Đối tượng Nguyễn Hữu Dưỡng . |
Nguyễn Văn Dưỡng lơ đễnh nhìn chiếc áo và chiếc quần bó dính máu nạn nhân mà một điều tra viên vừa lôi từ trong chiếc túi ra để kiểm tra. Hắn trả lời rành mạch, không chút ngập ngừng. Dưỡng liên tục nói “em hoảng quá” khi kể tại từng tình tiết gây án. Dưỡng bảo, chính hắn cũng cảm thấy ghê sợ với chính mình khi nhớ lại từng hành động dã man đã gây ra tại tiệm vàng Vững Bắc (ở 25 Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Dưỡng kể rằng, sau khi gây án, hắn phóng một mạch từ Thường Tín về Thái Bình, về đến nhà bố vợ, hắn nôn thốc nôn tháo vì sợ. Sau đó bố vợ hắn là ông Đỗ Quý Yến chở thằng con rể sang nhà bố mẹ đẻ của hắn. Gia đình hắn tưởng hắn ốm nên mời bác sĩ đến tiêm. Hắn nói dối cả nhà là “vừa mới đánh lộn” khi mọi người hỏi hắn về những vết máu dây trên áo và quần bò.
Tỉnh queo nhận tội
Chiều 19-2, khi chiếc xe chở tổ công tác thuộc PC45 Công an Hà Nôi từ Thái Bình lao vun vút về số 7 Thiền Quang, trên xe “cõng” đối tượng Nguyễn Hữu Dưỡng, SN 1985, ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hàng chục phóng viên túc trực trước cổng số 7 Thiền Quang từ sớm như bừng tỉnh, vội vàng lao theo.
Dưỡng được đưa nhanh lên tầng 2, nơi đóng quân của Đội trọng án, cánh cửa nhanh chóng bị khóa lại, treo bên ngoài chiếc biển “đang họp, không tiếp khách” như thường thấy (dù phòng họp của PC45 ở hành lang bên kia).
Dưỡng vừa đi vừa chạy, vừa lấy tay bị còng che mặt, tránh ống kính máy ảnh. Chiều muộn, chúng tôi may mắn được vào “phòng họp”, nhìn tận mặt thủ phạm giết cướp bà chủ tiệm vàng một cách dã man này và nghe hắn thong thả trả lời từng câu hỏi, gương mặt cũng không có biểu hiện gì quá lo lắng hoặc căng thẳng, thậm chí rất thoái mái.
Dưỡng kể rằng, hắn cưới vợ năm ngoái, hiện làm nhân viên tiếp thị cho hãng dầu ăn TA ở Hà Nội, còn vợ hắn làm kế toán cho một công ty ở Hà Đông. Vợ chồng Dưỡng thuê nhà ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông để sinh sống. Lấy nhau tháng 1-2011, vợ chồng hắn chưa có con vì vợ hắn mới bị sảy thai.
Năm ngoái, Dưỡng bị làm mất tiền hàng của công ty, sợ bị công ty đuổi việc và tố cáo, hắn đã nhờ bố đẻ là ông Rương đi vay ngân hàng cho hắn 30 triệu, đồng thời hắn cũng vay bố mẹ vợ 3 cây vàng. Ngày 15-2, bố đẻ hắn gọi cho vợ Dưỡng nói là bảo Dưỡng mang tiền về để ông trả ngân hàng vì đã đến hạn phải trả, dù không có tiền nhưng Dưỡng vẫn hẹn bố ngày 16-2 lên Hà Nội để hắn đua tiền cho.
Sáng 16-2, hắn mang theo một con dao, một súng bắn điện, mặc áo mưa rồi đi ra khu vục Xa La - Hà Đông ăn sáng, sau đó ra cầu Tó để đón bố vì hôm trước, ông Rương hẹn hắn sáng hôm sau đón ông ở cầu Tó. Đến 10 giờ, hắn gọi cho bố thì ông Rương nói do bận nên không lên được và bảo hằn mang tiền về.
