phượng kể rằng, ngày trước chị sinh ra và lớn lên ở bến sông này sống trong thiếu thốn. Có chồng tưởng cuộc đời sẽ thay đổi. Nhưng nhà chồng cũng nghèo khó, vợ chồng quay lại bến đò cũ, sắm thuyền. Có với nhau ba mặt con. Hai vợ chồng quần quật làm việc chỉ đủ ăn qua ngày.

“Ngày trước thấy tôi nghèo, gia đình chồng cấm đoán. Anh ấy phải lạy lục gia đình mãi mới chấp nhận tôi là con dâu. Ở đây là vậy, nghèo và khó thường bó lấy nhau. Không cách nào dứt ra được”, chị Phượng tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Huệ, năm nay đã 56 tuổi từ nhỏ sống lênh đênh sông nước. Chuyện yêu đương gãy đôi cũng vì mang phận con nhà nghèo, không chốn nương thân. Tình duyên trắc trở, bà ở vậy một mình, sống qua ngày nơi thượng nguồn Thu Bồn. “Biết sao giờ. Đời người có số hết, mình phận gái nhà nghèo nên cũng cam chịu thôi”, bà Huệ thở dài.

Từ xóm Đầu Cồn theo triền cát là trụ sở UBND xã Quế Lâm khá khang trang. Hỏi chuyện xóm chài Đầu Cồn, lãnh đạo xã cũng chỉ lắc đầu: Vì kinh phí không có, quỹ đất không. Muốn tái định cư chỉ có bạt núi mới có. Nhưng không biết đến bao giờ xã mới làm được.

Thượng nguồn Thu Bồn nước sông đục ngầu vì vàng tặc, thủy điện cá tôm đang dần ít đi. Rời xóm Đầu Cồn xuôi dòng Thu Bồn khi chiều đã xuống. Những ánh mắt trẻ thơ trong vắt giữa đại ngàn sông núi ám ảnh chúng tôi. Mái chèo xuôi sông bỗng thấy nặng nề...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG