Giết chồng ‘thượng mã phong’, vợ dựng hiện trường giả

Giết chồng ‘thượng mã phong’, vợ dựng hiện trường giả
Vừa ái ân xong, người chồng tâm thần bỗng tắt thở ngay trên bụng, Điềm nghĩ cạn, thít cổ anh này bằng dây thừng, và lấy kéo đâm vào người để tạo hiện trường giả. Chỉ vì xấu hổ mà Điềm đã phải trả giá bằng những tháng ngày trong trại giam, các con bơ vơ không có người chăm sóc.
Lý Thị Điềm trong trại giam mà không nguôi nhớ con
Lý Thị Điềm trong trại giam mà không nguôi nhớ con.

Người đàn bà mang tội giết chồng

Nghe cán bộ giám thị gọi lên hội trường của phân trại 1, Trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên, người đàn bà có dáng người nhỏ nhắn bước vội trong mưa.

Cô nghĩ cán bộ thông báo có chuyện khẩn cấp, hoặc gia đình lên thăm mình nên rảo bước thật nhanh. Nhưng khi thấy tôi, ánh mắt cô trùng xuống đượm vẻ man mác buồn. Người đàn bà 37 tuổi phạm tội giết người đó mang tên Lý Thị Điềm. Nạn nhân của Điềm không ai khác là người chồng từng má ấp tay kề nhiều năm trước.

Nhìn Điềm, không ai có thể nghĩ cô phạm trọng tội. Dáng người nhỏ thó, nước da trắng với mái đầu rẽ ngôi giữa, cô giống một người đàn bà chân chất hơn là một kẻ giết người. Phải mất một lúc, Điềm mới có thể cởi mở câu chuyện bằng một giọng đều đều.

Điềm mở màn cuộc trò chuyện bằng những lời thanh minh rằng mình không cố ý hành động vậy, rằng cô không hiểu biết, nghĩ cạn và quá hoảng loạn khi ra tay với chồng. Vừa nói, nước mắt lăn tròn trên gương mặt mệt mỏi của chị ta.

Điềm sinh ra ở một vùng núi cao của tỉnh Cao Bằng. Nhà đông anh em, hàng ngày ngoài giờ đi học, cô bé Lý Thị Điềm lanh lợi phải giúp bố mẹ kiếm củi, lên rẫy tỉa ngô, trồng sắn. Cuộc sống ở vùng cao nghèo khó, nên khi biết hết mặt chữ, Điềm nghỉ học ở nhà và trở thành lao động chính khi mới 9 tuổi.

Hàng ngày, cô bé phải làm đủ mọi việc từ chăm em, lên rừng kiếm củi tích trữ sử dụng cho mùa đông khắc nghiệt. Cô phải đi bộ hàng chục cây số để chặt được những cành củi chắc, khô rồi lại gùi trĩu vai về nhà. Có hôm, Điềm đi từ tờ mờ sáng đến khi tối mịt. Bữa trưa chỉ là nắm cơm độn ngô, sắn được vo tròn với ít muối trắng. Lúc khát nước, cô lại đi tìm các khe suối, hạt sương đọng trên lá để uống.

Vất vả, khổ cực nhưng càng lớn, Điềm càng xinh xắn. Cô bé có gương mặt tròn, đôi mắt biết cười và khóe miệng lúc nào cũng tươi vui. Nhiều thanh niên trong thôn, bản ngấp nghé để ý và nhờ người mai mối để có được Điềm.

“Bông hoa rừng” ngày một đằm thắm theo năm tháng. 16 tuổi, Điềm được gả cho một thanh niên niên trong bản. Chồng cô là Hứa Văn Cung, một chàng trai khỏe mạnh, có tài thổi kèn lá. Không có thời gian tìm hiểu, chỉ biết người nhà Cung mang con lợn và vài cân gạo nếp tới, cùng một số đồ vật khác, thế là Điềm theo anh này về làm vợ anh ta.

Vợ chồng trẻ, khỏe nên công việc cứ thế trôi chảy. Điềm làm lụng chăm chỉ từ sáng đến tối. Những việc nặng nhọc, không làm được, Điềm mới nhờ vả đến chồng.

“Anh ấy là người thật thà, mặc dù uống rượu nhiều, vì thanh niên nào trong bản cũng vậy. Nhưng anh ta thương tôi”, Điềm rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những ngày đầu sống hạnh phúc. Cô cho biết, nhà chồng cũng đông con nên khi lấy nhau, bố mẹ cho được con lợn, rồi cả hai phải vay tiền mua trâu phục vụ cho công việc nhà nông.