Không biết kiếm đâu ra tiền, Dưỡng đi vào Trung tâm thương mại Thanh Trì mua chiếc nhẫn giả (40 nghìn) rồi đi dọc quốc lộ 1 tìm địa điểm gây án. Phát hiện ra tiệm vàng Vững Bắc chỉ có một mình bà Bắc bán hàng, hắn “đánh dấu” rồi đi ăn cơm bụi, đợi thời cơ thuận lợi ra tay.
Từ lúc đó, hắn vòng đi vòng tại qua tiệm vàng hàng chục lần để tìm hiểu quy luật hoạt động của tiệm vàng này, đến khi xác định chính xác chỉ có một mình bà Bắc trong nhà, hắn đã quyết định hành động.
Không có kẻ nào sinh ra trên đời đã là tội phạm, nhưng quả thực, Nguyễn Hữu Dưỡng có một gương mặt quắt như chuột kẹp, bình thường ai cũng nói hắn hiền lành, tử tế nhưng nếu để ý thì sẽ thấy, hắn liên tục liếc trộm người đối diện bằng một đôi mắt cực kỳ gian manh, mới thấy thấm cái câu “trông mặt mà bắt hình dong”.
Dưỡng đã từng đi bộ đội, bố mẹ hắn sinh sống trong gian nhà mái bằng, đồ vật bên trong cũ kỹ và đều thuộc dạng rẻ tiền. Gia đình hắn thuộc dạng nghèo so với thành thị nhưng so với những hộ nông dân cùng thôn thì cũng gọi là tạm ổn.
Từ lúc nghe hắn kể đã gây ra vụ giết bà chủ tiệm vàng nhưng không biết bà ấy có chết hay không, vợ chồng ông Rương chỉ biết nằm bẹp một chỗ vì đau đớn. Cả ngày nay, ông bà không ăn không uống gì. Chị A - vợ hắn nghe tin cũng vội vàng về Thái Bình và lúc chúng tôi có mặt, chị A và bà mẹ chồng cũng chỉ biết ôm nhau khóc. Không ai muốn dậy tiếp chuyện nhà báo lúc này. Chỉ có những người chú của Dưỡng còn tỉnh táo hơn nhưng họ cũng đang vô cùng đau buồn nên không ai nỡ cất lời.
Ông Tiềm - Trưởng Công an xã Đông Cường cho chúng tôi biết, ở địa phương, vợ chồng ông Rương sống rất hiền lành, được lòng bà con hàng xóm. Ông Rương làm nghề sửa xe còn bà vợ thì làm ruộng. Họ có hai đứa con, ngoài Dưỡng thì ông bà Rương còn có một cô con gái là em của Dưỡng, năm nay 25 tuổi.
Khi đuợc Công an xã Đông Cường đến nhà vận động đầu thú, vợ chồng ông Rương rất hợp tác, dù ông bà xác định, tội của con trai mình không hề đơn giản. Cả ông Tiềm và bà con trong thôn đều vô cùng bất ngờ trước thông tin động trời này.
Những kẻ như Nguyễn Hữu Dưỡng, chắc chắn sẽ bị pháp luật xét xử nghiêm khắc. Xét về tòa án lương tâm thì hắn đáng chết ngàn lần, bởi hắn đã làm đau đớn trái tim những đấng sinh thành, đã cả đời khổ hạnh vì con cái. Hạnh phúc của cha mẹ là khi về già được nhìn thấy con cái trưởng thành, vậy mà Dưỡng đã nỡ cướp đi điều mong muốn giản đơn nhất của bố mẹ mình.
Có thể, Dưỡng buộc phải đầu thú vì biết mình không thoát tội, khi hàng nghìn bức ảnh của hắn đã được gửi đi khắp các địa phương, và clip tội ác dã man của hắn đang lan truyền trên mạng với tốc độ khủng khiếp. Thế nên, tôi không thấy sự sám hối hiện trên gương mặt quắt của hắn và ánh mắt gian manh thỉnh thoảng lại liếc trộm như mắt rắn rất khó khiến người ta động lòng trắc ẩn.
