Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC):
Đem ngàn tỉ gửi ngân hàng lấy lãi
> Hoạt động chính của SCIC: Gửi tiết kiệm, lĩnh cổ tức
> Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng?
> Đầu tư 2013: Lướt sóng hay ăn chắc mặc bền?
Ôm lượng vốn khổng lồ hàng chục ngàn tỉ đồng từ nguồn thu cổ tức, bán vốn của các doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giữ quyền đại diện vốn nhà nước, thế nhưng điều bất ngờ là SCIC sử dụng phần lớn nguồn vốn trên chỉ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguồn: SCIC - Đồ họa: v.cường Ảnh: T.Đạm . |
Doanh thu của SCIC hiện nay chỉ từ ba nguồn: bán vốn nhà nước, gửi tiết kiệm ngân hàng và thu cổ tức từ doanh nghiệp SCIC giữ quyền đại diện vốn nhà nước.
Cổ tức khủng nhờ...“bò sữa”
Theo báo cáo của SCIC, tính đến hết năm 2012, tổng vốn trong danh mục đầu tư của SCIC theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỉ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỉ đồng, chênh lệch 36.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế danh mục đầu tư của SCIC đang phụ thuộc phần lớn vào một vài doanh nghiệp lớn. Chỉ riêng Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk - VNM), SCIC hiện đang đại diện Nhà nước nắm giữ tới 375 triệu cổ phiếu. Tính theo giá cổ phiếu VNM ngày 6-3-2013 là 105.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu VNM mà SCIC nắm giữ đã trên 39.300 tỉ đồng. Như vậy, hiệu quả trong tăng trưởng vốn đầu tư tại 408 doanh nghiệp mà SCIC còn đang giữ vốn nhà nước thực tế chỉ phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn, trong đó lệ thuộc rất lớn vào “con bò sữa” Vinamilk.
Điều này càng được chứng minh rõ ràng nếu nhìn vào tổng doanh thu của SCIC trong năm 2012 và khoản cổ tức mà Vinamilk chuyển về cho SCIC. Theo báo cáo của SCIC, tổng doanh thu năm 2012 của đơn vị này là 3.888 tỉ đồng. Trong đó, riêng phần cổ tức SCIC nhận về từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC làm đại diện đạt tới 2.151 tỉ đồng, tương đương 55,32% tổng lợi nhuận của SCIC, cao hơn nhiều so với năm 2011 (cổ tức SCIC thu về đạt 1.937,83 tỉ đồng).
Phần cổ tức SCIC thu về chủ yếu nằm trong nhóm doanh nghiệp lớn, vốn đã có sẵn lợi thế và tiềm lực kinh doanh. Cụ thể, năm 2012 chỉ riêng cổ tức từ Vinamilk, SCIC đã thu về 1.001,95 tỉ đồng, chiếm 46,58% tổng doanh thu cổ tức của SCIC.
Ngoài ra, SCIC còn giữ quyền đại diện phần vốn của Nhà nước và được quyền thu cổ tức tại nhiều doanh nghiệp khác. Năm 2012, Dược Hậu Giang lãi hơn 419 tỉ đồng và cổ tức mang về cho SCIC 57 tỉ đồng. Theo một báo cáo tại SCIC, đến hết năm 2012, tổng số cổ tức SCIC đã thu lũy kế từ Vinamilk đạt 2.600 tỉ đồng, tại Công ty cổ phần viễn thông FPT lũy kế đạt gần 500 tỉ đồng... Nhìn vào cơ cấu tiền lãi mà SCIC công bố dễ nhận thấy cổ tức là một nguồn thu nhập quan trọng đối với tổ chức đầu tư vốn như SCIC, đặc biệt khi SCIC hầu như chỉ đóng vai trò quản lý vốn, rất ít khi mua bán cổ phiếu trên thị trường.
