Bị cáo Dương Chí Dũng:

“Nếu chứng minh được tham ô, tôi xin nhận tử hình”

Dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng từ xe thùng vào phòng xét xử
Dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng từ xe thùng vào phòng xét xử
TP - Đó là khẳng định của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng, khi tòa hỏi về khoản tiền tham ô chục tỷ đồng. “Tôi thề có trời đất, tôi không nhận một đồng nào tiền tham ô, nếu chứng minh được, tôi xin nhận án tử hình” - ông Dũng nói trước Tòa.

Hôm qua (22/4), Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Dương Chí Dũng cùng đồng phạm về các tội danh Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.

Có tài liệu mới từ nhân chứng Liên bang Nga

Vừa mở tòa, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng đồng loạt đề nghị HĐXX triệu tập nhân chứng liên quan đến vụ án. Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị triệu tập 3 nhân chứng (2 ở Nga, 1 lái xe của Trần Hải Sơn, người được cho đã chở Dương Chí Dũng đi bỏ trốn) nhằm làm rõ việc, có hay không các tài liệu liên quan đến việc “chia chác” 1,66 triệu USD và việc xác định thời gian lái xe chở ông Dũng bỏ trốn.

Bổ sung ý kiến trên, luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng, đây là vụ án có bị cáo đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình. Vì thế, HĐXX cần xem xét đầy đủ các yếu tố, tài liệu liên quan. Luật sư Thủy cho rằng, đã cung cấp ý kiến của nhân chứng nước ngoài cho Tòa, có liên quan đến nội dung vụ án, do vậy, triệu tập thêm nhân chứng này là chính đáng.

Luật sư Trần Đình Triển cũng thông báo, đã có lời khai từ các nhân chứng Liên bang Nga, liên quan đến việc số tiền 1,66 triệu USD, sẽ cung cấp cho HĐXX trong quá trình xét xử vụ án.

Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại Tòa. Theo kiểm sát viên, việc có thể triệu tập nhân chứng, có được là tốt. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không nhất thiết, Tòa có thể tiếp tục vụ án.

Tiếp tục tạm nghỉ để HĐXX hội ý nhanh, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn khẳng định, việc yêu cầu triệu tập nhân chứng của các luật sư, trong đó có người ở Liên bang Nga, Tòa sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Đối với nhân chứng là lái xe của bị cáo Sơn, bị cáo này đã có lời khai trong quá trình điều tra, do vậy HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử. “Về những tài liệu của luật sư Triển, liên quan đến lời khai của nhân chứng, luật sư có thể photo cho các đồng nghiệp sử dụng làm tài liệu trong quá trình xét xử” – Thẩm phán Sơn kết luận.

Cựu Chủ tịch, Tổng GĐ Vinalines cùng kêu oan

Trước khi vào phần thẩm vấn, để đảm bảo khách quan, chủ tọa yêu cầu lực lượng dẫn giải cách ly 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ hải quan Vân Phong, Khánh Hòa).

Là những người đầu tiên bị HĐXX xét hỏi, bị cáo Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) kêu oan, khẳng định mình không phạm tội tham ô.

Bị cáo Dũng nại rằng, việc lập dự án mua ụ nổi 83M do HĐQT của Vinalines quyết định, và giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai. Khi được chủ tọa yêu cầu nhận định về việc xét xử ở phiên sơ thẩm, nhất là ở hành vi tham ô, ông Dũng nói còn nhiều điều ở phiên sơ thẩm chưa được làm sáng tỏ.

“Quá trình điều tra, có một số lời khai không đúng ý của tôi” – ông Dũng khai, song ông này cũng thừa nhận “có ký” vào các biên bản ghi lời khai “không đúng ý” trên. “Tôi thề có trời đất, tôi không nhận một đồng nào tiền tham ô. Nếu có tài liệu chứng minh tôi làm việc này, tôi xin nhận án tử hình” - cựu Cục trưởng Hàng hải quả quyết.

Xung quanh những tài liệu liên quan đến ông Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, quá trình điều tra, ông Dũng từng có văn bản đề nghị cơ quan chức năng sao chép lại các cuộc gọi giữa ông Dũng và Trần Hải Sơn, nhằm làm rõ hành vi bỏ trốn, đưa đón tại sân bay, khách sạn, nhưng hồ sơ vụ án không có văn bản này.