Ngay trong đêm 19-2, Nguyễn Hữu Dưỡng đã được đưa lên xe thùng để vào Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội. Đêm đầu tiên xa nhà thấm cái lạnh tái tê của đợt rét đậm nhất trong mùa đông năm nay, không hiểu hắn có một phút giây nào nghĩ đến bố mẹ và người vợ trẻ. Hy vọng là đêm nay Dưỡng sẽ thức, để nghĩ lại những gì mình đã gây ra, như một cách sám hối và còn đủ tự trọng để cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình.
Nhà Nguyễn Hữu Dưỡng ở Thái Bình. |
Cướp đúng nhà “mới bị phá sản”
Tại sao em lại chọn cửa hàng vàng bạc Vững Bắc để gây án?
Vì em đi dọc đường quốc lộ 1, thấy cửa hàng này chỉ có một phụ nữ ngồi bán hàng.
Đến mấy giờ thì em quyết định hành động?
Em đi lòng vòng mấy lần qua đó, khi thấy chỉ mình bà Bắc ở nhà, em đi ăn cơm bụi rồi từ buổi trưa cho đến khoảng hơn 4 giờ chiều 16-2, em mới vào tiệm vàng.
Trong nhiều tiếng đồng hồ ấy, có khi nào em nghĩ lại không?
Im lặng...
Khi em vào đề nghị bán chiếc nhẫn, em nói gì với bà chủ tiệm vàng?
Em đưa chiếc nhẫn ra, bà chủ nhìn và bảo “đây là vàng tây” rồi em xin bà ấy cho đi vệ sinh nhờ. Bà ấy nói “nhà vệ sinh ở đằng sau” rồi dẫn em đi. Bà ấy đi trước, em đi sau. Em gí dao vào người bà ấy thì bà ấy bảo: “Nhà tao mới bị phá sản rồi” và chống cự lại.
Trong lúc gây án, bà Bắc có kêu cứu không?
Có, bà ấy kêu: “Bố ơi...”.
Em cứ ngồi thẳng lên, ngẩng mặt lên trả lời thoái mái (một điều tra viên nhắc hắn) vì suốt cả buổi, hắn cứ cúi đầu xuống, nhưng thỉnh thoảng lại liếc trộm.
Vâng...
Sau đó em làm gì?
Em đập tay vào tủ kính khoảng 2-3 cái nhưng không vỡ. Em chạy ra ngoài tay vẫn cầm dao, lấy xe để trốn thoát thì gặp một thiếu niên khoảng 14-15 tuổi nên hoảng quá ngã xe và bị rơi cái gì đó.
Em có nhớ là rơi cái gì không?
Em không nhớ vì lúc đó quá hoảng rồi.
Nhưng em có nhặt đồ đánh rơi lên không?
Có. Sau đó em lên xe phóng thẳng về Thái Bình.
Trên đường chạy về Thái Bình, em vứt súng và dao ở đâu?
Không. Đến cầu Giẽ em mới dừng xe lại đội mũ bảo hiểm. Lúc đó em thấy súng điện và dao đã rơi rồi nhưng sợ không dám quay lại nữa
Lúc trước em để súng và dao ở đâu?
Em để trên bụng xe, nhưng lúc dừng lại ở cầu Giẽ chỉ còn mỗi cái áo mưa xanh.
Em về Thái Bình khoảng mấy giờ?
Khoảng 7h15 đến 7h30 tối. Em về đến nhà bố vợ là ông Đỗ Quý Yến và bị nôn thốc nôn tháo. Em chỉ nói là em gây án đánh lộn ở trên Hà Nội nhưng không nói cụ thể
Lúc đó áo em có dính máu không?
Có, cả quần cũng dính máu. Sau đó, bố vợ em đưa em về nhà bố mẹ đẻ. Em cũng kể lại y như vậy. Thấy em bị nôn, bố em tưởng em ốm nên mời bác sĩ về tiêm.
Đến khi nào thì em quyết định kể sự thật cho người thân?
Khoảng ngày 18-2 ạ. Em kể lại cho hai chú ruột của em là chú Xạ và chú Nhiên. Sau đó hai chú đi báo Công an và khoảng hơn 10 giờ đêm hôm đó, gia đình đưa em đến Công an đầu thú.
Theo Cảnh sát toàn cầu