>> Bác sĩ chuyên khoa I không bằng cấp III?
>> Bắt giam đối tượng gây thương tích dược sĩ Phan Thanh Tạo
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT ở TTYT Chư Sê. |
Bác sĩ chưa tốt nghiệp cấp 3
Năm 2004, ông Nguyễn Ngọc Ảnh nhậm chức Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Pơ. Chỉ sau 2 năm điều hành, ông Ảnh liên tục bị ông Phan Thanh Tạo, Trưởng khoa Dược - Cận lâm sàng Trung tâm Y tế Đăk Pơ gửi đơn khiếu kiện.
Thanh tra Sở Y tế Gia Lai kiểm tra và kết luận hàng loạt sai phạm của ông Ảnh như: Cử ông Nguyễn Minh Châu đi học trái ngành; trong thời gian ông Châu tự đi học vẫn được cơ quan trả lương; Giám đốc Nguyễn Ngọc Ảnh đi công tác ở các nơi vẫn được chấm công trực lãnh đạo; sử dụng xe công đi việc riêng, mua sắm tài sản cá nhân bằng tiền công không đúng quy định, vi phạm một số quy định trong việc mua thuốc điều trị…
Sau khi thanh tra, Giám đốc Trung tâm Y tế Đăk Pơ vẫn ung dung tại vị. Người tố cáo sau đó bị côn đồ vô cớ đánh gây thương tích 28%. Cho rằng lãnh đạo Sở Y tế bao che sai phạm, nhiều đơn thư tiếp tục tố cáo hành vi giả mạo bằng cấp của ông Nguyễn Ngọc Ảnh (Tiền Phong ngày 1-9-2009 đã phản ánh).
Thế nhưng, thay vì xử lý kỷ luật, đề nghị thu hồi các loại văn bằng do Đại học Y khoa Huế cấp cho ông Ảnh, ngày 1-9-2009, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai lại tổ chức cuộc họp, đồng ý với giải trình của ông Ảnh là “Việc không có bằng THPT là vì nhà ở chuyển đi chuyển lại nhiều lần nên thất lạc không tìm thấy”.
Ngày 3-2-2010, trong kiểm điểm gửi Hội đồng kỷ luật ông Ảnh vẫn khẳng định: Bằng Tú tài phổ thông tôi đã tham gia dự thi tốt nghiệp năm 1974 bằng hình thức trắc nghiệm, sử dụng bút chì giber và chấm bằng máy. Đến ngày 1-4-2010, trong một bản kiểm điểm khác gửi Hội đồng kỷ luật huyện Đăk Pơ, ông Ảnh mới thừa nhận chưa có bằng tốt nghiệp THPT.
Vì sao không có bằng THPT nhưng ông Nguyễn Ngọc Ảnh vẫn được ngành y tế Gia Lai cho đi học chuyên tu tại Đại học Y Huế trong khi điều kiện nhập học ghi rõ thí sinh trúng tuyển phải có: Bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa THPT bản chính. Học bạ THPT hoặc bổ túc văn hóa THPT bản chính. Không có đầy đủ các loại giấy tờ kể trên nhà trường không nhận vào học. Đến nay, vụ giả mạo bằng cấp của ông Ảnh vẫn chưa bị xử lý.
Mượn bệnh nhân rút tiền bảo hiểm y tế
Trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ở huyện Chư Sê đã bị một số cán bộ Trung tâm Y tế huyện ghi tăng thời gian điều trị, kê bệnh nhẹ thành bệnh nặng, kê khống thuốc… để trục lợi. Từ cuối năm 2009, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê phải thành lập Tổ kiểm tra công tác thanh quyết toán BHYT.
Tổ kiểm tra phát hiện tất cả hồ sơ nội trú, ngoại trú được chọn kiểm tra đều đã bị kê khống thuốc hoặc thêm xét nghiệm, vật tư y tế… Các phiếu thanh toán chi phí điều trị đều có sai phạm. Số tiền được kê thêm chênh lệch với số tiền trong hồ sơ bệnh án được BHXH thanh toán từ 102.530 đồng đến 399.578 đồng/phiếu.
Tổ kiểm tra còn phát hiện 45 giấy xét nghiệm sinh hóa chưa ghi tên bệnh nhân, kết quả xét nghiệm… nhưng đã được bác sĩ điều trị và Trưởng khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế Chư Sê ký khống trước.