Vốn đầu tư gửi ở ngân hàng
SCIC tập trung vào ngân hàng, bất động sản... Trong dịp khai trương một công ty con mới đây, ông Lại Văn Đạo, tổng giám đốc SCIC, khẳng định nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của SCIC là tập trung tăng cường hoạt động đầu tư trên nguyên tắc hiệu quả vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản... Với nguồn vốn to lớn đang nắm giữ, ngày 18-1-2013, SCIC đã khai trương một Công ty con là Công ty đầu tư SCIC (SIC) với hình thức là công ty TNHH một thành viên do SCIC là chủ sở hữu, hợp nhất báo cáo tài chính với SCIC, được SCIC cấp vốn điều lệ để hoạt động, được phân cấp trong quá trình đầu tư với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỉ đồng. Theo thông báo của SCIC, SIC sẽ có hai chức năng chính là đầu tư tài chính (thực hiện đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua bán sáp nhập) và đầu tư dự án. |
Thế nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là SCIC sử dụng những khoản tiền lời kếch sù thu về từ những nguồn nói trên như thế nào? Trong một báo cáo của SCIC, đơn vị này đã hé lộ thông tin về một trong những nghiệp vụ đầu tư của một “siêu tổng công ty” chuyên đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - đó là gửi tiền ngân hàng để lấy lãi. Báo cáo này nêu doanh thu tài chính năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy các khoản đầu tư tài chính khác hầu như không đáng kể, doanh thu tài chính của SCIC có được là tiền lãi gửi các ngân hàng. Với số tiền lãi thu về 1.568 tỉ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng)!
Hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay. Năm 2011, báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỉ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm. Trước đó, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỉ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm...
Có hiệu quả không?
Ngoài thu cổ tức, gửi tiền ngân hàng lấy lãi, một trong những công việc chính của SCIC là bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp SCIC đang làm đại diện. Theo thông tin từ SCIC, sau khi tiếp quản phần vốn nhà nước tại 949 doanh nghiệp từ năm 2006 đến nay, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu vốn nhà nước thông qua việc phân loại doanh nghiệp và tiến hành bán vốn tại những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Đến nay, “siêu tổng công ty” này đã bán vốn tại gần 600 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2012, hoạt động này lại tỏ ra không hiệu quả. Tổng số doanh nghiệp thuộc danh mục bán vốn của SCIC trong năm 2012 là 262 doanh nghiệp nhưng SCIC chỉ bán được ở 37 doanh nghiệp, với các lý do kinh tế vĩ mô bất lợi, thị trường chứng khoán lình xình...
Theo đó, doanh thu bán vốn chỉ chiếm tỉ trọng 0,4% tổng doanh thu với giá trị 169,7 tỉ đồng, trong khi doanh thu cổ tức chiếm đa số lên đến 55% tổng doanh thu.
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động đầu tư của SCIC còn nhiều điểm cần xem lại. Trong tổng vốn thực hiện đầu tư của SCIC năm 2012 là 1.257 tỉ đồng, chỉ riêng khoản đầu tư tăng vốn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) đã lên tới 1.021 tỉ đồng. Khoản đầu tư này đã gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và khả năng thu hồi vốn khi Vinaconex cũng đang trong tình trạng nợ hàng ngàn tỉ đồng tại các ngân hàng.
Theo SCIC công bố, tổng vốn nơi này đã đầu tư đến nay đạt con số rất lớn, tới gần 9.300 tỉ đồng dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp; góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh với vai trò cổ đông nhà nước; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao...
Phân tích kết quả kinh doanh năm 2012 của SCIC, TS Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng với những số liệu công bố, SCIC đã đạt được những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, muốn đánh giá có thật hiệu quả không, phải so với mục tiêu đầu năm đặt ra và đặc biệt là phải phân tích kỹ hơn, xem công lao do đâu, có phải của SCIC không hay của các công ty do SCIC được chỉ định làm đại diện vốn nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, mức lợi nhuận trong năm 2012 chưa nói lên được sự năng động của SCIC khi 96% tiền lãi có được từ việc chia cổ tức và tiền lãi gửi ngân hàng. Nếu xét một lực lượng hùng hậu doanh nghiệp mà SCIC đang tiếp quản thì số lãi đem về chủ yếu từ một vài công ty làm ăn được, điều này có nghĩa rất nhiều khoản đầu tư mà SCIC đang nắm giữ chưa thể sinh lời, thậm chí là lỗ đậm.
Thành lập SCIC nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn! Theo quyết định về việc thành lập SCIC do thủ tướng Phan Văn Khải ký năm 2005, SCIC được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH nhà nước, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập. SCIC được đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước dưới hình thức: góp vốn vào những lĩnh vực Nhà nước cần chi phối để thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các doanh nghiệp khác; đầu tư mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác; đầu tư trên thị trường vốn, chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và công cụ tài chính khác. Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. |
Theo Tuổi Trẻ