Ông Nguyễn Văn Phúc, sinh ngày 10-8-1962, trú đội 6, Hảo Thôn, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hoá mới học hết lớp 7, sau đó đi nghĩa vụ quân sự, về phục viên và xin vào làm bảo vệ Cty đường sắt Thanh Hoá, sau đó xin đi học lớp liên kết với Trường Đại học Luật mở tại Trường Trung cấp Pháp lý tỉnh.
Đến năm 2000, ông Nguyễn Văn Phúc xin vào làm việc tại UBMTTQ tỉnh và được tiếp nhận. Cuối khoá học, trường rà soát bằng cấp xét điều kiện dự thi tốt nghiệp, ông Nguyễn Văn Phúc dùng bằng của anh Nguyễn Văn Phúc, sinh ngày 7-3-1970, thường trú xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương tốt nghiệp năm 1986, tại hội đồng thi Lam Sơn và được cấp bằng ngày 10-6-1986. Song, khi trường kiểm tra thì phát hiện ông Nguyễn Văn Phúc có 2 nguyên quán; mặc dù ông này không thừa nhận hành vi dối trá của mình song cuối cùng ông Nguyễn Văn Phúc cũng phải tự xin thôi học vì sợ lộ.
Nhưng trớ trêu ở chỗ nếu không có bằng cấp thì không thể tiếp tục đảm nhiệm công việc nên ông Nguyễn Văn Phúc đi làm lại chứng minh thư cho trùng ngày tháng, năm sinh và quê quán của anh Nguyễn Văn Phúc trú ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương. Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Phúc đã đến Sở GDĐT xin cấp lại giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 với lý do làm mất bằng.
“Lọt” cửa Sở GDĐT, ông Nguyễn Văn Phúc ung dung xin đi học lớp Quản lý xã hội, khoá 49, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐHKHXHNV), mở tại Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTBXH.
Thật không may cho ông Nguyễn Văn Phúc, một lần nữa vào cuối khoá học, nhà trường lại kiểm tra bằng cấp 3 thì phát hiện có những giấu hiệu bất thường. Trường ĐHKHXHNV cử người đến Sở GDĐT Thanh Hoá xác minh thì phát hiện bằng anh Phúc đang sử dụng là bằng giả mạo nên không cho dự thi tốt nghiệp.
Do ông Nguyễn Văn Phúc không chấp nhận trước quyết định của nhà trường và yêu cầu xác minh lại, buộc Phòng PA25 Công an Hà Nội phải vào cuộc. Sau khi nhận được công văn số 664/XHNV ngày 5-5-2009 của Trường ĐHKHXHNV đề nghị Phòng PA25 Công an TP.Hà Nội xác minh tính hợp pháp của giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH mang tên Nguyễn Văn Phúc SN 7-3-1970, do Sở GDĐT Thanh Hoá cấp ngày 21-4-2000.
Tại công văn số 245/CV/PA25(GD) do Thượng tá Nguyễn Công Chiến - Phó Trưởng phòng PA25, Công an TP.Hà Nội ký, khẳng định: “Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Lam Sơn, kỳ thi tốt nghiệp ngày 30.5.1986 không có thí sinh nào là Nguyễn Văn Phúc, SN 7-3-1970 tại xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hoá tham dự. Duy nhất có thí sinh Nguyễn Văn Phúc sinh ngày 7-3-1970 trú tại xã Quảng Hợp, Quảng Xương dự thi tốt nghiệp và hiện đang công tác tại Sở Y tế Thanh Hoá. Việc sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH số A 071931 do Sở GDĐT Thanh Hoá cấp ngày 21.4.2000 của Nguyễn Văn Phúc, quê quán xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hoá (hiện công tác tại UBMTTQ tỉnh) là không hợp pháp”.
PA25 Công an TP.Hà Nội cũng đề nghị Trường ĐHKHXHNV thông báo về UBMTTQ tỉnh để xử lý theo quy định. Thế nhưng, đến thời điểm này, đã hơn một năm kể từ khi bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, ông Nguyễn Văn Phúc vẫn đang công tác tại Ban đại diện người cao tuổi thuộc UBMTTQ tỉnh Thanh Hoá.
Làm việc với báo chí, ông Hà Văn Thương - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh - khẳng định: “Anh Phúc sử dụng bằng giả là có thật. UBMTTQ tỉnh cũng mới nhận được đơn tố cáo của công dân và đã yêu cầu anh Phúc viết bản tường trình.
Trong thời gian tới, UBMTTQ tỉnh sẽ đưa trường hợp này ra tập thể Ban thường trực, Công đoàn và Đảng uỷ để bàn xin ý kiến xử lý. Việc anh Phúc có hành vi sử dụng bằng giả không những sai mà còn vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ nghiêm túc xử lý sau khi có ý kiến của các ban”.
Theo Anh Tuấn
Lao Động