Nói đến người chồng đã khuất, Điềm luôn miệng bảo thương và khen anh ấy tử tế hơn người. Trong cuộc sống vợ chồng cũng có lúc xô đũa, đụng bát, nhưng cả hai sau đó lại yêu thương nhau. Giọng trùng xuống, Điềm bảo, bước ngoặt của mái ấm nhỏ của cô và chồng là vào năm 1997.

Thời gian đó, chuyện không may xảy đến, khi đứa con đầu lòng của hai người được vài tuổi, Cung đột nhiên ngẩn ngơ, lúc cười lúc nói. “Thày” trong bản phán chồng cô bị “con ma rừng” bắt vía. Vừa nuôi con, cô phải chạy vạy khắp nơi thuốc thang cho chồng. Hễ nghe ở đâu có thày mách chữa trị, Điềm lại tất tả bỏ công việc chạy đến tìm. Mãi sau này, đưa Cung ra bệnh viện tỉnh cô mới biết chồng mình mắc bệnh tâm thần.

Vay mượn, cóp nhặt khắp nơi, ngay cả con trâu duy nhất của nhà, Điềm cũng bán để đưa chồng đi chữa trị. “Tôi đã cố gắng để anh ấy bình thường trở lại, vì có làm hết việc trong nhà, tôi và con vẫn phải cần sự giúp đỡ của chồng”, Điềm tâm sự.

Sau đợt điều trị dài ngày, Cung được về với vợ con. Nhưng cũng từ đó, anh mắc phải chứng “sợ người”, thường bỏ đi cả đêm vào rừng rồi sáng hôm sau mới mò về. Có hôm, Điềm phải lặn lội khắp nơi để tìm chồng.

Vừa chăm con, Điềm phải vừa để mắt tới người chồng không còn bình thường. Công việc nhà cửa, một tay người phụ nữ trẻ đảm đương nhưng Điềm không một lời than trách, lầm lũi lo lắng cơm nước cho chồng, con.

Mỗi lần đi rẫy, vào rừng kiếm củi, cô phải nhờ bà con để mắt tới chồng. Nhiều bà con trong bản thương cho Điềm vất vả, không được nhờ chồng. Những lúc vậy, cô chỉ biết âm thầm gạt nước mắt thương cho số phận hẩm hiu của mình trong những đêm cô nằm chơ chọi trong màn, khóc thầm.

Sau ái ân, người chồng gục trên bụng vợ

Kể về cái ngày định mệnh của đời mình, cô bảo dù đã hơn ba năm trôi qua nhưng cô vẫn nhớ như in. Đó là ngày mà cô mang tội giết chồng, ngày mà người chồng tâm thần vĩnh viễn ra đi. Và cũng là ngày, hai đứa bé con cô mất bố, xa mẹ.

Điềm tâm sự: “Đó là buổi sáng một ngày tháng 11/2006. Mới sáng sớm, Cung đi cả đêm rồi mò về nhà. Anh ta nói với tôi “ngủ với nhau một cái”. Mặc cho vợ từ chối, Cung nằng nặc đòi phải “yêu” bằng được.

Một núi công việc đang chờ nhưng rồi Điềm buộc phải theo chân chồng vào giường. Quan hệ xong, anh này kêu mệt và dần dần lịm trên bụng vợ. Chưa biết xử lý tình huống thế nào, lúc đó, con gái đang chơi ngoài sân đòi đi vệ sinh, làm Điềm giật mình.

Điềm đã để chồng nằm lại trên giường một mình. Khi quay lại, Cung đã tắt thở. "Chân tay tôi lúc đó run lẩy bẩy, không biết phải xử lý ra sao. Ghé tai vào mũi và ngực để xem tim anh ta còn đập không thì mới hốt hoảng nhận ra tim anh ta đã im lìm, không còn đập”, Điềm rụt rè kể lại.

Để không bị mang tiếng là giết chồng, cô ta đã dựng hiện trường giả. Sau khi bế chồng ra nằm giữa nhà, Điềm dùng đoạn dây thừng xiết chặt cổ rồi lấy kéo đâm vào cổ chồng.

Sau đó, cô ta chốt chặt cửa chính ở phía trong rồi trèo lên gác nhà, đẩy tấm ván che ở đầu hồi rồi chui ra ngoài, mò đến nhà một người quen đi xem bói. Trưa hôm đó, thấy một người hàng xóm đang chăn trâu gần đó, Điềm nhanh chân quay về nhà và hô hoán để mọi người cùng đến chứng kiến sự việc. Để che giấu, Điềm vội vàng làm ma chay chôn cất cho người xấu số. Những hành động vội vã của Lý Thị Điềm đã không “che mắt” được ông bố chồng.