“Nếu chứng minh được tham ô, tôi xin nhận tử hình” ảnh 1

Bị cáo Mai Văn Phúc

Tương tự bị cáo Dũng, cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc tái khẳng định mình không phạm tội tham ô, không cố ý làm trái...

“Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18, và phong bì 2 triệu của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật” – ông Phúc nói.

Cũng theo bị cáo Phúc, gia đình ông ta có ý khắc phục hậu quả để nhằm xin giảm án tử hình, nhưng ông Phúc không đồng ý. “Nếu khắc phục hậu quả, khác gì bị cáo đã nhận là mình phạm tội” – ông Phúc nói trước Tòa.

Bị cáo được cho là nút thắt trong việc quy kết hành vi của 2 cựu lãnh đạo Vinalines là Trần Hải Sơn. Tại phiên phúc thẩm, Sơn tiếp tục giữ lời khai buộc tội tham ô đối với ông Dũng và Phúc. Bị cáo Sơn tái khẳng định đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.

Nói về lý do xin giảm án tội tham ô, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, mình đã khai nhận toàn bộ sự thật vụ án, đã bồi thường, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khi Tòa hỏi: “Bị cáo đã khắc phục được bao nhiêu rồi?”, bị cáo Sơn lại “Dạ, bị cáo không rõ gia đình đã xử lý như nào ạ”.

Nhập nhằng ụ nổi có phải tàu biển?

Chiều qua, Tòa tập trung hỏi đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính xung quanh việc ụ nổi 83M có được coi là tàu biển không? Điều này liên quan đến trách nhiệm trong việc nhập khẩu, kiểm định, cho thông quan ụ nổi 83M, song các quy định còn rất mơ hồ, tạo thành cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.

Đại diện Bộ Tài chính lập luận, về tính pháp lý, theo luật Hàng hải, ụ nổi coi như tàu. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của luật cũng quy định, trường hợp Việt Nam có ký công ước mà nội dung khác luật thì tuân theo công ước HS. Vì vậy, nguyên tắc của Hải quan áp dụng quy định ụ nổi không phải là tàu là hoàn toàn chính xác. Việc áp mã hàng hóa, tính thuế của nhóm cán bộ chi cục Hải quan được đại diện Bộ Tài chính cho rằng hoàn toàn đúng luật.

Không đồng nhất ý kiến này, phía đại diện Bộ GTVT lại khẳng định, ụ nổi không phải tàu biển. Bởi, tàu biển phải di động được, còn ụ nổi là cố định, muốn di chuyển phải thông qua một phương tiện khác.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

> XEM TƯỜNG THUẬT PHIÊN TÒA SÁNG 22/4 TẠI ĐÂY

> XEM TƯỜNG THUẬT PHIÊN TÒA CHIỀU 22/4 TẠI ĐÂY

Vợ bị cáo Dũng đòi lại 2 căn hộ chồng mua cho “bạn gái”

Trả lời HĐXX, bà Phạm Thị Mai Phương, vợ bị cáo Dương Chí Dũng, đề nghị hủy quyết định kê biên 3 căn nhà của ông Dũng.

Theo bà Phương, 2 căn hộ cho chị T. (bạn gái ông Dũng) đứng lên là do ông Dũng lấy tiền của vợ (tiền bà Phương vay người khác) để mua. Còn căn nhà 2 vợ chồng ở là do tiền chung của 2 vợ chồng, tiền bố mẹ bà Phương cho..., phần tiền của ông Dũng không nhiều.

Vợ bị cáo Mai Văn Phúc – bà Ngô Thị Vân cũng đưa ra yêu cầu giữ lại ngôi nhà tại Hạ Long, Quảng Ninh, do từ năm 1983 bà Vân bỏ tiền riêng ra mua.

“Bị cáo không rõ có phạm tội hay không”

Tình huống hi hữu xảy ra khi Tòa chuyển sang thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang, cựu Phó TGĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương. Trả lời câu hỏi của chủ tọa “Bị cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ?”, ông Khang ấp úng: “Nếu HĐXX xét thấy bị cáo không có tội thì minh oan cho bị cáo, nhưng nếu thấy có tội thì xin giảm nhẹ hình phạt ạ”.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.