> Vì sao ngân sách nặng nợ?
> Có chặn được đầu tư dàn trải, lãng phí?
Ông Lê Hoàng Quân, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc xây dựng, ban hành chính sách và các quy trình thủ tục hải quan liên quan đến hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập còn một số tồn tại. Nhiều quy định của Bộ Tài chính vi phạm các quy định của các luật, nghị định của Chính phủ. Những quy định này đã tạo các “lỗ hổng” làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình như quy định về thời điểm tính thuế hàng tạm nhập không tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa trong Thông tư 194 ngày 6/12/2012 của Bộ Tài chính không đúng với quy định trong Nghị định 154 của Chính phủ làm giảm thu ngân sách nhà nước 469,66 tỷ đồng. Còn với trường hợp Thông tư 62 ngày 17/4/2012 của Bộ Tài chính không đúng quy định tại Điều 29 Thương mại và Điều 33 Luật Hải quan về tạm nhập tái xuất xăng dầu. Từ đây, dẫn đến việc thực hiện thu thuế ở khâu nhập khẩu không đúng quy định, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Chỉ với quyết định này, số tiền “vênh” về thuế nhập khẩu tương ứng với số xăng dầu đã tái xuất của Dung Quất tại thời điểm kiểm toán (từ 4/4 đến 9/6/2013) là hơn 21,04 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, việc ban hành Thông tư 62 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu tạm nhập khi tái xuất sang Lào hoán đổi với xăng dầu mua của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là không đúng quy định của Luật Hải quan, Luật Thương mại và Nghị định 12 của Chính phủ. Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về quản lý xăng dầu tạm nhập, tái xuất đúng luật, chấm dứt việc thực hiện thí điểm hoán đổi xăng dầu tạm nhập.