Vận chuyển ma túy qua đường hàng không: Vô vàn mưu ma chước quỷ
Rủi ro mất “hàng”, “mất mạng” khi vận chuyển ma túy trên máy bay luôn cao hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt… nhưng bù lại, thời gian di chuyển ngắn, lãi cao.
Đối tượng gửi ma túy qua đường hàng không (ngồi, bên phải), bị lực lượng công an bắt giữ. |
Thủ thuật “qua mặt” máy soi
Theo đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội, tội phạm vận chuyển ma túy đường hàng không manh nha xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm nay. Thủ đoạn vận chuyển ma túy dù đã tinh vi, xảo quyệt hơn trước nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc, “hàng” chặt với người.
Ma túy có thể được “nhồi” trong hành lý ký gửi, giấu trong túi xách tay, nuốt trong bụng hoặc cất trong đế giày, dép, trong cúc áo, bìa sách, vở, hồ sơ, đồ ăn và vali nhiều đáy... nên rất khó phát hiện - đại diện cơ quan công an cho hay. Cá biệt, một số đối tượng còn giấu “hàng” trong “chỗ kín” (thường được sử dụng trên những chặng bay ngắn).
Mới đây, 22h ngày 9-4, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh phát hiện một hành khách 30 tuổi, quốc tịch Thái Lan, nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay từ Doha, Qatar về TP Hồ Chí Minh, mang theo chiếc vali 2 đáy.
Sau khi đi qua máy soi, lực lượng chức năng phát hiện 20 túi nilon quấn băng dính vàng, trong chứa một lượng lớn hạt tinh thể. Kiểm tra chiếc vali này, cơ quan công an thu 5,9kg ma túy dạng đá.
Trước đó 4 ngày, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện, bắt giữ một hành khách mang quốc tịnh Việt Nam, làm thủ tục lên chuyển bay từ TP Hồ Chí Minh đi Australia vận chuyển trái phép 5,9kg ma túy.
Kiểm tra hành lý của người này, lực lượng chức năng thu 1,9kg heroin dưới lớp ớt bột và hạt tiêu. Chiếc vali này được thiết kế đặc biệt, trong lòng bọc giấy bạc - thủ đoạn chống lại máy soi ở sân bay. 4kg ma túy khác được đối tượng này “nhồi” bên trong thân cặp đế đèn cầy, phủ mạ vàng.
“Đánh” vào lòng tham, nhẹ dạ
Phân tích các vụ vận chuyển trái phép chất ma túy trên đường hàng không bị bắt giữ thời gian qua, đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho hay: Trong các vụ việc đều thu được một lượng lớn ma túy, nhưng đối tượng áp tải “hàng” đều là người xách thuê, hoặc bị đối tượng xấu lợi dụng.
Đại diện cơ quan công an thông tin: hiện có một số đối tượng ma túy gốc Phi, sang Việt Nam tìm cách lợi dụng, thuê phụ nữ trong nước vận chuyển ma túy cho chúng. Số đối tượng này thường “đánh” vào lòng tham, nhẹ dạ của những nạn nhân này. Điển hình như trường hợp 2 chị em Trần Hà Duy (23 tuổi) và Trần Hạ Tiên (21 tuổi), quê ở tỉnh Lâm Đồng.
Theo lời khai của Duy, khoảng cuối năm 2010, Duy - khi đó là sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trên đường đi xe buýt, tình cờ quen Francis (quốc tịch Kenya).
Biết Duy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Francis đề nghị Duy vận chuyển quần áo, giày dép mẫu từ Việt Nam, sang công ty của anh ta ở Malaysia với giá 500 USD, ở Cotonou - Benin giá 1.000 USD.
Thấy cơ hội kiếm tiền dễ dàng, lại được đi du lịch nên Duy đồng ý ngay và rủ thêm em gái là Trần Hạ Tiên làm cùng. Sau nhiều lần vận chuyển hàng, nhận thấy “con mồi” đã quen việc, các đối tượng trong đường dây ma túy bắt đầu “khai thác” 2 chị em gái này.
Tháng 7-2011, khi Tiên đang ở Cotonou, Benin thì gặp một người gốc Phi, thuê cô sinh viên này vận chuyển chiếc vali 2 đáy, trong chứa 4kg ma túy dạng “đá” về sân bay Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh. Hám lợi, Tiên làm liều và bị lực lượng chức năng bắt giữ khi về đến Việt Nam.
Về vụ việc này, một cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy nhìn nhận, đây là thủ đoạn “cũ người, mới ta”. Ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á có tình trạng này trước Việt Nam, chính phủ nước họ thậm chí đã yêu cầu các Đài truyền hình xây dựng phim, dựa trên những vụ án có thật để cảnh báo người dân về nguy cơ bị tội phạm ma túy lợi dụng.
Phòng ngừa lỏng, yếu tuyên truyền
Có một thực tế ít người biết, bất kỳ ai đi máy bay cũng có thể trở thành nạn nhân của đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy. Đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội dẫn chứng một vụ án: Heroin được các đối tượng nghiền nhuyễn, dập lại thành viên đóng vỉ như tân dược. Ma túy đóng vỉ được các đối tượng đính vào trong ống quần bò, dán băng dính giống như tem nhãn của quần áo thông thường.
“Hành khách lần đầu đi máy bay, gặp đối tượng ma túy đi cùng chuyến bay, vờ như mang đồ quá cân, năn nỉ nhờ “sẻ” vài bộ quần áo có vẻ bình thường sang hành lý”.
Chưa hết, hành khách đi máy bay hiện chưa chủ động bảo vệ hành lý mang theo người. “Mọi người di chuyển trên chặng ngắn thường mang theo túi, balô chỉ có phéc-mơ-tuya, không có khóa an toàn, nên dễ bị đối tượng ma túy thả “hàng” vào mà không hay. Không có người làm chứng, sẽ khó tránh những rắc rối không đáng có” - khuyến cáo được cán bộ này đưa ra.
Tội phạm vận chuyển ma túy đường hàng không luôn có hàng trăm, hàng nghìn thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, đối phó với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, số vụ vận chuyển ma túy bị bắt giữ hiện còn hạn chế.
Nhận định của cơ quan công an cho thấy, tội phạm ma túy hoạt động trên đường hàng không đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Việc này có thể hạn chế được nếu công tác tuyên truyền, phòng ngừa được chú trọng hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, công khai một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết, chủ động phòng ngừa, phát hiện tố giác…, hay “im lặng” do sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, để cho kẻ xấu lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin cần được cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét.
Theo Thu Hạnh
An ninh thủ đô