Chị Phan Bích Thiện |
Các chị vừa trở về Việt Nam tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X.
Chủ khách sạn và Chủ tịch Hội
Là chủ khách sạn bốn sao đầu tiên của người Việt ở Hungary với bộn bề công việc nhưng chị Phan Bích Thiện – Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary vẫn dành thời gian tham gia vào các hoạt động Hội để chị em tập hợp nhau, để cộng đồng gắn bó, đoàn kết và giáo dục văn hóa Việt Nam cho con cháu - Đó là tâm niệm của chị Thiện.
Bên cạnh đó, chị lại được người chồng Hungary ủng hộ nhiệt tình, khiến cho công việc kinh doanh khách sạn “xuôi chèo mát mái” mà hoạt động của Hội cũng luôn hiệu quả.
Chị Thiện cho biết, các hoạt động cộng đồng ở đây đều theo nguyên tắc ba “tự”: Tự quản, tự thu, tự chi. Cộng đồng người Việt tại Hungary chỉ có khoảng 3.000- 4.000 người, hầu hết tập trung ở thủ đô Budapest.
Năm 2004, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary chính thức được thành lập (tiền thân là Câu lạc bộ Phụ nữ). Chị Thiện cho biết, tuy Hội không đông nhưng làm được nhiều việc. Kể từ năm 2004 đến nay, Hội Phụ nữ luôn tổ chức Tết Trung thu được tổ chức đều đặn cho con em Việt kiều.
Lúc đầu, đích thân Chủ tịch Hội phải đóng vai chị Hằng, phát quà cho các cháu. Năm nay, Tết Trung thu được tổ chức tại một nhà hát. Trên sân khấu, ánh sáng và đèn lung linh với các màn trình diễn múa lân và múa hát vui Tết Trung thu, với sự tham gia của một ban nhạc Hungary.
Họ đã cùng hát bài hát tiếng Việt với ban nhạc Việt Nam. Dưới sảnh là mâm cỗ hoành tráng với đầy đủ hương vị Việt Nam như: bánh nướng, bánh dẻo, bưởi, đèn ông sao... mang sang từ Việt Nam.
Chính các hoạt động hiệu quả đã giúp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary tạo dựng được uy tín đối với xã hội Hungary. Đã có lần, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đã tổ chức cuộc thi vẽ tìm hiểu về Việt Nam thu hút được đông đảo các em học sinh trên khắp Hungary tham gia.
Mất nhiều thời gian cho công tác Hội Phụ nữ nhưng công việc kinh doanh khách sạn của chị vẫn rất hiệu quả. Khách sạn lâu đài Fried nằm cách Budapest 120 km là lâu đài cổ được vợ chồng chị mua và trùng tu lại. Nội thất gỗ bên trong tòa lâu đài đều là những hàng gỗ thủ công tinh xảo được mang từ Việt Nam sang như cầu thang gỗ chạm rồng... Năm 2006, khách sạn của chị được bình chọn là một trong số 100 khách sạn tốt nhất Hungary.
Mái nhà chung của người Việt tại Angola
Chị Nghiêm Nhật Mai |
Ở một quốc gia châu Phi như Angola, khi cuộc sống mưu sinh còn nhiều gian khó, cộng đồng người Việt tại đây đã tập hợp nhau lại bên mái nhà chung: Hội người Việt Nam tại Angola. Hiện nay, có khoảng 5.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Angola, tập trung tại Thủ đô Luanda và rải rác ở 18 tỉnh.
Những người Việt Nam sang sinh sống tại đây chủ yếu là các chuyên gia y tế và giáo dục theo hình thức hợp tác... Hội người Việt Nam được thành lập cách đây bốn năm và đã trở thành tổ chức tập hợp được cộng đồng, trở thành một khối đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hướng về cội nguồn, hướng ứng các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước như ủng hộ đồng bào bị bão lụt ở miền Trung, Quỹ nhà tình thương, Quỹ chất độc màu da cam, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, khuyến học ... với tổng số là 22.500 USD.
Để có được những thành quả này, không thể không kể tới vị “thủ lĩnh” của cộng đồng: Chị Nghiêm Nhật Mai - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola. Những ngày đầu Đại sứ quán Việt Nam tại Angola chuẩn bị tái lập vào năm 2003 (sau hai năm bị gián đoạn do Đại sứ quán chuyển sang Nam Phi), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình còn nhớ như in những hoạt động con thoi của chị Mai và nhiều người trong Hội.
Ông cho biết, lúc đó trong nước chỉ cử hai đồng chí sang lo liệu, nếu không có chị Mai và cộng đồng, công việc khó mà nhanh chóng đến vậy.
Vốn là kỹ sư địa chất tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Năm 1994, chị Mai được cử sang làm chuyên gia địa chất tại Angola và rồi định cư tại đó cho tới giờ. Hiện chị đã chuyển sang làm kinh doanh với một Cty chuyên về xuất nhập khẩu.
Bà chủ của trung tâm thương mại của người Việt tại Đức
Chị Trịnh Thị Mùi |
Đến Berlin, tôi đã được nghe anh bạn đồng nghiệp kể chuyện về “tứ quái” tại Berlin. Thực ra đó là cụm từ nói vui của người Việt tại đây về những người phụ nữ Việt Nam thành đạt tại Berlin và trên nước Đức, trong đó có chị Trịnh Thị Mùi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thương mại Thái Bình Dương (ITC) tại Berlin, Đức.
Không ai có thể biết rằng, một giảng viên tâm lý học của Đại học Sư phạm I ngày nào, giờ đã trở thành chủ của một trung tâm thương mại lớn của người Việt Nam tại Berlin sau biết bao thăng trầm nơi xứ người. Đây là trung tâm thương mại đầu tiên tại Đức do người Việt Nam làm chủ.
Khu trung tâm thương mại này (người Việt tại đây vẫn quen gọi theo tên cũ là Masan) là nơi tập trung buôn bán của đông đảo người Việt. Chị Mùi cũng đã dành một phần đất của mình để xây dựng một ngôi chùa Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho mọi người có nơi cúng lễ mỗi dịp lễ Tết, ngày rằm.
Tôi đã từng gặp chị Mùi tại ITC và chứng kiến sự tất bật của chị khi điều hành công việc tại trung tâm thương mại. Không những vậy, chị còn là hạt nhân tích cực trong các hoạt động của cộng đồng.
Gần đây nhất là cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Đức, chị cũng là một trong những thành viên quan trọng với vai trò Trưởng ban vận động tài trợ. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Đức thành công cũng có phần đóng góp quan trọng của những nhà tài trợ hảo tâm đó.