Cho rằng cái chết của con trai mình có điều gì uẩn khúc, người bố đã làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra khai quật tử thi nạn nhân để làm rõ vụ việc. Khám nghiệm tử thi, cảnh sát xác định nạn nhân chết do ngạt, bị ngoại lực tác động vào vùng cổ gây suy hô hấp. Điềm bị cáo buộc tội giết chồng. Và Điềm đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Điềm bị đưa ra xét xử và nhận mức án 6 năm tù vào cuối tháng 5-2007. Mọi thứ như đổ sụp dưới chân người đàn bà lam lũ khi công an đọc lệnh bắt giữ, khi cô phải tra tay vào còng số 8. Họ đưa Điềm về trại tạm giam tỉnh, những ngày tháng trong chốn lao tù, cô gày gò, tiều tụy vì sợ phải đối diện với án tù cao, vì nghĩ đến đứa con còn nhỏ giờ bơ vơ cả cha lẫn mẹ.

Ngày ra tòa, Điềm nước mắt lưng tròng. Những người hiểu thì chia sẻ với cô, nhưng cũng không ít người rủa Điềm là người đàn bà dã man, đang tâm hại chết một người chồng không ổn định về tâm thần. Tội nhất là những đứa nhỏ, chúng cũng được đưa đến tòa nhưng không gặp được mẹ. Bị cáo khóc nức nở bảo chỉ vì xấu hổ nếu mọi người biết chồng gục trên bụng vợ nên đã hành động dại dột.

Tuy nhiên, chồng Điềm tử vong là do bị vợ thít cổ chứ không phải bị “thượng mã phong” mà chết. Đứng trước vành móng ngựa khi đó, Điềm chỉ biết khóc, thương con còn nhỏ. Ngay cả đến giờ khi tiếp xúc với phóng viên, Điềm không hiểu sao lại làm như vậy. Cô nói: “Chưa bao giờ tôi thấy anh ta có triệu chứng đó. Cứ nghĩ nó chỉ kiệt sức nằm nghỉ ở đó một tí rồi sẽ khỏe lại ai ngờ xảy ra chuyện xấu đó...".

“Nhiều đêm, tôi khóc thầm và đổ bệnh vì tủi hổ và vì thương hai đứa nhỏ”, nữ phạm nhân dáng dấp nhỏ nhắn vân vê gấu áo tù tâm sự. Suốt một khoảng thời gian dài, mỗi khi chong mắt nhìn vào đêm tối, hình ảnh người chồng xấu số, tốt bụng lại hiện lên trong đầu Điềm. Gần 20 năm chung sống với nhau, ít khi họ lớn tiếng cãi vã. Những lúc Điềm nghĩ đến hai đứa con đang gào khóc gọi mẹ mỗi khi chiều tối ập đến là cô lại giàn giụa nước mắt.

Giống như nhiều phạm nhân ở xa khác, đã lâu lắm Điềm không có ai tới thăm nuôi. Gia đình cô ở tận một bản xa của tỉnh Cao Bằng, ngay cả người thân, các con cô cũng ít có cơ hội vào trại thăm mẹ, dù một lần, kể từ khi Điềm về Phú Sơn thụ án.

Gương mặt rầu rĩ, Điềm bảo, buồn nhiều nhưng cũng may giai đoạn hụt hẫng nhất về tinh thần đã qua. Đến nay, sau gần 4 năm ngồi tù vì tội giết chồng, Điềm hồ hởi cho biết mới nhận được một lá thư của đứa con đầu viết lên hỏi thăm sức khỏe.

“Những câu thăm hỏi ngô nghê của nó làm tôi bật khóc. Tôi không đọc được hết và phải nhờ người khác đọc hộ. Biết các con vẫn khỏe mạnh, tôi vui lắm rồi. Con tôi thiệt thòi lắm rồi. Bố đã chết, mẹ giờ thì ở tù, không hiểu chúng nó sống ra sao”, cô nói. Dịp đặc xá nào cô cũng ngóng chờ tin vui đến với mình để sớm trở về nuôi dạy hai con.

Giờ vào trại, Điềm đã tinh khôn ra nhiều. Cô được cán bộ ở đây “khai thông” về tư tưởng và được học các tình huống xử lý trong cuộc sống. Các chị em trong cùng buồng giam cũng chia sẻ với cô nhiều điều. Điềm tự tin với việc sau này được ra tù, trở về với xã hội, làm ăn. Cô cũng mong mỏi về nhà hương khói cho người chồng xấu số.

Đưa ánh nhìn ra xa, Điềm nức nở vì nhớ con. Cô tâm sự, sau này về cô sẽ phải tiếp tục đối diện với "búa rìu dư luận". "Nhưng vì các con, tôi sẽ sống thật tốt và gạt bỏ những thị phi để chăm lũ trẻ", cô buồn rầu kết thúc câu chuyện.

Theo Tâm Nhã
Phunutoday

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG