Kể chuyện Hoàng Sa - Kỳ 3

Ông Phạm Đoàn, trưởng tộc Phạm Văn ở Lý Sơn: “Các cháu phải nhớ, một ngàn năm sau, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam”
Ông Phạm Đoàn, trưởng tộc Phạm Văn ở Lý Sơn: “Các cháu phải nhớ, một ngàn năm sau, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam”
TP - “Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi, xót thương thay, liều thân vì Tổ quốc, quân vụ biên phòng chạnh niềm viễn xứ...”. Đến với lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay, lắng nghe quốc hồn dân tộc trong lời điếu người lính Hoàng Sa oai hùng một thuở.

>> Kỳ 2: Từ đảo chim đến Bầu Trắng giữa trời biển Việt
>> Kỳ 1: Hoàng Sa thời yên ả

Ông Phạm Đoàn, trưởng tộc Phạm Văn ở Lý Sơn: “Các cháu phải nhớ, một ngàn năm sau, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam”
Ông Phạm Đoàn, trưởng tộc Phạm Văn ở Lý Sơn: “Các cháu phải nhớ, một ngàn năm sau, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam” . Ảnh: Văn Chương

Đạp sóng ra khơi

Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho những chiếc thuyền luôn hướng về Hoàng Sa. Ở Quảng Ngãi có những làng biển chuyên đi Hoàng Sa. Đó là xã Bình Châu huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn. Khoảng trên 200 tàu cá chọn Hoàng Sa làm ngư trường chính. Hoàng Sa mãi là nơi đi về của họ.

Nhìn xuyên qua lịch sử, có một sự kết nối vô hình giữa 2 làng biển ngoài đảo Lý Sơn và Bình Châu trong đất liền. Đó là vào khoảng đầu thế kỷ XVII, những người dân tại xã Bình Châu đã ra đảo lập làng tại Lý Sơn. Mãi đến năm 1773, phường An Hải ngoài đảo mới nộp đơn xin tách khỏi làng trong đất liền. Cùng một gốc rễ, cái khí chất can trường trên biển của người dân tại 2 làng biển này dường như giống nhau. Họ vẫn đi về Hoàng Sa, dù cho cuộc đi lại ngày càng khốn khó.

Đến cửa biển Sa Kỳ, gặp bất cứ người dân xã Bình Châu nào cũng vậy. Nói đề tài Hoàng Sa thì ai cũng có thể kể vanh vách những câu chuyện dài về Hoàng Sa như trong lòng bàn tay. Máy ICOM nối từ ngoài khơi vào đất liền, Hoàng Sa luôn trở thành đề tài nóng hổi chuyển vào bờ mọi lúc mọi nơi. “Ngư dân ở đây bị phía Trung Quốc bắt hả? Vô khối... Có người bị dính 5 - 6 lần luôn”. Mang chuyện ngư dân đi hành nghề bị phía Trung Quốc bắt đến hỏi lão ngư dân Võ Mẫn và nhiều người khác. Câu trả lời đều tương tự.

Tàu ông Lê Hải cứu nạn ngư dân Trung Quốc Ngô Thủ Lý đưa từ Hoàng Sa về đảo Lý Sơn trong cơn bão số 1 – 2008
Tàu ông Lê Hải cứu nạn ngư dân Trung Quốc Ngô Thủ Lý đưa từ Hoàng Sa về đảo Lý Sơn trong cơn bão số 1 – 2008. Ảnh: Văn Chương

Những con số thống kê dày đặc dưới đây cho thấy các ngư dân đã phải gồng mình để bám biển mưu sinh tại quần đảo Hoàng Sa: Trong năm 2009, phía Trung Quốc đã kiểm soát và bắt giữ 41 tàu cá, 498 ngư dân. Tịch thu tài sản trị giá gần 2 tỷ đồng. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục công bố lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16-5 đến ngày 1-8, bẻ lái cho thuyền đi Hoàng Sa hay bật ra Trung Sa, Trường Sa? - đó là câu hỏi của nhiều thuyền trưởng.

Ngư dân vẫn không quên cái ngày đen đủi nhất - đó là ngày 29-9-2009, khi chỉ trong một ngày, Trung Quốc đã bắt giữ 19 tàu cá cùng 259 ngư dân Việt Nam, tịch thu tài sản trị giá 1,3 tỷ đồng.

Những người được lưu danh

Có một ngư dân hàng chục năm rồi vẫn vác đơn đi kiện, yêu cầu nhà nước can thiệp để Trung Quốc phải bồi thường - đó là ngư dân Phạm Quang ở thôn Định Tân xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Ông Quang kể lại: Bữa đó đánh lưới chuồn ở khu vực đảo Đá Bắc, chiếc tàu chiến Trung Quốc tới sát hồi nào không hay và bắt thuyền của tôi và ông Trần Xề. 10.000 USD, đó là cái giá Trung Quốc đòi phạt.

Buộc thuyền của ông Quang vào đuôi tàu chiến, lính Trung Quốc cho tàu tăng tốc chạy về đảo Phú Lâm. Trong đêm tối, khi đi ngang qua mấy chiếc thuyền của Bình Định đang làm nghề mành đèn, ông Quang liều mạng tụt xuống một chiếc thúng và thoát thân qua tàu bạn.

Kéo về đến đảo Phú Lâm, binh lính Trung Quốc phát hiện mất một ngư dân Việt Nam. Khi được hỏi, ông Xề lắc đầu ngoầy ngoậy và chỉ tay xuống đất ra hiệu: “Tụi bay ác, ông đó chết rồi!”. Khỏi phải chờ lâu, chiếc thuyền của ông Xề được họ ngon ngọt mời đến trả lại. Tót lên thuyền, ông Xề chạy một mạch về nhà.

Bị mất 300 tấm lưới ny lon, ông Quang mang đơn gửi tất cả các cấp để đòi công lý trong suốt hàng chục năm qua. Ông cho rằng: Đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, họ làm trái thì phải bồi thường!

Ông Hồ Thăng Bình là một trong 5 ngư dân xã Bình Châu từng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 3 - 2008, khi vừa thả lưới tại đảo Đá Lồi, một chiếc máy bay sà thấp, thêm một chiếc tàu chiến ập tới và “hộ tống” toàn bộ 5 ngư dân về đảo Phú Lâm. Tội “không chấp hành lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc” - đó là bản án mà các ngư dân này phải chấp hành.

Kỳ lạ thay, chiếc thuyền không người lái không hiểu bằng cách nào bị sóng dạt và quay về tới... quê nhà! Cả gia đình lập bàn thờ và khóc tế trên con thuyền rỗng không. Sau 15 ngày bị giữ, ông Bình và các ngư dân trở về trong sự ngạc nhiên đến bàng hoàng của người thân.

Trông Hoàng Sa nhớ Tổ quốc

“Từ Sa Kỳ chạy 137 hải lý là ra đến đảo Tri Tôn. Từ đảo Ông Già đến đảo Hai Trụ, ngược xuống là đảo Cẩu. Từ đảo Xà Cừ đi bắt kim la bàn 60 độ chạy 28 hải lý là đến đảo Phú Lâm. Nếu bão cấp 7 cấp 8 thì vào tránh bão tại đảo Cây, đảo Tây, nếu bão lớn thì vào núp gió tại đảo Phú Lâm và Đảo Cẩu…”. Suốt hơn 25 năm mưu sinh tại vùng biển Hoàng Sa, dù có nhắm mắt lại, những ngư dân xã Bình Châu cũng có thể liệt kê vanh vách những quãng đường, các kinh độ, vĩ độ như trong lòng bàn tay.

Đặc biệt, nhiều người còn nhớ cả những hang hốc nằm dưới đáy biển mà họ thường lặn xuống. Riêng những hòn đảo, bãi đá ngầm nhỏ chưa rõ địa danh, ngư dân Định Tân đã đặt cho cái tên của các thuyền trưởng của mình để phân biệt như: Đảo Nam A, đảo ông Leo, đảo Ba Thọ...

Thuyền trưởng Nguyễn Cư ở Bình Châu: “Cá chuồn cồ tôi đánh bắt ở Hoàng Sa mới về”
Thuyền trưởng Nguyễn Cư ở Bình Châu: “Cá chuồn cồ tôi đánh bắt ở Hoàng Sa mới về”.

Theo các ngư dân, hiện nay, tình hình làm ăn tại Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn, ngư dân liên tục phải dạt ra gần vùng biển từ 114 đến 115 độ kinh Đông và 15 đến 16 độ vĩ Bắc. Tuy nhiên họ vẫn luôn tìm cách bám trụ để làm ăn, qua đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Qua câu chuyện của các ngư dân cho thấy, lui ra Trung Sa đối với họ là một hạ sách. Ra Trung Sa thì sự vất vả nhân lên gấp bội. Vùng biển Trung Sa đầy hiểm nguy.

Theo kinh nghiệm, ngư dân hành nghề ngoài khơi thường dựa vào các đảo nổi để hành trình và đánh bắt. Nếu khi gặp bão tố, lốc xoáy bất ngờ ập đến, thuyền trưởng cứ điều khiển cho chiếc thuyền chạy vòng quanh đảo, sử dụng đảo như một tấm lá chắn để chống chọi với thiên tai.

Thế nhưng, vùng biển Trung Sa thì như một “sa mạc” phẳng lì, ngư dân phải “đưa đầu ra chịu báng” với sóng gió. Năm 2008, tại vùng biển Trung Sa, bão tố ập đến bất ngờ, gió giật cấp 8. Vậy là 15 chiếc thuyền cùng với hàng trăm ngư dân ở xã Bình Châu đã phải trụ giữa biển 3 ngày 3 đêm. Nhiều ngư dân chới với, suýt mất mạng.

Sóng gió thì lui ra Trung Sa, bình yên lại trở về nơi cha ông mở cõi. Đó cũng là cách mà những ngư dân tri ân với các bậc tiền nhân. “Vô vọng Hoàng Sa hoài Tổ quốc - Dương ba đông hải niệm u hồn” - tức trông Hoàng Sa nhớ Tổ quốc - sóng gió biển Đông nhớ người đã khuất. Nghệ nhân Võ Hiển Đạt - người phục dựng thuyền cho đội hùng binh trên đảo Lý Sơn như một lời nhắn nhủ đối với con cháu.

Hơn 20 năm lăn lộn ở vùng biển Hoàng Sa, nhắc đến những cái tên: Tiêu Viết Là, Mai Phụng Lưu, Lưu Nhương, Nguyễn Sao, Bùi Văn Lịnh... có gì đó thiêng liêng, như câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa hơn 300 năm về trước. Họ phải chống chọi với thiên tai, nguy hiểm, nhọc nhằn...

Dường như sợ ai nghe thấy “kho báu của ông bà mình” ngoài biển Đông, trước khi chia tay, ngư dân Bùi Tường ở Bình Châu ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Của cải dưới đó vô số em hể. Khai thác Hoàng Sa, ngư dân giàu lên không mấy hồi”.

Kỳ cuối: “Tiền đồn giữa biển khơi”

MỚI - NÓNG